Đường sắt kiến nghị vay 800 tỷ đồng để tránh nguy cơ dừng hoạt động

Ngành đường sắt chú trọng đẩy mạnh vận tải hàng hóa; tìm kiếm nguồn hàng để nâng cao sản lượng và tăng doanh thu vận tải hàng hóa…
Đường sắt kiến nghị vay 800 tỷ đồng để tránh nguy cơ dừng hoạt động

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có kiến nghị cấp thẩm quyền xin vay 800 tỷ đồng bổ sung cho nguồn vốn lưu động đang bị thiếu hụt để duy trì dòng tiền hoạt động, tránh nguy cơ dừng hoạt động.

Nguyên nhân được VNR đưa ra là do 2 năm ảnh hưởng dịch COVID-19, tổng công ty dự kiến lỗ hơn 2.200 tỷ đồng, như vậy chỉ còn khoảng gần 1.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu nhưng lại ở tài sản, không phải tiền mặt. Riêng năm 2021, VNR dự kiến lỗ 942 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, VNR cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải làm việc với các địa phương để tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông bằng đường bộ đến các ga lập tàu và từ ga dỡ hàng đi tiêu thụ; chú trọng đẩy mạnh vận tải hàng hóa; tìm kiếm nguồn hàng để nâng cao sản lượng và tăng doanh thu vận tải hàng hóa…

Theo báo cáo của VNR, trong tháng 8/2021, sản lượng vận tải hành khách của tổng công ty chỉ hơn 8.640 lượt, đạt 24,8% kế hoạch và chỉ bằng 6,5% so với cùng kỳ. Vận tải hàng hóa cũng đang có dấu hiệu chậm lại, thậm chí sản lượng giảm do thiếu nguồn hàng và vận chuyển khó khăn hơn.

Tổng doanh thu vận tải đường sắt trong tháng Tám chỉ đạt 114,7 tỷ đồng, đạt 89,5% kế hoạch, bằng 66,4% cùng kỳ và là mức thấp kỷ lục từ trước đến nay.

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc VNR cho biết, do thực hiện giãn cách xã hội tại nhiều địa phương, ngành đường sắt phải điều chỉnh kế hoạch, biểu đồ chạy tàu, cắt giảm nhiều mác tàu trên các tuyến. Tàu khách đã dừng toàn bộ các mác tàu, riêng tàu Thống nhất chạy hàng ngày SE8 dừng từ ngày 23/8, SE7 dừng từ ngày 25/8.

Đối với vận tải hàng hóa, ông Mạnh đánh giá lượng tàu hàng từ ga Sóng Thần ra các tỉnh phía Bắc giảm mạnh do tình hình dịch ở các tỉnh phía Nam diễn biến phức tạp, bị đứt gãy chuỗi cung ứng và tiêu thụ. Tàu hàng nhanh chuyên tuyến hai chiều Sóng Thần-Giáp Bát giảm đến hơn 50%, kéo theo doanh thu vận tải hàng hóa toàn ngành giảm theo 2-3%.

“Từ đầu năm đến nay, ngành đường sắt cố gắng cầm cự, lấy vận tải hàng bù vận tải khách nhưng với tình hình nguồn hàng nguyên vật liệu đầu vào không có, thị trường tiêu thụ tiếp tục giảm mạnh, từ nay đến cuối năm vận tải hàng hóa đường sắt vẫn đứng trước nguy cơ sụt giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới doanh thu,” Tổng giám đốc VNR nói.

Thống kê của VNR cho thấy, trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 này, ngành đường sắt có hơn 5.500 lượt người lao động phải nghỉ việc đến từ các công ty vận tải đường sắt do tàu khách dừng chạy hoàn toàn từ 25/8 trên toàn mạng lưới; tàu hàng Bắc-Nam bắt đầu giảm sút.

Chỉ tính riêng tháng 9/2021, do không có mác tàu khách vận hành, Đoàn tiếp viên đường sắt Hà Nội đã phải thỏa thuận tạm hoãn với hơn 690/769 cán bộ công nhân viên. Ngay cả Phó giám đốc đơn vị cũng phải tạm hoãn hợp đồng lao động luân phiên.

Khẳng định VNR đã phải triển khai phương án tạm hoãn hợp đồng lao động đối với toàn ngành, theo ông Mạnh, từ 1/9 đến 31/12/2021, Tổng công ty vận động khoảng 25% người lao động khối gián tiếp tạm hoãn, kể cả cấp Phó trưởng ban, Phó giám đốc chi nhánh. Còn đối với lao động trực tiếp thì tùy theo đặc điểm, chức năng đơn vị, chức danh và đặc điểm tuyến vận tải để sắp xếp.

“Với phương án dự kiến, giai đoạn này sẽ tạm hoãn hợp đồng với hơn 1.600 lượt lao động. Để hỗ trợ cho người lao động phải nghỉ việc, do không còn nguồn nên phải huy động từ nguồn của Công đoàn Đường sắt Việt Nam; phát động ủng hộ mang tính cá nhân trong và ngoài ngành để có nguồn hỗ trợ người lao động,” ông Mạnh cho hay.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm