Kết thúc giao dịch chứng khoán tuần 9-13/1/2023, VN-Index tăng 8,73 điểm (+0,8%) lên 1.060,17 điểm, HNX-Index tăng 0,61 điểm (+0,3%) lên mức 211,26 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 17,8% so với tuần trước đó lên 48.167 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 13,8% lên 2.660 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 2% xuống 4.348 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 10,6% xuống 283 triệu cổ phiếu.
Thị trường tăng nhẹ trong tuần qua khiến cho phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu đều có sự hồi phục.
Nhóm cổ phiếu dầu khí tăng mạnh nhất với 5,5% giá trị vốn hóa. Với các cổ phiếu tiêu biểu như BSR (+2,7%), PVS (+2,2%), PVD (+8,4%), PLX (+5,6%), OIL (+8,3%)...
Tiếp theo là nhóm cổ phiếu trụ cột của thị trường là ngân hàng với mức tăng 1,4%. Đây là nhóm đã giúp neo giữ thị trường trên ngưỡng tham chiếu trong suốt tuần qua. Các cổ phiếu tiêu biểu có thể kể đến như VCB (+2,1%), BID (+0,4%), CTG (+1,7%), VPB (+2,4%), TCB (+0,4%), ACB (+4,3%), VIB (+7%), SHB (+1,4%)...
Nhóm nguyên vật liệu cũng tăng 1,4% trong tuần qua nhờ các đại diện thuộc ngành thép như HPG (+2,8%), HSG (+3,6%), NKG (+6%)... Trong khi đó, ngành con hóa chất lại điều chỉnh với DGC (-2,9%), DPM (-3,1%), DCM (-2,6%)... khiến cho mức tăng chung của ngành nguyên vật liệu bị suy giảm.
Cổ phiếu dược phẩm và y tế tăng 1,2% với các đại diện như DBD (+1,1%), TNH (+1,9%), AMV (+2,9%)... Công nghiệp (+0,7%), hàng tiêu dùng (+0,4%), tài chính (+0,3%) đều tăng nhẹ.
Chiều ngược lại, nhóm dịch vụ tiêu dùng (-0,3%) và tiện ích cộng đồng (-0,1%) ngược dòng thị trường khi điều chỉnh giảm nhẹ.
Sau 9 tuần mua ròng liên tiếp, khối ngoại quay trở lại bán ròng trên hai sàn trong tuần qua với giá trị ròng đạt 1.439,34 tỷ đồng. Xét theo khối lượng ròng, EIB là mã chứng khoán bị bán ròng nhiều nhất với 132,7 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là PVT và DCM với đều 1,3 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, HPG là mã chứng khoán được mua ròng nhiều nhất với 16,8 triệu cổ phiếu.
Dưới đây là nhận định và khuyến nghị đầu tư của một số công ty chứng khoán về diễn biến thị trường tuần 16-19/1/2023.
Tăng điểm bứt trên mốc 1060 điểm
Chứng khoán Bản Việt (VCSC)
Về quan điểm kỹ thuật, tín hiệu ngắn hạn của các chỉ số như VN-Index, VN30, VNMidcap, VNSmallcap hay HNX-Index vẫn duy trì ở mức tích cực, không thay đổi so với phiên trước đó. Tuy nhiên, VN-Index và VN30 đang nằm khá gần kháng cự trung hạn MA100 ngày.
Dự báo trong phiên giao dịch chứng khoán tuần tới, VN-Index có thể tiếp tục thể hiện những nỗ lực tăng điểm để bứt lên trên mốc 1060 điểm. Tuy vậy, khi tiệm cận vùng kháng cự quanh 1075 điểm của đường MA100 ngày, lực bán ở vùng giá cao một lần nữa sẽ xuất hiện và tạo ra sự giằng co, phân hóa trên thị trường.
Nếu lực cầu giá cao đủ mạnh để giúp VN-Index đóng cửa trên mốc 1060 điểm, VN-Index có thể hình thành kênh dao động từ 1060-1080 điểm trước kỳ nghỉ Tết âm lịch. Ngược lại, nếu VN-Index đảo chiều giảm để duy trì đóng cửa dưới 1060 điểm, nhiều khả năng chỉ số sẽ điều chỉnh giảm để kiểm định hỗ trợ MA10 tại 1050 điểm và thấp hơn là MA20 tại 1035 điểm.
Thị trường sẽ tiếp tục giằng co
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Dưới góc nhìn kỹ thuật, VN-Index kết tuần với cây nến spinning top cho thấy xu hướng tăng trước đó của thị trường đã hạ nhiệt. 2 chỉ báo quan trọng là MACD và RSI ở khung đồ thị ngày đều hướng lên trở lại vào 2 phiên cuối tuần cho thấy rủi ro tạo phân kỳ âm trong ngắn hạn đã giảm bớt.
Với diễn biến hiện tại sau khi VN-Index ghi nhận 1 nhịp tăng nhẹ và thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức thấp những tuần vừa qua, khả năng cao thị trường sẽ tiếp tục giằng co, rung lắc trong biên độ hẹp trong các phiên chứng khoán tuần tới.
Khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng nhịp tăng để hiện thực hóa lợi nhuận trên các cổ phiếu đầu cơ ngắn hạn và hạn chế mở mới giao dịch cho tới phiên giao dịch cuối năm.
Chỉ gia tăng tỷ trọng khi xác nhận xu hướng
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
VN-Index đảo chiều giảm điểm giằng co trong phiên trước khi hồi phục về cuối phiên. Sự hình thành của mẫu nến "doji" cho thấy tương quan cung cầu hiện vẫn đang khá cân bằng và không cung cấp nhiều tín hiệu về mặt xu hướng.
Mặc dù rủi ro xuất hiện các nhịp điều chỉnh vẫn còn lấn át trong các phiên chứng khoán tuần tới, cơ hội hồi phục sau đó tại vùng hỗ trợ gần quanh 104x vẫn được đánh giá cao.
Khuyến nghị nhà đầu tư khống chế tỷ trọng ở mức an toàn và chỉ gia tăng tỷ trọng khi xuất hiện tín hiệu xác nhận xu hướng rõ ràng hơn.
Nhiều khả năng mở rộng đà hồi phục
Chứng khoán SSI (SSI)
Áp lực chốt lời đang diễn ra ở các nhóm ngành nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư giai đoạn gần đây liên quan đến câu chuyện đầu tư công và Trung Quốc mở cửa trở lại. Dòng tiền vẫn tiếp tục luân chuyển trong thị trường khi hai nhóm ngành tài chính cùng bia và đồ uống đóng góp tích cực nhất vào mức tăng chung.
Dự báo chứng khoán tuần tới, chỉ số VN-Index có thể tiếp tục diễn biến đi ngang cho đến khi xuất hiện các phiên xác nhận xu hướng. Trường hợp chinh phục trở lại MA 20 tuần (1.070 – 1.072 điểm), nhiều khả năng đà hồi phục sẽ được mở rộng với vùng mục tiêu gần là 1.080 – 1.100 điểm.
Ngược lại, chỉ số có khả năng sẽ điều chỉnh trở lại với vùng hỗ trợ đầu tiên là MA 20 ngày (quanh vùng 1.033 - 1.035 điểm).
Chỉ số đi ngang tiếp tục kéo dài
Chứng khoán Tân Việt (TVSI)
VN-Index vẫn tiếp diễn trạng thái như các phiên trước đó khi kết phiên với cây nến Doji cho thấy sự cân bằng giữa cả hai phe mua và bán. Thanh khoản cải thiện trở lại khi áp lực chốt lời gia tăng tại vùng kháng cự khi chỉ số tiệm cận trong phiên sáng.
VN-Index tạm thời tiếp tục duy trì vùng đi ngang 1050 - 1070 biên độ hẹp như đã nhận định trước đó. Điểm tích cực trong phiên hôm nay là mặc dù áp lực chốt lời gia tăng nhưng thị trường vẫn tăng điểm nhẹ với thanh khoản cải thiện.
Dự báo chứng khoán tuần tới chỉ số đi ngang hiện tại có thể sẽ tiếp tục kéo dài và VN-Index cần sau kỳ nghỉ lễ mới thay đổi trạng thái.