Xu thế chứng khoán ngày 7/3: Cổ phiếu bất động sản cần được kiểm định thêm

Với diễn biến hiện tại, khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục quản lý danh mục một cách thận trọng với tỷ trọng cổ phiếu chỉ nên chiếm tối đa 25% và nên ưu tiên chốt lời ngắn hạn hơn là mua mới ở giai đoạn hiện tại...
chứng khoán ngày

Chứng khoán ngày 7/3, thị trường tăng mạnh vào đầu phiên giao dịch sáng nhưng suy yếu trong phiên chiều trước áp lực bán gia tăng và chỉ còn kết phiên với mức tăng nhẹ. 

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 2,41 điểm (+0,24%) lên 1.027,18 điểm; HNX-Index tăng 1,67 điểm (+0,82%) lên 206,56 điểm. Độ rộng toàn thị trường nghiêng về bên mua với 468 mã tăng và 322 mã giảm. Trong nhóm VN30 (+0,09%), sắc xanh cũng chiếm ưu thế với 17 mã tăng, 12 mã giảm và 1 mã tham chiếu.

Thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức thấp, khối lượng giao dịch của VN-Index chỉ đạt 421,9 triệu đơn vị, với giá trị 6,8 ngàn tỷ đồng. HNX-Index ghi nhận khối lượng giao dịch đạt 54,8 triệu đơn vị, với giá trị 800 tỷ đồng.

Sau khoảng thời gian giằng co, VN-Index xuất hiện dấu hiệu suy yếu sau 14h do áp lực điều chỉnh từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 như VCB, VNM, VJC, MSN… Kết phiên, VJC giảm 4,5%, lấy đi của chỉ số 0,665 điểm; MSN giảm 2,1% lấy đi 0,571 điểm; VNM giảm 1,3% lấy đi 0,524 điểm. Ngược lại, VHM (+2,8%), CTG (+2%) và NVL (+6,8%) là những mã ảnh hưởng tích cực nhất và đóng góp 2,272 điểm cho VN-Index.

HNX-Index cũng có diễn biến tương tự khi nhiều cổ phiếu ghi nhận áp lực bán gia tăng trong phiên chiều. Kết phiên, các cổ phiếu trụ cột như KSF (+4,5%), DTK (+8,7%), CEO (+6,7%) là những mã đóng góp tích cực nhất cho chỉ số.

Nhóm cổ phiếu bất động sản giao dịch sôi động nhất thị trường với 57 mã tăng và 6 mã giảm sau thông tin cuối tuần qua Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Thông tin này cho thấy Chính phủ đang nỗ lực tháo rối cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, từ đó tác động tích cực đến thị trường bất động sản. Các đại diện tiêu biểu có thể kể đến như DIG (+6,8%), DXG (+6,9%), NVL (+6,8%) PDR (+6,7%)…

Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng giao dịch khả quan với 19 mã tăng và 5 mã giảm. Trong đó có thể kể đến các mã tiêu biểu như SSI (+1,6%), VND (+1,8%), HCM (+1,3%), VIX (+1,5%), APG (+1,7%)…

Ở chiều ngược lại, các nhóm ngành giao dịch kém sắc bao gồm nhóm ngành thực phẩm đồ uống, dịch vụ lưu trú ăn uống giải trí, chăm sóc sức khỏe và vận tải - kho bãi.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên HOSE với giá trị ròng 100,84 tỷ đồng, trong đó NVL (78,1 tỷ đồng) và VND (29,8 tỷ đồng) là hai mã bị bán ròng nhiều nhất. Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 24,74 tỷ đồng, trong đó PVS (24,4 tỷ đồng) là mã được mua ròng nhiều nhất.

Tiếp tục giằng co trong vùng 1.030

Chứng khoán BIDV (BSC)

Chứng khoán ngày 6/3 bật tăng ngay từ lúc mở cửa, tuy nhiên khi chạm đến vùng kháng cự 1.040, VN-Index giằng co ở đây cả buổi sáng trước khi bật xuống trở lại. Đà giảm kéo dài xuyên suốt phiên chiều và cuối cùng chỉ số đóng cửa tại mốc 1.027,18 điểm, gần như không thay đổi so với phiên trước đó. 

Độ rộng thị trường nghiêng về phía tích cực với 9/19 ngành tăng điểm, bất động sản dẫn đầu đà tăng với thông tin tích cực từ Nghị định 08/2023/NĐ-CP. Về giao dịch của khối ngoại, hôm nay khối này tiếp tục bán ròng trên sàn HOSE và mua ròng nhẹ trên sàn HNX. 

Dự báo trong những phiên chứng khoán ngày tới, thị trường có khả năng tiếp tục giằng co trong vùng 1.030 biến động khoảng 10 điểm.

Vẫn nên hạ tỷ trọng cổ phiếu

Chứng khoán Tân Việt (TVSI)

Chứng khoán ngày hôm nay, VN-Index kết phiên tăng điểm nhẹ trở lại nhưng vẫn là đóng cửa ở mức thấp nhất ngày, cho thấy đà hồi phục không mạnh và đã suy yếu nhanh chóng ngay trong phiên. Theo khung tuần, phiên giao dịch đầu tuần mới đang giống một phiên test lại vùng 1.030 điểm thất bại và tiếp diễn xu hướng giảm điểm. 

Với việc tiếp tục gặp khó tại ngưỡng 1.030 điểm thì trong ngắn hạn, chỉ số đang dần hình thành vùng đi ngang ở quanh khu vực 1.010 – 1.030 điểm. Vùng đi ngang hiện tại của chỉ số không bền và chủ đạo trung hạn của chỉ số vẫn đang là nhịp giảm điểm trở lại.

Xu hướng ngắn hạn của chỉ số hình thành vùng đi ngang mới nhưng chưa thích hợp để mở mua. Nhà đầu tư vẫn nên hạ tỷ trọng cổ phiếu ngắn hạn trong các nhịp hồi phục và theo dõi thêm vùng đi ngang mới hình thành trong ngắn hạn này.

Ưu tiên chốt lời ngắn hạn hơn là mua mới

Chứng khoán Vietcombank (VCBS)

Chứng khoán ngày hôm nay về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index tạo nến dạng Inverted hammer trên nền xu hướng đi ngang dao động trong khoảng 1.020 – 1.040 trong khoảng 5 phiên gần nhất và chưa cho tín hiệu rõ ràng về việc xuất hiện xu hướng mới. Cùng với đó, thanh khoản trong giai đoạn này vẫn là khá hạn chế, bất chấp việc xuất hiện một số thông tin hỗ trợ. 

Các chỉ báo RSI và MACD cũng chỉ cho tín hiệu tiếp tục nhịp tích lũy đi ngang trong những phiên gần đây và chưa xuất hiện tín hiệu mới, nên khả năng cao VN-Index vẫn sẽ tiếp tục giao dịch trong biên độ hẹp và bật nảy trở lại trong các phiên chứng khoán ngày tới và có thể lên cao nhất quanh khu vực điểm 1.050 trước khi xuất hiện xu hướng mới. 

Với diễn biến hiện tại, khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục quản lý danh mục một cách thận trọng với tỷ trọng cổ phiếu chỉ nên chiếm tối đa 25% và nên ưu tiên chốt lời ngắn hạn hơn là mua mới ở giai đoạn hiện tại.

Cổ phiếu bất động sản cần kiểm định thêm

Chứng khoán MB (MBS)

Thị trường hồi phục sau khi có những thông tin hỗ trợ nhưng diễn biến cho đến khi đóng cửa có thể là tín hiệu khiến nhà đầu tư lo ngại hơn. Thanh khoản tiếp tục tìm đáy mới kể từ đầu năm và việc khối ngoại duy trì bán ròng đã kiến dòng tiền thận trọng hoặc có thể là lực cầu bắt đáy vẫn kiên trì ở các vùng hỗ trợ thấp hơn ở cổ phiếu. 

Chứng khoán trong nước giảm ở tuần trước và không hào hứng ở phiên đầu tuần dù tuần sau các quỹ ETF mới cơ cấu danh mục quý 1. Như vậy có thể thấy yếu tố nội tại đang chi phối thị trường trong nước hơn là tác động bên ngoài. 

Với bối cảnh dòng tiền yếu, cơ hội vẫn nằm ở cổ phiếu cụ thể có câu chuyện, các nhóm cổ phiếu vẫn giữ được xu hướng tăng như đầu tư công, dầu khí, sản xuất diện,… Trong khi đó nhóm cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ bật tăng trong phiên hôm nay sau khi có thông tin hỗ trợ vẫn cần được kiểm định thêm trong các phiên chứng khoán ngày tới.

Tiếp tục đi ngang với biên độ hẹp

Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)

Thị trường có thể sẽ tiếp tục đi ngang quanh mức hiện tại và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại vùng 1.010 – 1.020 điểm trong phiên chứng khoán ngày kế tiếp. Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên thị trường có thể sẽ tiếp tục đi ngang với biên độ hẹp và thanh khoản có thể vẫn sẽ duy trì ở mức thấp trong các phiên giao dịch tới.

Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tăng nhẹ, nhưng các nhà đầu tư vẫn còn rất bi quan và rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục đứng ngoài thị trường và nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp dưới 40% danh mục ngắn hạn.

Có thể bạn quan tâm