Xuất bản phẩm giáo dục in lậu: Dễ làm, lãi lớn nhưng… phạt nhẹ

Lợi ích kinh tế từ việc in và tiêu thụ xuất bản phẩm (XBP) lậu mang lại là quá lớn nhưng khung hình phạt đối với hành vi này hiện rất thấp, chưa đủ nghiêm khắc. Nhà giáo ưu tú Ngô Trần Ái – nguyên Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam đã có những chia sẻ thẳng thắn về vấn nạn này.
Nhà giáo ưu tú Ngô Trần Ái

Từ trước đến nay, xuất bản phẩm của NXB Giáo dục Việt Nam đã bị sản xuất và tiêu thụ lậu như thế nào, thưa ông?

XBP giáo dục của NXBGDVN bị in và tiêu thụ lậu đứng đầu về số lượng, về địa bàn, về mức độ công khai. Theo thống kê của NXBGDVN, trong khoảng 10 năm trở lại đây, đã phát hiện hơn 500.000 bản sách, hơn 100.000 đĩa CD và gần 8 tấn bán thành phẩm sách giáo dục bị in lậu, tàng trữ để tiêu thụ lậu tại nhiều tỉnh thành trong nước.

XBP giáo dục bị làm giả, đưa đi tiêu thụ phần lớn là sách tiếng Anh, sách bổ trợ, sách khai thác bản quyền từ nước ngoài, bản đồ giáo dục, át lát địa lý, đĩa CD ROM nghe nhìn giáo dục. Ngoài ra, các bản sách điện tử (ebooks) của sách giáo khoa (SGK), sách tiếng Anh... cũng bị phát tán trên mạng internet tràn lan, với đủ các định dạng, các phiên bản, nguồn gốc khác nhau.

XBP giáo dục giả, lậu được bán công khai tại nhiều cửa hàng, nhà sách lớn nhỏ ở khắp các địa bàn, quận huyện ở các tỉnh, thành phố, thậm chí còn được bán trong các cơ sở giáo dục – đào tạo, bán vào các nhà trường.

Các đối tượng chủ mưu và đồng phạm tổ chức in lậu, làm giả, tiêu thụ XBP giáo dục giả có sự cấu kết chặt chẽ với nhiều thủ đoạn tinh vi, nhiều kinh nghiệm đối phó với cơ quan chức năng, có hiểu biết về chế tài pháp luật trong lĩnh vực xuất bản và nắm được các hạn chế trong quy trình, thời gian phối hợp kiểm tra của các cơ quan, đơn vị tham gia quản lí thị trường khiến việc phát hiện, kiểm tra, xử lý vụ việc gặp nhiều khó khăn.

XBP giáo dục giả, lậu ngoài những sai lệch về chất lượng, hình thức với XBP thật (giấy mỏng, xấu hơn, chất lượng in kém, dễ bị mờ, xộc xệch, dễ bị bong, dễ rách...) còn bị những sai lệch hoặc bị thiếu về kiến thức, về thông tin, dữ liệu. Mã (thẻ cào) trên XBP giả không được quyền truy cập vào tài nguyên, dữ liệu bổ trợ kiến thức online...

Ông cho rằng việc làm giả và tiêu thụ XBP giáo dục giả sẽ mang lại nguy cơ và hệ lụy gì?

Ngoài hệ luỵ chung giống như đối với các XBP khác, đó là XBP giả gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho các tác giả, dịch giả, các NXB, các đối tác liên kết, làm triệt tiêu sự sáng tạo, làm thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam... thì XBP giáo dục giả còn có những nguy cơ, tác hại nhiều hoặc nghiêm trọng hơn đến đối tượng sử dụng chủ yếu là học sinh từ lớp 1 đến lớp 12.

Đó là, những XBP giáo dục giả có sai sót về màu sắc, kí hiệu, nét chữ, kiến thức… hay bị thiếu dữ liệu, không cập nhật thông tin… sẽ dẫn đến sai lệch về nội dung kiến thức tiếp nhận của học sinh.

XBP giáo dục giả có chất lượng giấy in thấp, in bị mờ không đảm bảo quy cách tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ thể chất của học sinh (đặc biệt ảnh hưởng tới thị lực).

Sử dụng sách giáo dục giả, học sinh sẽ không truy cập và sử dụng được các giá trị, tư liệu, tiện ích bổ sung, hỗ trợ cho học sinh (do mã code của thẻ cào giả bị chặn truy cập trang dữ liệu online).

Việc sử dụng XBP giáo dục giả, vi phạm pháp luật ngay trong nhà trường, nơi hàng ngày đào tạo thế hệ trẻ, thế hệ tương lai của đất nước sẽ ảnh hưởng xấu đến nhận thức, đến ý thức chấp hành kỷ cương, pháp luật của thế hệ này về lâu dài

Vậy nguyên nhân của vấn nạn này là gì, thưa ông?

Tình trạng in và tiêu thụ XBP lậu tồn tại ngang nhiên, kéo dài nhiều năm qua với số lượng lớn, quy mô rộng, theo góc nhìn và thực tiễn của NXBGDVN do xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Đầu tiên phải nói đến, là lợi ích kinh tế từ việc in và tiêu thụ XBP lậu mang lại là quá lớn: Tổ chức, cá nhân tổ chức in lậu, làm giả, tiêu thụ XBP không phải đầu tư xây dựng đề tài, bản thảo; không phải chi tiền bản quyền, không phải nộp thuế; chất lượng mực, giấy in, chất lượng hoàn thiện XBP thấp... nên XBP lậu, giả có giá thành rất thấp.

Mặt khác, hệ thống văn bản, chế tài xử lý của pháp luật dù đã được cập nhật, bổ sung nhưng vẫn chưa thật đầy đủ, chưa bao quát hết thực tiễn. Và hơn nữa là khung hình phạt đối với hành vi này hiện rất thấp, chưa đủ nghiêm khắc.

Về mặt chủ quan, một phần do NXB chưa thật sự chủ động, tích cực, thường xuyên trong triển khai các công việc nhằm phòng, chống làm giả và tiêu thụ XBP giả. Chưa chủ động tìm kiếm, cung cấp thông tin liệu cho cơ quan chức năng có thẩm quyền để tố cáo hành vi vi phạm nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Chưa làm tốt công tác phối hợp với các NXB khác, với hiệp hội xuất bản để chung sức, nâng cao hiệu quả của việc phòng, chống và xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật về hoạt động xuất bản, xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của các NXB.

Nhưng cũng cần phải nói đến, các cơ quan quản lý nhà nước có chức năng thanh tra, kiểm tra chưa phát huy hết hiệu quả trong việc kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời sai phạm; cơ chế phối hợp quản lý, xử lý chưa kịp thời, chưa chặt chẽ, đồng bộ, còn nhiều hạn chế. Lực lượng tranh tra văn hóa - thông tin còn có biểu hiện nể nang, né tránh khi xử lý làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật...

Xuất bản phẩm giáo dục giả gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng đến việc đào tạo thế hệ trẻ

Sự phát triển của công nghệ (khả năng xử lý của máy móc, phần mềm, mạng internet, thương mại điện tử…) cũng góp phần giúp sức cho các hoạt động chế bản, sao chép, in ấn, làm giả, tiêu thụ XBP giả được dễ dàng, với quy mô, tốc độ... hơn trước rất nhiều.

Và nhận thức, quan tâm và hành động của của mỗi con người chúng ta (rộng ra hơn là xã hội, là hệ thống truyền thông, là những con người nằm trong quy trình tiêu thụ – sử dụng XBP) còn đơn giản, dễ dãi, chưa nhận thấy hết các nguy hại, các tác động tiêu cực của hành vi tiêu thụ, sử dụng XBP in lậu, in giả

Chế tài chưa đầy đủ, nghiêm khắc, ông có thể nói cụ thể hơn?

Tại điều 344, Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi Khoản 127 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định cả khung hình phạt tùlẫn phạt hành chính khiến cho việc áp dụng, xử lí thường được chuyển sang phạt hành chính (từ 20 triệu đến 200 triệu đồng). Ngoài ra, điều này mới chỉ chế tài đối với hành vi in lậu mà chưa quy định đối với hành vi phát hành sách in lậu, sách giả.

Tại Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013, tại điểm 7 điều 24 ghi: “Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi in xuất bản phẩm không có quyết định xuất bản (in lậu).

Cũng tại Nghị định số 159/2013/ NĐ-CP, điểm 5 điều 27: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in, nhân bản lậu, in giả, in nối bản trái phép... từ 300 bản trở lên.

Trong khi lợi nhuận từ việc in và tiêu thụ XBP lậulà hàng chục, hàng trăm tỉ đồng mỗi năm thì những khoản phạt này (tối đa 200 triệu đồng) là không đáng kể.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động phòng, chống in và tiêu thụ XBP lậu, ông có đề xuất gì không?

Đối với Nhà nước, tôi đề nghị tổ chức rà soát, bổ sung các quy định, chế tài xử lý hành vi in lậu, in trái phép, tàng trữ, tiêu thụ XBP in giả… sao cho đầy đủ, bao quát được thực tiễn, với chế tài xử phạt nghiêm khắc, có tính răn đe cao để các đối tượng không dámvi phạm. Hãy đưa hành vi sản xuất, in, tàng trữ, tiêu thụ XBP giả là sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng giả để có mức xử phạt nghiêm khắc.

Việc tham gia phòng, chống in và tiêu thụ XBP lậu không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước, quản lý thị trường, của chính quyền các địa phương mà cần có sự góp sức chủ động, tích cực của các chủ sở hữu XBP (các NXB, các tác giả) và của toàn xã hội. Quan tâm đến sự phối hợp hành động giữa các đơn vị xuất bản, với hiệp hội XB.

Cần tiếp tục nâng cao nhận thức về phòng, chống in và tiêu thụ XBP lậu cho mọi người dân để nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến trong xã hội thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật, phản ánh những tác hại, hậu quả của việc sử dụng XBP lậu, lên án những hành vi vi phạm, kêu gọi các lực lượng xã hội cùng quan tâm, chia sẻ các giải phápgóp sức ngăn chặn, từng bước đẩy lùi vấn nạn sách giả, sách lậu.

NXBGDVN đã có những giải pháp gì để ứng phó với vấn nạn này, thưa ông?

Từ trước đến nay, XBP của NXBGDVN luôn duy trì, củng cố đảm bảo chuẩn mực cao và tính chính xác đối với chất lượng nội dung và hình thức, mẫu mã. Củng cố, tổ chức bài bản công tác phòng, chống, ngăn ngừa việc in, tàng trữ, tiêu thụ XBP giáo dục lậu.

Cụ thể, NXBGDVN luôn có kế hoạch công tác, chủ động, tích cực, thường xuyên tổ chức rà soát, điều tra thực tế để phát hiện hành vi, dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến XBP giáo dục giả, lậu

Tổ chức phối hợp, thông tin với các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật, quản lý thị trường, chính quyền địa phương... để phát hiện, xử lý các hành vi in, tàng trữ, tiêu thụ XBP giáo dục lậu.

Về công nghệ, NXBGDVN đã nghiên cứu, áp dụng tiến bộ của công nghệ để trợ giúp hiệu quả cho việc ngăn ngừa, phát hiện hành vi in, phát hành lậu XBP giáo dục và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực xuất bản (tem chống giả đặc thù, tem code, thẻ cào dán trên XBP để có quyền truy cập vào tài nguyên, dữ liệu online, ứng dụng nhận diện sách thật sách giả...).

Giá bán XBP giáo dục sẽ cố gẵng giữ ở mức thấp, hợp lý để hạn chế việc in lậu (SGK có bị in lậu nhưng rất ít vì lý do cơ bản là có giá bán rất thấp). Tuy nhiên đây là giải pháp riêng, khó phù hợp với đa số XBP vì việc in lậu chỉ phải bỏ chi phí in ấn, còn thiếu rất nhiều chi phí khác mà XBP thật phải đảm bảo).

Xin cảm ơn ông.

Có thể bạn quan tâm