Ông Trần Đình Thiên: "Tái cơ cấu là làm mới, không phải chỉnh sửa"

Theo ông Trần Đình Thiên thì cái chúng ta cần làm là phải thay đổi phương pháp tái cơ cấu nền kinh tế, khi những cách làm cũ đã tới hạn.
Ông Trần Đình Thiên: "Tái cơ cấu là làm mới, không phải chỉnh sửa"

Cho tới thời điểm này, mặc dù đã có khá nhiều nỗ lực thúc đẩy các kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng có vẻ như vẫn chưa thể nói về kết quả, thưa ông? Các chuyên gia kinh tế đang thảo luận gì về câu chuyện này?

Cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam đã bước sang một giai đoạn rất khác so với những năm đầu tiên khởi động chương trình này. Nói một cách khác, để có kết quả, các nỗ lực cơ cấu lại nền kinh tế phải theo phương thức khác, cách làm khác.

Vì logic đang cho thấy, nếu chúng ta đã rất cố gắng, nhưng không có kết quả rõ nét, thì hoặc là chưa đủ cố gắng, hoặc là cách làm chưa đúng.

Tôi cho rằng, cần phải thay đổi phương pháp, cách làm, không thể chỉnh sửa hay điều chỉnh những công thức cũ mà cần phải có phương pháp mới.

Cõ lẽ cách thức cải cách khu vực DN nhà nước cần thay đổi, vì phần vốn nhà nước thoái mới khoảng 8%, cho dù số lượng DN cổ phần hóa không hề nhỏ?

Chính phủ đang rất quyết liệt với khu vực DN nhà nước, với cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước khỏi DN. Đây là việc không thể chậm trễ hơn, thậm chí tôi còn cho rằng, đây là trận đấu cuối cùng. Nhà nước không thể coi các DN như Sabeco hay Habeco là trụ cột để ngần ngừ, không thể coi đó là các trụ cột của nền kinh tế được.

Cách làm hiện tại vẫn dền dứ trong tư duy về trụ cột hay là khoản thu cho ngân sách. Mục tiêu cổ phần hóa là để nguồn lực nhà nước làm việc khác, không phải để kinh doanh các sản phẩm như hiện tại.

Khi nguồn vốn tư nhân tham gia vào, với sự thay dổi quản trị, thương hiệu và các DN đang được coi là có thương hiệu sẽ phát triển theo hướng thị trường mà không cần vốn nhà nước.

"Logic đang cho thấy, nếu chúng ta đã rất cố gắng, nhưng không có kết quả rõ nét, thì hoặc là chưa đủ cố gắng, hoặc là cách làm chưa đúng.

Nhìn lại điều hành của Chính phủ năm vừa rồi, với tư cách là chuyên gia trong tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, điều ông ấn tượng nhất là gì?

Tôi tham gia Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, quan sát được cách Thủ tướng tạo áp lực với các bộ, ngành như thế nào trong thực hiện các kế hoạch đã định. Chúng tôi gọi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là Thủ tướng kiên định và gây áp lực liên tục. Một cách thẳng thắn, năm nay, những thành tích của nền kinh tế đạt được có phần lớn là áp lực liên tục của người đứng đầu Chính phủ với bộ máy của mình.

Đơn cử như khi làm việc tại Bộ Y tế, các yêu cầu cải cách trong tư duy quản lý nhà nước, yêu cầu sửa đổi, rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh, quản lý chuyên ngành... thực sự quyết liệt. Kết quả là tinh thần cải cách của người đứng đầu Chính phủ tạo áp lực phải hành động, phải thay đổi tới bộ máy.

Với các địa phương cũng vậy, áp lực gia tăng khi Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với các địa phương, thực hiện rõ phân quyền và trách nhiệm cho các địa phương... Tuyến thứ ba là các tập đoàn, kể cả tập đoàn nhà nước, tập đoàn tư nhân trong nước và nước ngoài.

Có thể nói, thành công nhất của Chính phủ trong 2 năm qua là cải cách bộ máy hướng tới DN. Đây là điều mà các chuyên gia kinh tế đã khuyến nghị từ lâu, nhưng lần này thì Chính phủ đã làm được.

Nhưng cũng không dễ để năm 2018, nền kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng như năm 2017, nghĩa là khoảng 6,81%, thưa ông?

Tôi vẫn phải nhắc tới điểm khó khăn nhất của chúng ta vẫn là nội lực còn yếu. Nền kinh tế Việt Nam cần nội lực mạnh mẽ hơn để có thể kết nối với các FDI đẳng cấp cao hơn. Đây là chính là nguồn lực chính tạo nên tăng trưởng của kinh tế Việt Nam những năm tới.

Để làm được, nỗ lực cải cách DN nhà nước phải đẩy mạnh, đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn, tạo dư địa cho khu vực kinh tế tư nhân lớn mạnh. Việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng theo hướng lựa chọn về đẳng cấp, chất lượng, để kéo khu vực trong nước cũng đi lên trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Hiện tại, phải thẳng thắn rằng nhiều chuỗi giá trị mà DN FDI đang làm vẫn đang ở mức thấp, DN Việt Nam không muốn tham gia, vì sẽ khó dịch chuyển khi làn sóng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ở trước mặt.

Cách đây vài năm, ông cũng đã nhắc tới lo ngại về tình trạng DN tư nhân Việt Nam có lượng nhưng chưa có lực…

Hiện tại, DN Việt Nam vẫn chưa có lực lượng theo đúng nghĩa là có những DN trụ cột đủ mạnh.

Nhìn vào sự phát triển của các nước Đông Á, có thể thấy hình ảnh của mô hình phát triển công nghiệp nhiều tầng. Ở đó, các tập đoàn kinh tế tư nhân là trụ cột, tham gia vào xây dựng và phản biện chính sách, kéo theo sự phát triển của mạng lưới các DN nhỏ và vừa.

Đã đến lúc Việt Nam phải quan tâm tới các DN mang tính trụ cột, dẫn dắt này. Tôi cho rằng, nên có chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN lớn lên, có thể định hướng vào những DN trẻ, có tầm nhìn, có khát vọng. Họ chính là những ngôi sao sẽ dựng nên chân dung kinh tế Việt Nam những năm tới.

Điều quan trọng là phải thay đổi động cơ khuyến khích, để các DN lớn lên đúng xu hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

"Thành công nhất của Chính phủ trong 2 năm qua là cải cách bộ máy hướng tới DN. Đây là điều mà các chuyên gia kinh tế đã khuyến nghị từ lâu, nhưng lần này thì Chính phủ đã làm được.

Nói tóm lại, trong năm 2018, động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam là gì, thưa ông?

Dựa vào tam giác phát triển! Đó là nông nghiệp công nghệ cao và đắc sản; du lịch đẳng cấp cao và công nghệ cao.

Xin cảm ơn ông.

Có thể bạn quan tâm