Việt Nam năm 2024 và những nốt thăng trầm đáng chú ý

Bằng việc tích cực chuyển đổi kép – chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, Việt Nam hoàn toàn tự tin để bước vào kỷ nguyên mới...

kinh-te-viet-nam-2024.jpg

Với nền kinh tế mở và hội nhập đa phương diện, không khó để hình dung Việt Nam đã phải trải qua một năm kinh tế 2024 với nhiều nốt thăng trầm.

VƯỢT BÃO NGOẠN MỤC

Sau khởi đầu khó khăn trong quý 1, bức tranh kinh tế trong nước đa phần đã tích cực hơn khi đà phục hồi dần vững chắc qua các tháng của năm, nhanh chóng đưa Việt Nam trở lại như một ngôi sao tăng trưởng trong khối ASEAN.

Cụ thể, tăng trưởng được cải thiện và bất ngờ tăng lên lần lượt 6,9% trong quý 2 và 7,4% trong quý 3 năm 2024 so với cùng kỳ năm trước. Sự phục hồi đã bắt đầu mở rộng ra các lĩnh vực khác không chỉ ở ngành điện tử tiêu dùng, mặc dù tiêu dùng trong nước vẫn chưa quá tích cực bất chấp đã chứng kiến ​​những cải thiện gia tăng.

Đã có những lo ngại rằng tác động của bão Yagi, cơn bão mạnh nhất mà Việt Nam phải đối mặt trong 70 năm qua, sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng. Theo các thống kê, các tỉnh phía bắc bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề vào đầu tháng 9 với thiệt hại ước tính lên tới hơn 3 tỷ USD.

Tuy nhiên, tác động chủ yếu tập trung vào ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Trong khi đó, sản xuất và thương mại vẫn kiên cường và tiếp tục dẫn đầu quá trình phục hồi.

Cụ thể hơn, đà tăng tốc của tiến trình hồi phục kinh tế trong nửa sau của năm nay tiếp tục được dẫn dắt bởi sản xuất, với mức tăng trưởng của chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tính chung 11 tháng tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả này cũng được củng cố bởi dữ liệu thương mại tích cực, với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá tính chung 11 tháng năm 2024 tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng khích lệ là sự phục hồi thương mại ban đầu tập trung vào điện tử đang cho thấy dấu hiệu mở rộng, với xuất khẩu hàng dệt may và giày dép tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước trong quý 3.

Về lĩnh vực vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), Việt Nam tiếp tục thu hút dòng vốn nước ngoài khi triển vọng cơ bản vẫn tích cực. Mặc dù tăng trưởng FDI mới đăng ký chậm lại trong quý 3, các lĩnh vực ngoài sản xuất như bất động sản và năng lượng đã chứng kiến ​​sự gia tăng đầu tư.

Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2024 ước đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam đạt mức giải ngân FDI trên 20 tỷ USD.

Các khoản đầu tư nội khối ASEAN đang dẫn đầu, chiếm 40% dòng vốn đổ vào cho đến nay. Các doanh nghiệp FDI hiện hữu tiếp tục đưa ra các cam kết về đầu tư thêm vốn dự án, hỗ trợ năng lực sản xuất đang mở rộng của Việt Nam.

Đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản cũng đã tăng trong những tháng gần đây. Điều này có thể được hỗ trợ bởi Luật đất đai sửa đổi có hiệu lực vào tháng 8, chuẩn hoá một số quy định để thúc đẩy nhu cầu.

Nhìn về phía trước, dòng vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất cũng có khả năng vẫn tiếp tục tăng trưởng, với chuyến thăm gần đây của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Hoa Kỳ đã mở ra ý định đầu tư từ nhiều công ty, điển hình như Meta. Shunsin, một công ty con của Foxconn, được cho là đã xin giấy phép đầu tư 80 triệu USD để sản xuất mạch tích hợp tại tỉnh Bắc Giang, cho thấy năng lực sản xuất tại Việt Nam đang được cải thiện.

Không chỉ riêng sản xuất điện tử mà cả những lĩnh vực giá trị công thêm cao cũng đã thu hút sự quan tâm từ các tập đoàn đa quốc gia lớn như Google dự định mở văn phòng tại Việt Nam vào tháng 4/2025 và NVIDIA mở trung tâm R&D để phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ở Việt Nam.

