Xu thế chứng khoán tuần 22-26/5: Ghi nhận trạng thái luân chuyển của dòng tiền

Giữa bối cảnh đi ngang với dòng tiền duy trì tốt như hiện nay, thị trường có khả năng ghi nhận trạng thái luân chuyển của dòng tiền…
chứng khoán tuần

Chứng khoán tuần 15-19/5, VN-Index sau tuần giao dịch tăng điểm trước, trong tuần này chịu áp lực điều chỉnh kiểm tra lại vùng giá 1.060 điểm khi đầu tuần tăng điểm lên vùng 1.075 điểm sau đó giảm về vùng 1.060 điểm và kết thúc tuần ở mức 1.067,07 điểm, tăng nhẹ 0,02% so với tuần trước. Điểm tích cực là thị trường giao dịch sôi động với nhiều mã, nhóm mã tich cực vượt các vùng giá đỉnh cũ với thanh khoản gia tăng mạnh.

Trong tuần thanh khoản trên HOSE đạt 63.225 tỉ đồng, tăng tốt hơn 15,5%; khối lượng giao dịch tăng 10,9% thể hiện nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn giao dịch tích cực, thanh khoản cải thiện tốt.

Thanh khoản HNX giảm nhẹ 0,7% với 7.949 tỉ đồng được giao dịch. Thanh khoản trên 02 sàn niêm yết vượt mức trung bình, với  kỳ vọng VN-Index vượt vùng giá 1.050 điểm - 1.060 điểm thuyết phục. Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trở lại trên HOSE với giá trị 815,41 tỉ, mua ròng 56,01 tỷ đồng trên HNX.

Các thông tin trong tuần bao gồm VinFast Auto Pte. Ltd. (“VinFast”) công bố thỏa thuận sáp nhập với Black Spade Acquisition Co (“Black Spade”) với giá trị doanh nghiệp sau sáp nhập là khoảng 27 tỷ USD và tiếp tục kế hoạch niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ.

Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong đó ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo, đạt tỷ lệ khoảng 30,9%-39,2% vào năm 2030, 67,5%-71,5% vào năm 2050.

Các thông tin trên đã hỗ trợ tích cực cho nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, VHM.. hay nhóm cổ phiếu năng lượng, dầu khí. Trong đó nổi bật trong tuần là nhóm cổ phiếu dầu khí với nhiều mã tăng giá tốt vượt các vùng đỉnh cũ với thanh khoản tăng mạnh đột biến như PVB (+16,08%), PVS (+7,60%), PGD (+7,21%), PVC (+ 6,71%).

Nhóm cổ phiếu ngân hàng nhiều mã cũng tăng giá tích cực với thanh khoản cải thiện mạnh hơn nổi bật như NAB (+5,36%), VIB (+4,39%), STB (+3,92%), SHB (+1,72%)... trong khi các ngân hàng lớn chịu áp lực điều chỉnh với thanh khoản thấp với CTG (-1,41%), BID (-1,33%)...

Nhóm cổ phiếu bất động sản ngoài các cổ phiếu đầu ngành VHM (+5,66%), VIC (+1,55%), SJS (+1,35%) tăng điểm thì đa phần chịu áp lực điều chỉnh mạnh trong tuần qua sau giai đoạn tăng điểm như L14 (-9,50%), NTL (-6,30%), CEO (-5,93%), NLG (-5,47%), SCR (-4,73%)...

chứng khoán tuần

Tăng giảm đan xen

Chứng khoán Vietcombank (VCBS)

Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index kết phiên chứng khoán tuần tạo nến có dạng hammer trong xu hướng tăng giá, phần nào đã phản ánh sự hụt hơi của chỉ số trong ngắn hạn. Điều này cũng được thể hiện rõ hơn trên khung đồ thị ngày khi mà VN-Index vẫn đang dao động tích lũy trong vùng mây ichimoku.

Các chỉ báo MACD và RSI trên khung ngày hiện chưa cho tín hiệu đảo chiều, cho thấy VN-Index nhiều khả năng là đang tái tích lũy ngắn hạn sau một số phiên tăng điểm, và diễn biến này cũng không có gì bất ngờ đặt trong bối cảnh dòng tiền trên thị trường không quá dồi dào.

VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục có những phiên tăng giảm đan xen trong xu hướng đi lên zigzag một cách chậm rãi. Do đó, khuyến nghị các nhà đầu tư quan sát diễn biến thị trường tương ứng với giai đoạn VN-Index giao dịch quanh vùng điểm 1.070 và tạm thời hạn chế gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trước khi xuất hiện phiên bùng nổ theo đà.

Cần vượt qua ngưỡng 107x để tránh rủi ro

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

Chứng khoán tuần qua VN-Index giảm điểm giằng co trong phiên trước khi dần hồi phục và lấy lại phần lớn thành quả về cuối phiên. Ngưỡng hỗ trợ đáng lưu ý quanh 105x đã cho phản ứng sớm và giúp cho chỉ số tránh được một nhịp giảm sâu trong phiên.

Về mặt tổng thể, diễn biến đi ngang trong biên độ hẹp của VN-Index trong những phiên gần không đem lại nhiều ý nghĩa về mặt xu hướng, tuy nhiên, chỉ số cần sớm vượt qua ngưỡng cản gần quanh 107x để tránh rủi ro quay trở lại xu hướng giảm điểm.

Nhà đầu tư được khuyến nghị tạm đứng ngoài thị trường hoặc chỉ tham gia với 1 tỷ trọng thấp.

