“Đặc sản” workshop “chiều sâu” lên ngôi, chiếm trọn trái tim của khách hàng

Xuất hiện phổ biến tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây, mô hình “lớp học trải nghiệm” – workshop đang dần xây dựng được chỗ đứng riêng trong các hoạt động thư giãn, giải trí của cộng đồng.
“Đặc sản” workshop “chiều sâu” lên ngôi, chiếm trọn trái tim của khách hàng

Bên cạnh việc ngày càng phát triển cả về chất lẫn lượng, những mô hình này đang có xu hướng “tinh hóa” về nội dung, thông điệp qua từng lớp học.

Chiến lược tiếp thị “đi vào lòng người”

Cách đây không lâu, nếu như bạn là một người thích hoạt động thủ công hay “khéo tay hay làm” thì chắc vẫn còn nhớ đến mục DIY (Do it yourself) trên các tạp chí, chương trình nấu ăn của cô Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân, đầu bếp Yan Can Cook hay phổ biến hơn là các lớp kỹ năng tại Nhà văn hóa Phụ nữ (TP.HCM)…

Những hoạt động ấy, tuy có khác nhau về hình thức, nhưng tựu trung lại chính là hình thái workshop trải nghiệm (để phân biệt với nhánh nghĩa khác của từ workshop - những buổi thảo luận chuyên đề) đầu tiên trong ký ức của nhiều người, nhất là thế hệ 7X, 8X.

Khi bước vào thời buổi bùng nổ của kinh tế thị trường, nhờ sức hút và khả năng đem lại những trải nghiệm hoàn chỉnh của mình, mô hình workshop được áp dụng cho nhiều lĩnh vực kinh doanh và đóng vai trò như một công cụ để quảng bá hình ảnh và hoạt động của DN hay một hoạt động gia tăng, tăng cường gắn kết với khách hàng.

Theo nhận định từ chuyên trang thông tin Digital Marketing - Marketing AI của Admicro, workshop được xem như một chiến lược tiếp thị, cung cấp cho khách hàng kiến thức họ cần và đưa ra giải pháp của đơn vị mình, tạo uy tín và thuyết phục khách hàng sử dụng sản phẩm của DN dễ dàng hơn rất nhiều.

Cụ thể, nếu thích cắm hoa, làm gốm, khắc gỗ hay đơn giản chỉ là nấu ăn, tương ứng sẽ có những tiệm hoa, cửa hàng gốm thủ công, tiệm đồ mộc và các nhà hàng dành cho bạn những lớp workshop với những trải nghiệm thú vị.

“Đặc sản” workshop “chiều sâu” lên ngôi, chiếm trọn trái tim của khách hàng ảnh 1

Không chỉ mang tính trải nghiệm cá nhân, các workshop còn có khả năng truyền tải những trải nghiệm về sản phẩm, mặt hàng mà DN tổ chức lớp học đang kinh doanh.

Thông qua các hoạt động này, người tham dự sẽ hiểu hơn về sản phẩm (quá trình hình thành, nguyên liệu…) mà DN cung cấp, vì thế sẽ tin tưởng hơn; phía DN thì có cơ hội tương tác, hiểu được những yêu cầu mới từ khách hàng, từ đó có những kế hoạch kinh doanh tốt hơn.

Đây là một vài trong số rất nhiều hiệu quả tích cực khác mà workshop mang lại dưới góc độ kinh tế, đó là chưa kể đến hiệu quả truyền thông về mặt thương hiệu dưới tác động của mạng xã hội và công nghệ như hiện nay.

Ở mức độ nhất định, mô hình workshop ngày nay đã phát triển so với định nghĩa lớp học trải nghiệm thuần túy, đa dạng hơn và có được cho mình một cộng đồng, một thị trường riêng. Nói cách khác, workshop không còn là “đặc sản” của những nhà văn hóa, trang tạp chí hay chương trình truyền hình như một thời gian trước kia.

Qua khảo sát và dựa vào tính chất các workshop trải nghiệm đã có tại Việt Nam, có thể tạm chia workshop trải nghiệm thành 2 nhóm lớn: workshop DIY (thiên về sản phẩm) và workshop chiều sâu (thiên về tinh thần, trải nghiệm của giác quan và văn hóa); trong đó, workshop DIY là phổ biến hơn cả, còn workshop chiều sâu – ít phổ biến hơn, là một thể phát triển mới của workshop trải nghiệm tại Việt Nam.

“Đặc sản” workshop “chiều sâu” lên ngôi, chiếm trọn trái tim của khách hàng ảnh 2

Workshop về văn hóa vừa là mô hình phát triển tiềm năng, vừa mang tính thách thức cho nhiều đơn vị tổ chức tại Việt Nam.

Tuyến workshop chiều sâu được đánh giá có khả năng đem đến sự giá trị mới, sư lan tỏa và lợi ích lớn hơn cho người tham dự (khách hàng, khách hàng tiềm năng) và DN, song trên thực tế thì vẫn còn là thiểu số.

Đơn cử như workshop văn hóa, ngoài việc xuất hiện tại các hội chợ hoặc triển lãm chuyên ngành nhờ sự thuận lợi về nguồn lực, thì những trở ngại về khách mời (thường là các nghệ nhân, nghệ sĩ có tiếng), ý tưởng và không gian chính là rào cản lớn nhất cho những đơn vị có mong muốn tổ chức.

Bài học từ Morico

Khó khăn nhưng không có nghĩa là không thể, và câu chuyện thành công từ những workshop “chiều sâu” mà Chuỗi nhà hàng cafe phong cách Nhật Bản đương đại Morico mang lại chính là những điểm sáng trong thời gian gần đây.

Mang trong mình tinh thần nhà hàng café phong cách Nhật Bản đương đại, Morico từ rất sớm đã ý thức được vai trò “đại sứ” của mình cho nét đẹp văn hóa của xứ Phù Tang tại Việt Nam, nhất là ở lĩnh vực ẩm thực. Đây chính là nền tảng tạo nên thành công cho những buổi workshop đầu tiên tại nhà hàng – cà phê này.

Liên tục nhiều năm, mô hình workshop được Morico duy trì như một đặc trưng riêng nhưng cũng không quên “hợp thời” khi nhóm workshop chiều sâu – thiên về cảm xúc và văn hóa, đang dần “lên ngôi”.

Bởi vậy, mới có chuyện lạ là kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng - café nhưng Morico lại tổ chức hàng loạt các chương trình đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung.

Điển hình là các mùa hội chợ (Hội chợ mini Nhật Bản 2010, Hội chợ Giáng Sinh 2012, Hội chợ ẩm thực Nhật tháng 8/2018) các chương trình hòa nhạc giản dị mà tinh tế (Hòa nhạc cổ điển ‘Classical favorites’ 2017, Hòa nhạc Nhật Bản ‘Always with me’ tháng 8/2018).

Công phu và đầu tư hơn cả là việc mời hẳn nghệ nhân trà Nhật Bản đến Việt Nam chỉ để… giúp khách hàng hiểu hơn về văn hoá trà Nhật và trải nghiệm thưởng trà thượng hạng đúng điệu (Sự kiện “Thưởng trà thượng hạng cùng nghệ nhân đến từ Nhật Bản” 2018).

Sự kiện này mặc dù chỉ được giới hạn trong phạm vi chưa đến 50 người nhưng đã cho thấy “chiều sâu” của sự chỉn chu về nội dung khi để đích thân anh Nemoto, truyền nhân 6 đời đến từ Nhật Bản trực tiếp giới thiệu và pha trà vò tay Temomi (Temomi có nghĩa là “vò tay"), với giá hơn 22 triệu đồng cho 100 gram, ngay cả người Nhật cũng khó có cơ hội thưởng thức.

“Đặc sản” workshop “chiều sâu” lên ngôi, chiếm trọn trái tim của khách hàng ảnh 3

Nghệ nhân trà Nhật Bản hướng dẫn học viên pha trà “nghìn đô” tại một workshop của Morico trong tháng 6 vừa qua.

Tuy không phải một sản phẩm có thể “làm xong mang về”, nhưng phút lâng lâng từ giai điệu âm nhạc, niềm vui từ không khí hội chợ náo nhiệt hay sự tĩnh lặng trước chén trà nghệ nhân, đều là những cung bậc cảm xúc ghi dấu sâu đậm trong ký ức người tham gia.

Chương trình hòa nhạc, hội chợ hay lớp trà đạo rồi cũng kết thúc, nhưng thứ còn lại chính là giá trị văn hóa, tinh thần của một workshop chiều sâu mà những sự kiện này hướng đến, cũng là những giá trị vô hình, sợi dây liên kết giữa thương  hiệu với người tiêu dùng.

Không biết người tham gia có nhớ gì thêm về Morico không, nhưng trước hết, cái họ có được là những phút giây trải nghiệm đong đầy cảm xúc và một hình ảnh đẹp về văn hóa Nhật Bản mà Morico chính là một đại diện.

Điểm sáng của những workshop từ Morico còn là sự gắn kết tinh tế với triết lý “mang đến những món ăn nuôi dưỡng đời sống tinh thần” của mình.

Theo quan điểm kinh doanh của Morico, thức ăn không chỉ cung cấp dưỡng chất để nuôi sống cơ thể mà còn là phương tiện để nuôi dưỡng đời sống tinh thần. Muốn vậy đồ ăn phải chất lượng, tốt cho tinh thần, được thể hiện thông qua 5 giác quan nên phải vừa ngon miệng, vừa đẹp mắt tinh tế, đi kèm với dịch vụ đáp ứng trải nghiệm ăn uống một cách trọn vẹn. Tinh thần này được truyền tải xuyên suốt qua cả các lớp học về ẩm thực của Morico.

Các lớp nấu ăn vốn đã quá quen thuộc, Morico làm mới bằng những yếu tố kích thích cảm xúc như niềm vui, sự tò mò và tính mới lạ. Bento (cơm hộp) đã phổ biến thì Morico có lớp học ‘character bento’ (kyaraben/charaben – tạm dịch: bento hình nhân vật).

Bento - không chỉ là một sản phẩm văn hóa, mà đó còn là những biểu tượng bình dị cho nét đẹp ăn uống của người Nhật. Sau những buổi workshop, người tham dự sẽ có cảm giác hứng khởi hơn khi có thể tự mình làm cơm hộp - đến công sở, trường học hoặc dành tặng cho những người mình yêu thương, thay vì những phần cơm trưa “công nghiệp” mua sẵn ngoài tiệm.

Tự nấu nướng, biết quan tâm hơn đến những thứ mình ăn vào, sẽ giúp con người xây dựng lại tình yêu với ẩm thực, từ đó gần hơn đến thông điệp ‘ăn ngon, ăn đẹp, ăn khỏe, ăn vui” mà Morico đang nỗ lực truyền tải.

Không chỉ  mang trong mình triết lý “đem đến những món ăn nuôi dưỡng đời sống tinh thần” cho thực khách, Morico cũng nỗ lực mang đến cho khách hàng những “món ăn tinh thần” thực sự.

Như vậy, có thể nói, workshop là mô hình không mới, nhưng để trở thành nơi truyền tải những giá trị vô hình, sâu hơn như văn hóa, tinh thần hay cảm xúc, các lớp học trải nghiệm cần những người tổ chức có ý tưởng và tâm huyết với cái mình đang làm, vượt trên cả những hiệu quả về kinh doanh mà workshop mang lại.

Trở lại câu chuyện kinh doanh, nghĩ về khách hàng và những thông điệp tốt đẹp mang đến cho cộng đồng, đó có thể là những chìa khóa, bí quyết dễ thấy nhất cho công thức xây dựng mô hình workshop chiều sâu hiệu quả, mà bản thân Morico đã hiểu, đã làm và đã thành công.

Có thể bạn quan tâm