
Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15, báo cáo để đạt mục tiêu năm 2025, tăng trưởng GDP từ 8% trở lên, quy mô nền kinh tế đạt trên 500 tỉ USD, GDP bình quân đầu người đạt trên 5.000 USD, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu rõ 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, trong đó du lịch cũng là tâm điểm.
Cụ thể ở nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ 4, Thủ tướng nhấn mạnh ngành du lịch cần phát triển với phương châm "sản phẩm đặc sắc - dịch vụ chuyên nghiệp - thủ tục thuận tiện - giá cả cạnh tranh - môi trường sạch đẹp - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện".
Thực hiện tốt Chương trình kích cầu du lịch 2025; phấn đấu năm 2025 thu hút 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế. Xem xét, quyết định miễn thị thực nhập cảnh có thời hạn cho một số người là nhà khoa học, doanh nhân, nghệ sĩ, vận động viên thể thao… và công dân một số nước, nhất là bạn bè truyền thống, các đối tác quan trọng.

Nha Trang là một trong những thành phố được khách quốc tế tìm kiếm nhiều, dựa trên dữ liệu từ Google Destination Insights
Theo các doanh nghiệp trong ngành, những nhiệm vụ và mục tiêu phát triển được Thủ tướng Chính phủ đề ra tại kỳ họp lần này không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội lớn để du lịch Việt Nam bứt phá.
DOANH NGHIỆP CHỦ ĐỘNG NẮM BẮT THỜI CƠ
Theo bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Vietravel, để hiện thực hóa định hướng phát triển du lịch theo phương châm trên, Vietravel đang đẩy mạnh các dòng sản phẩm chuyên đề như du lịch văn hóa, ẩm thực, sinh thái, chăm sóc sức khỏe (wellness), kết hợp đa dạng trải nghiệm và cá nhân hóa theo từng nhu cầu của du khách.
Việc Chính phủ xem xét miễn thị thực nhập cảnh có thời hạn cho một số đối tượng như nhà khoa học, doanh nhân, nghệ sĩ, vận động viên và công dân từ các nước đối tác chiến lược được bà Hoàng đánh giá là cơ hội vàng để doanh nghiệp du lịch mở rộng thị trường. Theo đó, Vietravel sẽ đẩy mạnh xúc tiến du lịch tại các thị trường tiềm năng này, đồng thời thiết kế các sản phẩm chuyên biệt, mang tính cá nhân hóa cao nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của từng nhóm khách.
Để tiếp cận nhóm khách cao cấp, Vietravel sẽ tập trung khai thác phân khúc du lịch kết hợp công tác, hội nghị với các trải nghiệm nghỉ dưỡng, văn hóa đặc sắc. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng hướng tới thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với các tổ chức khoa học, doanh nghiệp, hiệp hội văn hóa và thể thao nhằm tạo nguồn khách ổn định, chất lượng.
Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang cũng cho lâu nay doanh nghiệp đều có chiến lược kinh doanh với linh hoạt những sản phẩm.
Nếu sắp tới miễn visa có thời hạn cho một số trường hợp, là thông tin "bổ ích" cho doanh nghiệp.
Các công ty lữ hành làm inbound có đối tác nước ngoài, đa số đều chuẩn bị tinh thần chờ quyết định chính thức để gửi thông tin cho doanh nghiệp đối tác.
"Không ít doanh nghiệp du lịch đang trong trạng thái chờ đón thêm cơ hội mới", ông Thành nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thành, để tạo nên sức mạnh tổng lực và đóng góp hiệu quả vào mục tiêu chung của ngành du lịch, các doanh nghiệp rất mong Nhà nước có những chính sách hỗ trợ thiết thực về xúc tiến, quảng bá và chiến lược marketing quốc gia.
MỞ RỘNG VISA LÀ CƠ HỘI CHO DU LỊCH VIỆT NAM TĂNG TRƯỞNG
Trước đó, theo ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng Ban Kế hoạch phát triển (Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Vietnam Airlines), kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các quốc gia du lịch hàng đầu luôn áp dụng chính sách visa linh hoạt cùng chiến lược mở rộng mạng bay. Tại Thái Lan, Nhật Bản hay UAE, việc miễn/giảm visa luôn đi đôi với mở rộng đường bay, tăng tần suất chuyến và hỗ trợ hãng hàng không quốc gia.
"Chính sách visa thuận lợi sẽ tạo ra nhu cầu và ngành hàng không sẽ hiện thực hóa tiềm năng đó bằng các kết nối cụ thể", ông Trung chia sẻ.
Để ngành du lịch Việt Nam cất cánh và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ông Trung kiến nghị một số giải pháp trọng tâm về chính sách visa, trong đó mở rộng nhóm nước miễn visa, tập trung các quốc gia có dung lượng thị trường lớn, có tiềm năng phát triển về khách du lịch cũng như nhà đầu tư.
Ngoài ra, ông Trung cũng đề nghị thành lập nhóm công tác giữa các cơ quan của Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng và Vietnam Airlines để đồng bộ hóa chính sách visa với kế hoạch phát triển mạng đường bay, thị trường. Nhóm này sẽ định kỳ đánh giá hiệu quả của các chính sách visa và đề xuất điều chỉnh.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel Corporation cho rằng, nếu so về số lượng các nước được miễn visa và thời gian làm thủ tục thì Việt Nam vẫn còn khá "yếu". Việt Nam hiện chỉ miễn thị thực cho 25 quốc gia, trong khi các nước trong khu vực, như Thái Lan đã mở rộng số quốc gia được miễn thị thực từ 57 lên 93 và nâng số quốc gia được áp dụng cấp thị thực tại cửa khẩu từ 19 lên 31. Malaysia cũng miễn thị thực cho 158 quốc gia... Thời gian xử lý thủ tục xin evisa của các nước cũng chỉ khoảng 1-2 ngày, có nước xử lý chỉ trong 14 giờ, nhưng vào Việt Nam thủ tục lâu hơn.
Ông Kỳ đề xuất, bên cạnh hình thức miễn thị thực theo quốc tịch, Việt Nam có thể cân nhắc triển khai các chính sách miễn visa linh hoạt, hướng đến những nhóm khách có giá trị cao và nhu cầu đặc thù.
Cụ thể, có thể áp dụng miễn visa từ 15-30 ngày cho các khách cao cấp, khách MICE, nhóm du khách trẻ Gen Z dưới 35 tuổi, hoặc khách đi thăm thân - với hình thức xác minh qua hóa đơn, thư mời hoặc giấy tờ chứng minh quan hệ.
Đối với khách đặt tour trọn gói qua các doanh nghiệp uy tín hoặc quá cảnh tại các sân bay quốc tế (Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng), có thể áp dụng chính sách miễn visa trong thời gian từ 15-72 giờ. Bên cạnh đó, các chương trình đặc biệt như "Welcome back to Vietnam" dành cho khách quốc tế từng đến Việt Nam trong vòng 5 năm, hay chính sách miễn visa theo mùa thấp điểm kéo dài 30 ngày cũng có thể góp phần tăng trưởng lượng khách trở lại.
Riêng với Phú Quốc, tiếp tục duy trì chính sách miễn visa 30 ngày cho du khách nhập cảnh trực tiếp từ nước ngoài và mở rộng truyền thông về quyền lợi của người mang thẻ APEC - được miễn thị thực 60 ngày cho mục đích công tác. Ngoài ra, có thể tính toán mở visa theo sự kiện, mở theo mùa...
Kiến nghị thêm về chính sách xúc tiến quảng bá du lịch trong thời gian tới, đại diện tập đoàn SunGroup đề xuất các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, vận chuyển có thể liên kết với nhau để tổ chức quảng bá, như vậy sẽ tạo ra sức mạnh và sự lan tỏa rộng hơn.
Hiện nay SunGroup đang nỗ lực tạo ra các điểm nhấn dành cho du khách, như biến Phú Quốc thành hòn đảo pháo hoa, mỗi đêm đều có 2 show trình diễn pháo hoa. Hay ở Đà Nẵng có lễ hội pháo hoa quốc tế, ở Cát Bà (Quảng Ninh) cũng sẽ có chương trình pháo hoa công nghệ trong suốt những tháng mùa hè.
Triển khai kế hoạch xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam ở nước ngoài năm 2025, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phối hợp các đơn vị liên quan sẽ tổ chức đang tổ chức chương trình phát động thị trường giới thiệu Du lịch Việt Nam tại ba nước Pháp, Italy, Thụy Sỹ (từ ngày 3-14/5/2025).