Sẽ tiếp tục duy trì xu hướng đi ngang

Chứng khoán BIDV (BSC)

Phiên cuối cùng chứng khoán tuần 15-19/5, thị trường giảm điểm từ lúc mở cửa, tuy nhiên sau khi lùi đến ngưỡng hỗ trợ 1.055, VN-Index bật tăng trở lại và đóng cửa tại mốc 1.067,07, giảm hơn 1 điểm so với phiên hôm qua. Số mã giảm áp đảo số mã tăng, trong khi 10/19 ngành tăng điểm, cho thấy dòng tiền có xu hướng tập trung vào 1 số mã nhất định.

Dẫn đầu đà tăng là ngành dầu khí, các ngành giảm điểm có mức giảm không lớn. Về giao dịch của khối ngoại, hôm nay khối này mua ròng trên cả hai sàn HOSE và HNX. Thị trường có thể sẽ tiếp tục duy trì xu hướng đi ngang trong những phiên tới nếu không có thông tin tích cực hỗ trợ.

Trạng thái luân chuyển của dòng tiền

Chứng khoán SSI (SSI)

Chứng khoán tuần 15-19/5, lực cầu chờ cơ hội khi cung đẩy mạnh vào đầu phiên chiều giúp thị trường thu hẹp đáng kể biên độ giảm về cuối ngày. Chỉ số VN-Index đóng cửa phiên cuối tuần sát ngưỡng 1.067 điểm, dù giảm -1,2 điểm (-0,12%) nhưng vẫn cao hơn +8,5 điểm so với mốc điểm số thấp nhất trong ngày.

Trên đồ thị ngày, sau khi kiểm định đường xu hướng bên dưới, chỉ số VN-Index đã hồi phục và duy trì trên vùng hỗ trợ 1.054 – 1.056. Chỉ báo RSI cho tín hiệu suy giảm và nằm dưới ngưỡng 60. Chỉ báo ADX không thay đổi tham số, đi ngang quanh mốc 16. Do đó, chỉ số VN-Index có thể chưa xảy ra biến động lớn để thay đổi xu hướng tích lũy trong vùng 1.054 – 1.075.

Giữa bối cảnh đi ngang với dòng tiền duy trì tốt như hiện nay, thị trường có khả năng ghi nhận trạng thái luân chuyển của dòng tiền. Theo đó, nhà đầu tư có thể tập trung vào những nhóm ngành đang hút tiền để tìm cơ hội giao dịch trong ngắn hạn. Đồng thời, cần lưu ý quản trị rủi ro tài khoản khi chỉ số VN-Index điều chỉnh về dưới ngưỡng hỗ trợ 1.054 điểm.

Tiếp tục xu hướng tăng điểm

Chứng khoán Mirae Asset (MAS)

Chứng khoán tuần 15-19/5, kiểm định ngưỡng 1.060 của VN-Index là diễn biến chính được chú ý trong tuần này, chốt tuần tại 1.067 có thể là dấu hiệu của việc kiểm định thành công.

Kỳ vọng VN-Index tiếp tục xu hướng tăng điểm ngắn hạn trong tuần sau, chỉ số có thể hướng đế mốc 1.085 – 1.090 nơi hội tụ 2 kháng cự quan trọng là MA 200 ngày và MA 200 tuần.

Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của VN-Index đang ở mức +4 (khả quan). Hệ số P/E hiện tại của VN-Index đang ở mức 14,5x.

Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được ThuonggiaOnline trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

S&P 500 và Nasdaq phục hồi, giá dầu bật tăng hơn 3%

S&P 500 và Nasdaq phục hồi, giá dầu bật tăng hơn 3%

Nasdaq và S&P 500 đã khép lại phiên giao dịch thứ Hai với mức tăng nhẹ, hồi phục một phần tổn thất sau nhiều phiên giảm trước đó. Các nhà đầu tư hiện đang háo hức chờ đợi báo cáo lợi nhuận quý của Nvidia…

TCBS thành công phát hành hơn 1,7 tỷ cổ phiếu, trở thành “quán quân” vốn điều lệ ngành chứng khoán

TCBS thành công phát hành hơn 1,7 tỷ cổ phiếu, trở thành “quán quân” vốn điều lệ ngành chứng khoán

Sau khi nâng vốn lên 19.613 tỷ đồng, TCBS vươn lên vị trí dẫn đầu trong ngành chứng khoán về vốn điều lệ, vượt qua Chứng khoán SSI. Tuy nhiên, “ngôi vương” này có thể sẽ sớm đổi chủ khi SSI đang triển khai chào bán 151,1 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 18.130 tỷ đồng lên 19.641 tỷ đồng...

Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động như thế nào trước hiệu ứng “Trump 2.0”

Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động như thế nào trước hiệu ứng “Trump 2.0”

Đồng USD mạnh lên có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi các thị trường mới nổi như Việt Nam để quay lại thị trường Mỹ. Điều này có thể dẫn đến việc chiết khấu định giá trên thị trường chứng khoán Việt Nam, tương tự như những gì xảy ra trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump...

Xu hướng ngắn hạn vẫn nghiêng về chiều giảm

Xu hướng ngắn hạn vẫn nghiêng về chiều giảm

Mặc dù xu hướng trung hạn đang là đi ngang nhưng xu hướng ngắn hạn vẫn tiếp tục nghiêng về chiều giảm. Nhà đầu tư được khuyến nghị chỉ duy trì một vị thế nắm giữ ở mức an toàn và tránh các quyết định mua đuổi giá trong các nhịp hồi phục...