Về địa lý, Yên Bái là một tỉnh miền núi khu vực Tây Bắc với nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển nhiều loại hình du lịch đa dạng như du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, sức khỏe... được đông đảo du khách trong nước và quốc tế lựa chọn.
Năm 2022, ngành du lịch tỉnh Yên Bái đón và phục vụ được gần 1,6 triệu lượt khách, vượt 44,4 % kế hoạch năm, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó khách quốc tế ước đạt 28 nghìn lượt khách, doanh thu ước đạt 1.101 tỷ đồng.
Riêng, 5 tháng đầu năm 2023, ngành du lịch tỉnh ước đón 901.565 lượt khách, đạt 60,1% so với kế hoạch cả năm, tăng 30,7% so với cùng kỳ, khách quốc tế đạt 30,3 nghìn lượt khách, tổng doanh thu du lịch ước đạt 724,2 tỷ đồng.
Du lịch Yên Bái có kế hoạch năm 2023 đón và phục vụ 1,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế 150 nghìn lượt, khách nội địa đạt 1,35 triệu lượt và doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 1.350 tỷ đồng.
Tổng cục trưởng đánh giá: “Ngành du lịch Yên Bái đã phục hồi, bứt phá, làm tốt công tác kích cầu du lịch, tuyên truyền quảng bá du lịch, xây dựng phát triển các sản phẩm du lịch dịch vụ mới phù hợp với thị trường khách du lịch tiềm năng. Yên Bái là điểm đến an toàn, thân thiện đối với khách du lịch trong và ngoài nước”.
Để phát triển du lịch đi vào chiều sâu, có hiệu quả ngay trong năm 2023 và những năm tới, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đã chỉ ra 3 hướng đi cụ thể. Thứ nhất, lãnh đạo tỉnh Yên Bái cần chỉ đạo các sở ban ngành phối hợp chặt chẽ với ngành du lịch tạo điều thuận lợi cho du lịch tỉnh Yên Bái phát triển, đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối các khu điểm du lịch.
Bên cạnh đó, tỉnh cần tiếp tục có các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trên địa bàn, thu hút đầu tư tiềm năng, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch bền vững;
Thứ hai, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Yên Bái phải chủ trì, định hướng xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng, độc đáo, hấp dẫn, chú trọng liên kết giữa du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, gắn với phát triển xanh, bền vững theo phương châm “lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”.
Đồng thời, Sở nên quan tâm đầu tư phát triển, nâng tầm thương hiệu điểm đến, kéo dài mùa vụ du lịch, mở rộng thị trường nội địa với các địa phương phía Nam, từng bước khai thác khách thị trường khách du lịch quốc tế; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về chuyên môn, nghiệp vụ, cách giao tiếp, ứng xử trong du lịch; đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch.
Thứ ba, các Hiệp hội, doanh nghiệp du lịch và các cơ quan báo chí, truyền thông cần hỗ trợ, đồng hành trong việc xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch, hỗ trợ công tác quảng bá, chào bán các sản phẩm du lịch.
Ngoài ra, các cơ quan trên phải cùng tham gia góp ý, hiến kế trong công tác quản lý và nâng cao chất lượng điểm đến để địa phương ngày càng hoàn thiện, phát triển và mang đến những trải nghiệm trọn vẹn nhất cho du khách.