15 chuyên gia mách nước giúp doanh nghiệp chuyển đổi xanh

Sử dụng năng lượng hợp lý kết hợp xanh hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh được cho là giải pháp để doanh nghiệp góp phần khắc phục vấn đề thiếu hụt năng lượng trước mắt, hướng tới tương lai phát triển bền vững.
15 chuyên gia mách nước giúp doanh nghiệp chuyển đổi xanh

Theo báo cáo của Wartisila (Phần Lan), khu vực Đông Nam Á đang gặp những biến động chưa từng có về giá nhiên liệu, nhu cầu điện tăng cao và chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu.

Khi quá trình chuyển dịch năng lượng toàn cầu hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng về "0" (Net Zero) diễn ra mạnh mẽ, các doanh nghiệp Đông Nam Á đang đứng trước cơ hội lớn để dẫn đầu làn sóng chuyển đổi xanh.

Để hiện thực hóa mục tiêu Net Zero như cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam phải đạt được tỷ trọng 85% năng lượng sạch vào năm 2050.

Tuy nhiên, hành trình của Việt Nam tới trạng thái trung hòa carbon còn một chặng đường dài. Bên cạnh đó, việc hệ thống sử dụng nhiều năng lượng tái tạo hơn đi kèm sự thiếu ổn định tăng lên.

Vì vậy, để giải quyết vấn đề trước mắt, doanh nghiệp cần chú trọng hơn đến công tác quản lý nguồn năng lượng, xanh hóa sản phẩm và dịch vụ. Dưới đây là lời khuyên của 15 chuyên gia để doanh nghiệp có thể chung tay khắc phục vấn đề năng lượng, đồng thời phát triển nền kinh tế xanh.

Loại bỏ không gian không cần thiết

Tiết kiêm năng lượng
Loại bỏ không gian ít sử dụng giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí (Nguồn: HBR)

"Một cách đơn giản để doanh nghiệp giảm lượng điện năng tiêu thụ là loại bỏ khoảng không gian ít sử dụng. Một số nền tảng quản trị doanh nghiệp hiện nay được trang bị tính năng tổng hợp dữ liệu từ các khu vực của tòa nhà nhất định, giúp doanh nghiệp hiểu được nơi nào sử dụng nhiều và nơi nào cần ít năng lượng hơn. Loại bỏ không gian không cần thiết không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, mà còn giảm tác động tới môi trường”, Chase Garbarino, Giám đốc điều hành HqO, nói.

Giảm lượng máy in trong văn phòng

“Hạn chế sử dụng giấy là cách dễ dàng và đem lại hiệu quả cao trong quá trình chuyển đổi xanh. Đầu tiên, hãy giảm số lượng máy in xung quanh văn phòng và theo dõi số lượng bản in của nhân viên. Sau đó, hãy thực hiện chính sách tích điểm và thưởng cho nhân viên ít sử dụng máy in hơn. Cuối cùng, doanh nghiệp có thể thay thế một số trang bị văn phòng như sổ tay, bút bằng thiết bị kỹ thuật số như iPad hay máy tính bảng”, Biju Chandrasekharan, Giám đốc điều hành Bytewave Digital, đề xuất.

Hạn chế sử dụng giấy

“Giải pháp này nghe có vẻ đơn giản, nhưng doanh nghiệp cần tránh sử dụng giấy tối đa. Văn phòng của chúng tôi hoàn toàn không cần giấy tờ. Tất nhiên, nó không thể áp dụng cho tất cả các ngành nhưng có thể triển khai với một số công nghệ nhất định để hạn chế nhu cầu sử dụng giấy. Các công cụ này cũng giúp ích trong quá trình theo dõi và tìm kiếm tài liệu, thông tin liên lạc trở nên dễ dàng hơn. Chưa kể nó giảm bớt nhu cầu không gian lưu trữ vật lý”, Mitra Ahouraian, nhà sáng lập Ahouraian Law, nói.

Mở rộng giao thức làm việc từ xa

“Bằng cách duy trì và mở rộng giao thức làm việc từ xa, lượng khí thải sản sinh trong quá trình di chuyển của nhân viên sẽ giảm đáng kể. Ngoài ra, việc lựa sử dụng sản phẩm sạch như giấy làm từ tre cũng là cách tuyệt vời để chứng minh sản phẩm bền vững là sự lựa chọn thiết thực và đáng tự hào”, Abigail Aboitiz, nhà sáng lập 247 Health Solutions, cho biết.

Tích cực chuyển đổi số

Tiết kiêm năng lượng
Xu hướng không giấy tờ (paperless) phổ biến trong các doanh nghiệp chuyển đổi xanh (Nguồn: ShapeChange)

"Hãy đảm bảo rằng bạn cung cấp mọi tài liệu ở định dạng kỹ thuật số và khuyến khích nhân viên sử dụng các tài liệu kỹ thuật số khi có thể. Điều này sẽ bao gồm việc cung cấp mã QR tại hội nghị để mọi người dễ dàng tải xuống tài liệu hơn. Số hóa tài liệu sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí in ấn, bảo vệ môi trường và dễ dàng truy cập các tài liệu quan trọng”, Ty Allen, Giám đốc điều hành Social Climb, cho biết.

Đánh giá lại quy trình làm việc

“Trong quá trình phát triển của doanh nghiệp, chuyển đổi xanh gắn liền với chuyển đổi số. Khi thực hiện bất cứ thay đổi nào, doanh nghiệp cần có chiến lược rõ ràng, đồng thời đánh giá lại quy trình làm việc nhằm tìm ra khâu nào có thể loại bỏ hoặc xanh hóa. Bằng cách này, chúng tôi đã giảm đáng kể tài liệu cần in, tận dụng tốt hơn phần mềm chỉnh sửa và máy chủ ảo”. Alex Argianas, nhà sáng lập Arginias & Associates, nói.

Tạo quy trình làm việc không giấy tờ

“Khi làm việc từ xa hoàn toàn cho doanh nghiệp, tôi đã quen với việc không sử dụng giấy trong nhiều năm. Doanh nghiệp nào cũng có thể tiết kiệm chi phí mua máy in, mực in, giấy… bằng cách tạo một quy trình làm việc không giấy tờ. Nó sẽ giúp giảm thời gian vận chuyển giấy tờ đi khắp văn phòng và cho phép lãnh đạo theo dõi diễn biến theo thời gian thực. Điều này đặc biệt có lợi cho khách hàng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất”, Alisha Raesz, Giám đốc Dịch vụ Fourlane, chia sẻ.

Khuyến khích nhân viên bảo vệ môi trường

“Chúng tôi luôn khuyến khích nhân viên của mình chọn xe điện nếu họ đang tìm kiếm một chiếc xe mới bằng cách cung cấp phiếu thưởng hàng tháng, chi trả một phần tiền thuê hoặc khoản vay mua xe cho họ. Chúng tôi cũng khuyến khích họ đi chung xe tới văn phòng. Ngoài ra, chúng tôi đã thay thế tất cả hệ thống chiếu sáng tại văn phòng bằng đèn LED, đồng thời lắp đặt các tấm pin mặt trời để bù đắp lượng điện năng đã sử dụng”, Ari Chazanas, Giám đốc điều hành Lotus West Properties, chia sẻ.

Phát triển mạng lưới cung ứng xanh

"Việc lựa chọn đối tác cung cấp sản phẩm xanh cho chuỗi cung ứng là bước khởi đầu khả thi. Khi làm việc cùng đối tác như vậy, doanh nghiệp sẽ dần trở nên xanh hơn, đồng thời hỗ trợ cho chính nhà cung cấp đó. Qua đó, thương hiệu của doanh nghiệp trở nên thân thiện hơn với Trái đất và trong mắt khách hàng”, Paul Gunn, Giám đốc điều hành KUOG Corporation, phát biểu.

Triển khai các trạm sạc năng lượng mặt trời cho xe điện

Tiết kiêm năng lượng
Xây dựng trạm sạc xe điện tại nơi làm việc để góp phần bảo vệ môi trường (Nguồn: Wired)

“Xây dựng trạm sạc xe điện bằng năng lượng mặt trời là một cách dễ dàng vì chúng không nhiều yêu cầu về giấy phép. Với vsvd trạm sạc này, doanh nghiệp có thể góp phần giảm lượng khí carbon thải ra trong quá trình di chuyển của nhân viên. Hơn nữa, khoản đầu tư này cũng giúp cho họ tiết kiệm tiền xăng đáng kể”, Desmond Wheatley, Giám đốc điều nhà Beam Global, tư vấn.

Mua Token các dự án xanh

“Ít người biết ngành công nghiệp tiền điện tử đang nghiên cứu giải pháp thực sự có ích cho môi trường. Một trong những cách để các doanh nghiệp giảm vết carbon là mua token từ các dự án xanh như Flow Carbon hay Klima Dao để bù đắp lượng khí thải carbon”, Gil Eyal, Trưởng phòng Tiếp thị và Đổi mới Starfund, chia sẻ.

Tính toán lượng carbon

“Tính toán lượng carbon thải ra môi trường, cũng như lượng bù đắp cần thiết. Dù là năng lượng cung cấp cho một tòa nhà hay chuyến xe Uber, đó chính xác là điểm hoàn hảo để bắt đầu. Các công ty cũng có thể đặt ra cam kết xung quanh chế độ ăn bền vững tại các sự kiện tham gia tài trợ. Chẳng hạn như không ăn thịt đỏ. Ngoài ra, hãy đảm bảo môi trường bền vững, cho phép làm việc từ xa và tổ chức đội ngũ chuyên trách chuyển đổi xanh”, Lizzie Horvitz, Giám đốc điều hành Finch Insights, chia sẻ.

Đánh giá mức phát thải khí nhà kính

“Hãy bắt đầu bằng cách kiểm soát mức phát thải khí nhà kính hiện tại. Doanh nghiệp sẽ khó có thể thay đổi nếu không đo lường. Khi hiểu được vết carbon (chỉ số đo lường, so sánh lượng khí nhà kính phát thải trực tiếp hoặc gián tiếp từ hoạt động hoặc sản phẩm), doanh nghiệp có thể bắt đầu thực hiện từng bước để giảm thiểu nó một cách có tổ chức và chiến lược”, Robert Krenza, Giám đốc điều hành BlackWolf Consultants, cho biết.

Xác định nguồn gốc vết carbon

“Doanh nghiệp nên bắt đầu bằng việc xác định nguyên nhân chính tạo ra vết carbon là gì. Nó có phải từ sản phẩm doanh nghiệp đang phân phối, hoạt động vận tải hay quá trình vận hành các cơ sở sản xuất? Khi đã xác định vấn đề, doanh nghiệp cần tập trung giải quyết nó một cách có hệ thống hơn, thay vì chỉ cải thiện vấn đề nhất thời và thiếu mục tiêu dài hạn. Tất nhiên, bất kỳ vấn đề nào được cải thiện cũng được coi là chiến thắng cho doanh nghiệp. Song với công cụ hiện nay, tôi hy vọng các doanh nghiệp hướng tới mục tiêu xa hơn”, Kelly Pigeon, nhà sáng lập Loopt đề xuất.

Có thể bạn quan tâm