Ngày 17/9, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, đã cùng 13 Hiệp hội doanh nghiệp khác ký đơn đồng gửi kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, đề xuất chiến lược phòng, chống dịch bệnh theo Điểm và phục hồi sản xuất kinh doanh an toàn trong bối cảnh chống dịch mới.
Ngoài VASEP, 13 Hiệp hội doanh nghiệp còn lại gồm: Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, Da giày - Túi xách Việt Nam, Dệt may Việt Nam, Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP Hồ Chí Minh, Giấy và Bột giấy Việt Nam, Nhựa Việt Nam, Lương thực - Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, Sữa Việt Nam, Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, Doanh nghiệp điện tử Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao.
Theo đơn kiến nghị, thời gian giãn cách xã hội, phong toả diện rộng của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 kéo dài từ 2-3 tháng khiến các cộng đồng doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn và không thể tiếp tục “đóng cửa”. So với cùng kỳ năm 2020, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) của TP Hồ Chí Minh tháng 8/2021 giảm 49,2%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 59,4%. Khoảng 18% doanh nghiệp EU đã chuyển đơn hàng ra khỏi Việt Nam.
“Nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy, người lao động mất việc làm, nông - ngư dân không tiêu thụ được sản phẩm. Nhiều lao động ở các tỉnh không có việc làm, không có lương thực và tiền dự trữ. Tinh thần cao nhất của cộng đồng doanh nghiệp luôn chung tay với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, cùng với cách tiếp cận chống dịch linh hoạt mới, thì yêu cầu khởi động lại nền kinh tế là rất cấp bách”, các Hiệp hội doanh nghiệp trình bày.
Cộng đồng doanh nghiệp rất hoan nghênh và ủng hộ quan điểm “Phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp” của Thủ Tướng Chính Phủ - tức là chuyển từ mục tiêu “Zero Covid” hiện nay sang mục tiêu “Sống chung với Covid”.
Các Hiệp hội doanh nghiệp đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ chiến lược “Phòng, chống dịch theo Điểm (khu dân cư, hộ gia đình, quy mô nhỏ nhất), phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn trong bối cảnh chống dịch mới”, thống nhất quản lý trên toàn quốc để vừa từng bước phù hợp phục hồi kinh tế, mà vẫn kiềm chế được dịch.
Trong đó, các Hiệp hội kiến nghị Chính phủ quán triệt các tỉnh, thành phố ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động trong doanh nghiệp, người vận chuyển; trao quyền chủ động trong mô hình và phương thức tổ chức sản xuất cũng như vận hành phòng chống dịch cho các tổ chức, doanh nghiệp. Đồng thời, Chính phủ lập tổ đặc biệt để kiểm tra, giám sát lưu thông, chống ách tắc hàng hóa bằng đường dây nóng.
Bên cạnh đó, hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh bằng chính sách tài chính: giảm lãi suất cho vay, gia hạn nợ, miễn giảm các loại thuế - phí, hỗ trợ liên quan đến bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn; hỗ trợ chi phí xét nghiệm cho người lao động trong doanh nghiệp; thành lập các Trạm y tế lưu động và cố định trong các khu công nghiệp…