Những nỗ lực liên tục nhằm tích cực tăng cường quan hệ ngoại giao về cả chiều rộng và chiều sâu với các đối tác quốc tế cũng sẽ đóng vai trò là động lực thúc đẩy dòng vốn đầu tư tiếp theo, với việc Việt Nam gần đây đã nâng cấp quan hệ với Pháp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, và đồng thời thỏa thuận đối tác kinh tế toàn diện với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

NHỮNG NỐT TRẦM ĐÁNG CHÚ Ý

Ở phía ngược lại, kinh tế Việt Nam vẫn còn những nốt trầm đáng chú ý. Theo thống kê, Việt Nam là nền kinh tế chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong các nước ASEAN từ ​​nhu cầu tiêu dùng của Hoa Kỳ. Với việc các chỉ số liên quan tiêu dùng của Mỹ cao hơn các dự báo phần nào giải thích tại sao xuất khẩu sản xuất của Việt Nam vẫn là ngành có khả năng phục hồi tích cực nhất trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, mặt trái của điều này là Việt Nam sẽ dễ bị tổn thương nhất trước sự chậm lại trong chi tiêu của hộ gia đình Mỹ, cũng như sự thay đổi trong chính sách thương mại của Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc được vận chuyển đến Hoa Kỳ từ các "nền kinh tế trung gian".

Việt Nam có mức độ xuất khẩu cao nhất vào thị trường Hoa Kỳ, dẫn đầu là hàng dệt may, giày dép, đồ nội thất bằng gỗ và máy móc. Với việc Tổng thống mới đắc cử Donald Trump lên nắm quyền, các chính sách liên quan đến thương mại và hàng rào thuế quan có thể là những thách thức cho những dự báo về tăng trưởng thương mại trong tương lai gần.

Bên cạnh đó, một trong những trụ cột còn lại là tiêu dùng bán lẻ trong nước đang phục hồi chậm hơn dự kiến ​​ban đầu, với mức tăng trưởng doanh số bán lẻ vẫn thấp hơn xu hướng trước đại dịch và sự phục hồi chưa mấy rõ rệt.

Lĩnh vực dịch vụ tiếp tục hỗ trợ doanh số bán lẻ khi số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 11/2024 tăng cao, đạt 1,7 triệu lượt người, đưa mức chung 11 tháng năm nay đạt hơn 15,8 triệu lượt khách, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước.

Điểm đáng khích lệ là Chính phủ đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ nhiều lĩnh vực trong nước. Việc cắt giảm thuế môi trường đối với nhiên liệu và cắt giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hóa và dịch vụ sẽ kéo dài đến cuối năm 2024, trong khi Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực từ tháng 8 được kỳ vọng sẽ góp phần củng cố triển vọng cho thị trường bất động sản.

Chính sách tài khóa và tiền tệ có khả năng sẽ vẫn mang tính thích ứng để giúp tăng tốc quá trình phục hồi kinh tế, nhằm đưa Việt Nam đạt được những mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đã đề ra cho năm nay, tạo tiền đề vững chắc cho năm sắp tới.

SẴN SÀNG CHO KỶ NGUYÊN MỚI

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 được Quốc hội giao cho Chính phủ là 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%, cao hơn kế hoạch và tương đương mức phấn đấu thực hiện năm nay của Chính phủ, là trên 7%, phản ánh kỳ vọng về sự cải thiện trong hoạt động kinh tế trong năm sau.

Trên thực tế, có cơ sở để đặt ra kỳ vọng này. Ngành sản xuất đã thoát khỏi khó khăn của năm ngoái một cách mạnh mẽ. Điều này đã hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ ở mức hai chữ số, với mức tăng trưởng lan toả ra đồng đều hơn ở các lĩnh vực như sản phẩm nông nghiệp.

Tiếp nối đà hồi phục mạnh trong quý 3, nhóm Nghiên cứu Toàn cầu HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 lên 7,0% từ mức 6,5%, trong khi tiếp tục dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức 6,5%.

Về chỉ tiêu lạm phát, diễn biến giá cả đang chuyển biến thuận lợi hơn từ nửa sau của năm nay. Áp lực đối với một số sản phẩm nông nghiệp dự kiến ​​sẽ giảm bớt khi thời tiết chuyển từ El Niño sang La Niña mang lại điều kiện thu hoạch thuận lợi hơn. Cân nhắc tất cả những điều này, nhóm Nghiên cứu Toàn cầu HSBC duy trì dự báo lạm phát ở mức 3,6% vào năm 2024, thấp hơn nhiều so với mức trần mục tiêu 4,5% của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đối với năm 2025, nhóm nghiên cứu Ngân hàng HSBC duy trì dự báo lạm phát ở mức 3,0%.

Tuy nhiên, không thể không nhắc tới những rủi ro được dự báo cho năm sau. Ngoài giá năng lượng toàn cầu, Việt Nam cũng dễ bị tổn thương trước các cú sốc lương thực. Ví dụ, giá thịt lợn đã tăng cao do nguồn cung thịt lợn bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn Châu Phi.

Bên cạnh đó, liệu nhu cầu đối với hàng hóa có cải thiện hơn nữa hay không sẽ là chìa khóa để xác định sức mạnh phục hồi của Việt Nam, vì các thị trường phương Tây chiếm gần một nửa lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Do đó, cần phải theo dõi chặt chẽ quỹ đạo và tốc độ chi tiêu của người tiêu dùng ở phương Tây. Rõ ràng, việc Tổng thống đắc cử Donald Trump lên nắm quyền cùng việc đảng Cộng Hoà chiếm đa số ở lưỡng viện Hoa Kỳ, sẽ là những nhân tố ảnh hưởng tới bức tranh thương mại và kinh tế toàn cầu trong thời gian sắp tới. Vẫn còn quá sớm để đánh giá cụ thể những chính sách của chính quyền Trump, tuy nhiên bất kể chính sách nào cũng sẽ có ảnh hưởng tới ASEAN, bao gồm Việt Nam, qua các hình thức khác nhau.

Cụ thể là các đề xuất của đảng Cộng Hòa trong quá trình tranh cử bao gồm áp dụng mức thuế 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và mức thuế 10-20% đối với các nền kinh tế khác.

Nhìn lại dữ liệu quá khứ, kể từ 2018 khi Mỹ bắt đầu áp đặt hàng rào thuế quan lên Trung Quốc, Việt Nam đã giành được thị phần đáng kể trên thị trường Mỹ. Xuất khẩu giày dép đã tăng từ 20% lên hơn 30% nhu cầu nhập khẩu của Hoa Kỳ. Quan trọng hơn, cơ cấu xuất khẩu hàng may mặc và da giày của Việt Nam tới Mỹ chiếm tỷ trọng lần lượt hơn 40% và 33%.

Mặc dù Châu Âu là khu vực nhập khẩu lớn thứ hai các sản phẩm này, nhưng thị trường của họ sẽ không thể hấp thụ hoàn toàn thị phần của Mỹ trong ngắn hạn. Do đó, các nhà xuất khẩu trong nước có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường thay thế nếu thuế quan trở thành vấn đề.

Có thể khó chuyển sang các thị trường thay thế trong ngắn hạn, nhưng Việt Nam có thể phòng ngừa rủi ro thuế quan tiềm ẩn từ Mỹ trong trung hạn đến dài hạn thông qua nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA). Hiện tại, Việt Nam đã ký FTA với các đối tác thương mại lớn, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU.

Ngoài thuế quan, mối quan ngại về tỷ giá có thể tái diễn như một vấn đề đối với cơ quan điều hành. Việt Nam đã từng bị Bộ Tài chính Hoa Kỳ dán nhãn là "quốc gia thao túng tiền tệ" tháng 12 năm 2020, trước khi bị xóa khỏi danh sách vào tháng 4 năm 2021.

Tuy không còn nằm trong danh sách này những Việt Nam vẫn nằm trong danh sách giám sát gần đây nhất của Bộ Tài chính Hoa Kỳ. Việc có tên trong danh sách có ít tác động trực tiếp trong ngắn hạn, song có khả năng là các nhà chức trách Hoa Kỳ sẽ theo dõi chặt chẽ dữ liệu thương mại của Việt Nam.

Bên cạnh các tác động từ chính sách điều hành của Fed, diễn biến của đồng USD trên thị trường quốc tế, đây cũng là một những yếu tố cân nhắc cho xu hướng tỷ giá sắp tới. Trong khi đó, với sự phục hồi vẫn chưa đồng đều cùng với mục tiêu tăng trưởng năm sau duy trì ở mức cao, Nhóm Nghiên cứu Toàn cầu HSBC kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt và giữ nguyên lãi suất điều hành ở mức 4,5% cho đến cuối năm 2025.

CHUYỂN ĐỔI KÉP - ĐỘNG LỰC CHO TĂNG TRƯỞNG

“Chuyển đổi kép – chuyển đổi xanh và chuyển đổi số” đang trở thành xu hướng phát triển chiến lược của nhiều quốc gia, giúp họ hướng đến đồng thời các mục tiêu phát triển bền vững và số hóa, khai thác tối đa lợi ích từ quá trình chuyển đổi kép này.

Chẳng hạn như Trung Quốc, nền kinh tế số lớn nhất thế giới, đã triển khai sáng kiến “Dữ liệu miền Đông, điện toán miền Tây” nhằm dịch chuyển các trung tâm dữ liệu từ khu vực miền Đông vốn hạn chế về tài nguyên đất đai và năng lượng sang khu vực miền Tây đất nước nhằm tận dụng điều kiện thời tiết mát hơn, năng lượng sạch và các nguồn tài nguyên với chi phí hiệu quả.

Việt Nam đang nổi lên như một quốc gia năng động bậc nhất châu Á cũng như thế giới, cũng nhanh chóng nắm bắt xu thế này, lấy chuyển đổi số và chuyển đổi xanh làm động lực quan trọng để phát triển.

Chúng ta có thể nhìn thấy nhiều nỗ lực đa chiều của Chính phủ trong việc bắt nhịp chuyển đổi kép. Chẳng hạn, Việt Nam đã có Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Năm 2025 sẽ là một năm bản lề bởi Việt Nam phấn đấu đạt được nhiều mục tiêu quan trọng trong năm tới, chẳng hạn như kinh tế số sẽ chiếm 25% GDP và tỷ trọng tín dụng xanh trong nền kinh tế đạt 10%.

Hưởng ứng những nỗ lực này, các doanh nghiệp đang tiến hành thay đổi tổ chức và triển khai ứng dụng công nghệ ở quy mô lớn. Tính đến năm 2023, khoảng 47% số doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu thực hiện các bước chuyển đổi số ở các mức độ khác nhau, theo Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư). Các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu nghiên cứu kế hoạch chuyển đổi xanh.

Theo khảo sát năm 2022 của PwC, 40% doanh nghiệp đã có kế hoạch và đặt ra cam kết ESG. 48,7% doanh nghiệp nói rằng cho rằng rằng giảm phát thải, chuyển đổi xanh là cần thiết, theo một khảo sát do Ban phát triển kinh tế tư nhân công bố năm 2024.

Thực tế, Việt Nam có những thuận lợi nhất định để triển khai chuyển đổi kép. Thứ nhất, những yếu tố nhân khẩu học như dân số 100 triệu với tỷ lệ người trong độ tuổi lao động gần 70%, gần 80% dân số sử dụng internet, số lượng người sở hữu điện thoại thông minh tăng hơn gấp đôi so với thập kỷ trước… đã góp phần mở ra tiềm năng lớn về tiêu dùng số cho Việt Nam.

Theo báo cáo e-Conomy SEA 2024, Việt Nam là một trong nền kinh tế số phát triển nhanh nhất ASEAN, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng là 16%. Xét về tổng giá trị hàng hóa giao dịch (gross merchandise value), Việt Nam có tiềm năng trở thành nền kinh tế số lớn thứ hai vào năm 2030.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một quốc gia có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo. Là nước có điều kiện tự nhiên phù hợp nhất Đông Nam Á để phát triển điện gió và năng lượng mặt trời, Việt Nam đứng thứ hai trong số các quốc gia đang phát triển về thu hút FDI vào năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức. Trước hết, làm thế nào để nâng cao trình độ hiểu biết về chuyển đổi số của Việt Nam vẫn là ưu tiên hàng đầu. Đáng khích lệ là Chương trình chuyển đổi số quốc gia là một ví dụ cho thấy những nỗ lực của Chính phủ tìm cách đóng vai trò tích cực để tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế.

Nhìn chung, số hóa mang lại cả cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Để tận dụng nhân khẩu học thuận lợi và đạt được tham vọng số của mình, các khoản đầu tư cần được chuyển hướng không chỉ vào các lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo (AI) mà còn vào các lĩnh vực nền tảng như giáo dục số và cơ sở hạ tầng truyền thống.

Bên cạnh đó, cả hai xu hướng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đều đòi hỏi mức đầu tư khổng lồ. Vốn từ ngân sách nhà nước dự kiến cho ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam chỉ đáp ứng được khoảng 130 tỷ USD, chưa đến một nửa vốn đầu tư cần thiết.

Chi phí đầu tư là thách thức hàng đầu trong chuyển đổi số, theo 60,1% doanh nghiệp tham gia khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và USAID. Do đó, ngân hàng toàn cầu như HSBC có vai trò tạo điều kiện khơi thông dòng chảy vốn, kết nối nhà đầu tư, cung cấp cho khách hàng kiến thức chuyên môn liên quan và dẫn vốn đi đúng hướng.

Một điểm quan trọng nữa trong năm sau chính là cần tiếp tục tập trung đầu tư cho hạ tầng, vì đây là một trong nền tảng quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và thu hút vốn FDI chất lượng vào Việt Nam. Chính phủ đang cho thấy một thái độ rất quyết liệt trong thúc đẩy đầu tư công, tập trung vào nhiều dự án hạ tầng chiến lược kết nối các trung tâm kinh tế. Đây là sẽ một bệ phóng quan trọng đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…