12 quyết định đầu tư sai lầm của tỷ phú Warren Buffett

Warren Buffett từng đưa ra quyết định đầu tư mà ông gọi là "thảm họa tài chính, đáng đưa vào sách kỷ lục thế giới Guinness"...
12 quyết định đầu tư sai lầm của tỷ phú Warren Buffett

Trong nhiều thập kỷ qua, giám đốc điều hành (CEO) của công Berkshire Hathaway – còn được gọi với biệt danh "huyền thoại Omaha" - đã chứng tỏ khả năng đọc thị trường phố Wall như đọc sách của mình. Dù vậy, Buffett vẫn có nhiều quyết định đầu tư sai lầm mà ông cảm thấy hối tiếc, theo CNBC.

1. Mua Berkshire Hathaway

Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC năm 2010, Warren Buffett từng nói cổ phiếu tồi tệ nhất ông từng mua là Berkshire Hathaway.

Buffett giải thích rằng lần đầu tiên ông đầu tư vào Berkshire Hathaway là năm 1962 khi đây còn là một công ty dệt đang "hấp hối". Nghĩ rằng có thể kiếm lời, ông đã mua vào cổ phiếu này.

Nhưng sau đó, công ty này tìm cách lừa thêm nhiều tiền từ Buffett. Thất vọng và cay đắng, ông quyết mua luôn cổ phần kiểm soát công ty, sa thải quản lý và cố gắng duy trì hoạt động kinh doanh dệt trong 20 năm sau đó.

Buffett ước tính quyết định "trả thù" trên khiến ông tiêu tốn 200 tỷ USD. Bài học rút ra ở đây là không được để cảm xúc xen vào các quyết định tài chính.

2. Mua công ty dệt Waumbec

Dù thấy hối hận sau vì mua công ty dệt Berkshire Hathaway vào năm 1962, Buffett tiếp tục có quyết định tương tự 13 năm sau đó khi thâu tóm hãng dệt Waumbec Mills của Anh.

"Giá mua công ty này là món hời nếu xét về số tài sản chúng tôi nhận được cùng những hoạt động kết hợp tiềm năng với mảng kinh doanh dệt của Berkshire", Buffett nói trong thư gửi cổ đông vào năm 2014.

Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng đây là một quyết định tồi tệ bởi nhà máy này đã phải đóng cửa không lâu sau khi được Berkshire mua lại vào năm 1975. Vì vậy, cần rút ra bài học từ các sai lầm trong quá khứ của mình, nếu quyết định ban đầu thất bại thì phải có ngay chiến lược mới.

3. Đầu tư vào Tesco

Tính tới cuối năm 2012, Berkshire Hathaway nắm giữ 415 triệu cổ phần của hãng bán lẻ thực phẩm Anh Tesco. Dù sau đó có bán một phần nhưng nhìn chung Berkshire Hathaway vẫn nắm giữ lượng cổ phiếu lớn của Tesco.

Năm 2014, việc "khai khống" lợi nhuận khiến cổ phiếu hãng bán lẻ này sụt mạnh. Trong lá thư gửi cổ đông năm 2014, Buffett cho biết quan ngại về hoạt động quản lý của Tesco đã khiến ông bán ra một lượng cổ phiếu này, thu về 43 triệu USD lợi nhuận. Tuy nhiên, không may là ông không kịp bán số cổ phần còn lại.

"Tôi cảm thấy xấu hổ vì đã không bán cổ phiếu Tesco sớm hơn. Tôi mắc sai lầm với khoản đầu tư này bởi sự chậm chạp, thiếu nhanh nhạy", Buffett viết. Ông thừa nhận đã khiến công ty lỗ 444 triệu USD sau thuế. Bài học rút ra từ sai lầm này của Buffett là đưa ra quyết định kịp thời.

4. Mua hãng giày Dexter Shoe Co.

Năm 1993, Warren Buffett mua lại Dexter Shoe Co. với giá 433 triệu USD bằng cổ phiếu Berkshire Hathaway. Trong thư gửi cổ đông năm 2007, ông nói rằng đây là quyết định sai lầm, thừa nhận rằng đã làm tiêu tốn 3,5 tỷ USD của nhà đầu tư. Thời điểm 2007, con số này tương đương 1,6% tài sản của Berkshire Hathaway.

Năm 2001, các công ty sản xuất giày dép của Berkshire đều bị ảnh hưởng bởi tình trạng thua lỗ của Dexter. Phần lớn giày dép của Dexter được sản xuất tại Mỹ khiến cho sức cạnh tranh của nó kém đi bởi giá quá cao so với các sản phẩm khác được sản xuất ở nước ngoài với chi phí nhân công thấp.

