Lưu ý, trong nhiều năm ròng, xuất khẩu rau quả của Việt Nam luôn vượt con số 3,6 tỷ USD, xuất hiện tại hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Nhưng phần lớn lượng rau quả, trái cây xuất khẩu của Việt Nam hiện nay đang chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc. Số liệu từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, xuất khẩu rau quả, trái cây Việt Nam sang thị trường Trung Quốc chiếm hơn 43% thị phần, đứng đầu trong các thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Trong khi đó, hiện Trung Quốc vẫn đang theo đuổi chính sách Zero-COVID khiến xuất khẩu chính ngạch, tiểu ngạch đều bị gián đoạn. Đây là nguyên nhân trực tiếp khiến kim ngạch xuất khẩu rau quả, trái cây của Việt Nam bị giảm xuống.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu rau quả, trái cây từ nước ngoài về Việt Nam đang có xu hướng tăng. Số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, nhập khẩu rau quả năm 2022 đạt 2,08 tỷ USD, khiến ngành này chỉ còn xuất siêu 1,24 tỷ USD so với mức xuất siêu hơn 2 tỷ USD trong năm 2021.
Tuy nhiên, nếu so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trái cây trên toàn thế giới, kim ngạch của Việt Nam mới chỉ đạt 1% (tổng giá trị giao dịch trái cây tươi là 240 tỷ USD, sản phẩm trái cây chế biến là 270 tỷ USD). Đồng nghĩa với dư địa cho ngành trái cây tăng kim ngạch xuất khẩu còn khá lớn.
Tuy nhiên, việc nâng cao thị phần xuất khẩu của trái cây Việt Nam hiện nay không dễ. Bởi phần lớn mặt hàng trái cây xuất khẩu của Việt Nam đều ở dưới dạng xuất khẩu tươi (chiếm 76% tổng lượng trái cây xuất khẩu), dẫn đến tỷ lệ hư hao cao, chất lượng kém khi để lâu, giảm giá trị.
Còn đối xuất khẩu trái cây chế biến còn khó khăn, bởi cả nước có 157 nhà máy chế biến trái cây quy mô lớn, hơn 5.700 cơ sở chế biến quy mô nhỏ tại các hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ gia đình. Năng lực chế biến hằng năm theo thiết kế đạt 1,1 triệu tấn sản phẩm. Tuy nhiên, hiện công suất hoạt động của nhiều nhà máy chỉ đạt 50-60% do nhiều nguyên nhân.