"Đến nay, Dexter là thương vụ tồi tệ nhất tôi từng thực hiện", Buffett viết. Quyết định sai lầm của Buffett cho thấy một bài học lớn rằng: Một công ty trong tình trạng tốt nhất là khi nó sở hữu lợi thế cạnh tranh có thể nhìn thấy được.

5. Dùng cổ phiếu Berkshire để mua Dexter Shoe Co.

Tiếp tục trong thư gửi cổ đông năm 2014, Bufffett bày tỏ sự thất vọng khi trả 433 triệu USD để mua Dexter Shoe Co. Thay vì trả tiền mặt, ông đã dùng cổ phiếu Berkshire cho thương vụ này. Ông tiết lộ rằng số cổ phiếu đó trị giá 5,7 tỷ USD vào thời điểm năm 2014.

"Đây là một thảm họa tài chính và đáng được đưa vào kỷ lục thế giới Guinness", Buffett viết.

Bài học rút ra từ sau lầm này của Buffett là đảm bảo rằng các nguồn lực đầu tư được phân bổ một cách hợp lý. Nếu danh mục của bạn đang hoạt động tốt, đừng rót tiền cho những cơ hội liều lĩnh, không chắc chắn.

6. Mua lại nợ của Energy Future Holdings

Trong tư gửi cổ đông năm 2013, Buffett nói về thất bại của mình với Energy Future Holdings. Số nợ của công ty này đã lên tới 8 tỷ USD và thậm chí còn vay mượn nhiều hơn.

"Berkshire đã mua lại khoảng 2 tỷ USD nợ của Energy Future Holdings, đây là quyết định tôi đưa ra mà không có sự cố vấn của Charlie Munger", Buffett viết. Charles Munger là phó chủ tịch của Berkshire Hathaway.

Buffett đã đúng khi dự đoán rằng Energy Future Holdings sẽ phá sản. Ông cho biết Berkshire Hathaway đã bán số nợ trên của công ty này thu về 259 triệu USD vào năm 2013, sau khi lỗ 873 triệu USD trước thuế. Từ thất bại này của Buffett, các nhà đầu tư cần nhớ rằng luôn đưa ra các quyết định lớn cùng với cộng sự hoặc những người đáng tin tưởng.

7. Không mua đài truyền hình Dallas-Fort Worth NBC

Không phải tất cả sai lầm của Warren Buffett đều là những vụ đầu tư thua lỗ. Một trong những điều khiến ông hối tiếc là không mua lại đài truyền hình Dallas-Fort Worth NBC với giá 35 triệu USD.

Trong thư gửi cổ đông năm 2007, Buffett nói rằng ông đã bỏ qua cơ hội mua lại đài truyền hình này vào thời điểm ông mua See's Candies năm 1972. Ông đã từ chối dù vô cùng tin tưởng người đưa ra lời mời mua lại, mà không biết rằng Dallas-Fort Worth NBC có tiềm năng tăng trưởng vô cùng lớn.

Nhắc lại cơ hội bị bỏ lỡ, Buffett chỉ ra rằng đài truyền hình này đạt lợi nhuận trước thuế 73 triệu USD vào năm 2016 và được định giá 800 triệu USD, ông nói trong thư.

8. Phát hành thêm cổ phiếu Berkshire Hathaway để mua General Reinsurance

Mua General Reinsurance (Gen Re) vào năm 1998 từ đầu đã không phải quyết định tốt nhất cho chiến lược đầu tư của Warren Buffett. Dù đã chuyển biến mọi thứ theo hướng tích cực, nhưng Buffett vẫn cảm thấy hối tiếc với thương vụ này.

"Sau vài vấn đề ban đầu, hoạt động bảo hiểm của General Re đã đi vào ổn định", Buffett viết trong thư gửi cổ đông năm 2016. "Tuy nhiên, về phần mình, tôi đã có một sai lầm khủng khiếp khi phát hành thêm 272.000 cổ phiếu Berkshire để mua General Re - động thái làm tăng lượng cổ phiếu lưu thông của công ty thêm 21,8%. Sai lầm của tôi đã khiến các cổ đông phải bỏ ra nhiều hơn những gì họ thu về", Buffett viết.

9. Mua lượng lớn cổ phiếu của ConocoPhillips

Trong thư gửi cổ đông năm 2008, Buffett viết: "Không có sự cố vấn từ Charlie hay bất kỳ ai khác, tôi đã mua một lượng lớn cổ phiếu ConocoPhillips khi giá dầu và khí gas gần đạt mức đỉnh. Tôi đã không lường trước được cú lao dốc khủng khiếp của giá đầu trong nửa cuối năm".

Buffett đã chi hơn 7 tỷ USD để mua 85 triệu cổ phần ConocoPhillips nhưng theo như ông viết trong lá thư, giá trị vốn hóa của công ty này lúc đó chỉ là khoảng 4,4 tỷ USD.

Sai lầm này của Warren Buffett tiếp tục cho thấy bài học về tầm quan trọng của tìm tới tư vấn của những người đáng tin cậy trước khi thực hiện quyết định đầu tư lớn.

10. Không mua cổ phiếu Amazon

Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 2/2017 với chương trình "Squawk Box" của CNBC, khi được hỏi vì sao chưa bao giờ mua cổ phiếu Amazon, Buffett thừa nhận rằng ông không có câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi này.

"Tất nhiên là lẽ ra tôi nên mua cổ phiếu Amazon từ lâu bởi tôi ngưỡng mộ nó từ lâu", ông nói. "Nhưng tôi đã không hiểu được mô hình của họ và giá cả dường như đã không phản ảnh được sức mạnh của mô hình này vào thời điểm đó. Vì vậy, tôi đã lỡ mất thời điểm".

Warren Buffett không bao giờ đầu tư vào những công ty mà ông không hiểu rõ, kể cả công ty tốt lẫn xấu. Việc rót tiền vào một công ty mình còn "lơ mơ" không phải là quyết định đúng đắn, nhưng việc tránh xa nó cũng không phải là khôn ngoan. Do đó, hãy hợp tác với những người có thế mạnh khác với bạn để giúp bạn tránh bỏ lỡ những cơ hội tuyệt vời.

11. Mua cổ phiếu US Airways

US Airways không nằm trong số những cổ phiếu thất bại mà Buffett từng đầu tư, nhưng điều ông hối tiếc là đã chi 358 triệu USD để mua cổ phiếu ưu đãi của hãng US Airways vào năm 1989. Buffett nói rằng ông đã bị "đánh lừa" bởi lịch sử làm ăn có lãi lâu dài mà không xem xét kỹ cơ cấu định giá quá cao của hãng hàng không này.

Từ năm 1990 - 1994, US Airways phải đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh và lỗ 2,4 tỷ USD. Dù sau đó, khi hãng hàng không này phục hồi, Buffett đã nhanh chóng bán hết số cổ phiếu này nhưng ông thừa nhận rằng đã phân tích hoạt động kinh doanh của US Airways một cách thiển cận và đầy sai sót.

Bài học rút ra là dù là một nhà đầu tư mới hay đã lão luyện, luôn phải tìm hiểu thật kỹ trước khi xuống tiền đầu tư.

12. Bỏ lỡ cơ hội đầu tư vào Google

Danh mục đầu tư của Warren Buffett không có cổ phiếu Google và đó là điều ông cảm thấy hối tiếc. Trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 của Berkshire Hathaway, Buffett đã nói với các cổ đông rằng ông đã sai lầm khi không mua cổ phiếu của Google nhiều năm trước khi Google nhận được 10 USD mỗi nhấp chuột từ công ty con Geico của Berkshire.

Trước đây, Buffett từng tránh xa các cổ phiếu công nghệ bởi ông không hiểu rõ mô hình kinh doanh của họ. Ông thừa nhận rằng lẽ ra nên nhận ra tiềm năng của Google bởi ông là một khách hàng quảng cáo lớn của Google.

Theo Vneconomy

Có thể bạn quan tâm

Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hanel bà Bùi Thị Hải Yến phát biểu

Hành trình 40 năm Hanel: Ngọn cờ tiên phong, bền bỉ cống hiến

Trải qua 40 năm không ngừng sáng tạo và phát triển, Hanel đã khẳng định vai trò tiên phong trong ngành công nghiệp công nghệ cao, trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam, đồng hành cùng sự phát triển của Thủ đô và cả nước…

Top 100 Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2024

Vinh danh doanh nghiệp tiên phong trong hành trình chuyển đổi xanh

Năm 2024 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố danh sách 100 doanh nghiệp bền vững tiêu biểu, ghi nhận những nỗ lực của các doanh nghiệp…

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại sự kiện

17 doanh nghiệp Việt Nam giành giải UN Women WEPs Awards 2024

17 doanh nghiệp Việt Nam đã vinh dự nhận được danh hiệu WEPs Awards 2024 của UN Women cho những sáng kiến đổi mới và đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy bình đẳng giới tại doanh nghiệp, trên thị trường và trong cộng đồng hướng đến sự thịnh vượng và phát triển bền vững tại Việt Nam…

Việt Nam có 9 đại diện được vinh danh tại ASOCIO DX Award 2024

Việt Nam có 9 đại diện được vinh danh tại ASOCIO DX Award 2024

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến một sự chuyển mình ngoạn mục trong lĩnh vực công nghệ số, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đều đang tích cực ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới...