Có rất nhiều sự thật trong công việc , kinh doanh hay nghề nghiệp. Ví dụ đơn giản như khách hàng đến với bạn mà bạn không phục vụ được họ, họ sẽ tìm người khác; không phải cứ bán hàng là kinh doanh tốt, kinh doanh tốt là tạo nên các mối quan hệ tốt... Nhiều lắm, nó là những thứ mà người ta vẫn nói với nhau mỗi ngày để tiến xa hơn trong cuộc sống.
Thế nhưng, ngoài sự thật cũng còn có rất nhiều điều dối trá, những điều mà ta thường nói ra để an ủi chính bản thân mình. Dưới đây là 3 lời nói dối điển hình của những người vẫn mãi thất bại.
1. "Tôi có bằng đại học, tôi chẳng sợ gì không có việc"
Bạn đã thấy những thạc sĩ hay tiến sĩ thất nghiệp chưa? Ngoài kia không chỉ mình bạn có tấm bằng đại học, mỗi năm có hàng triệu sinh viên mới ra trường cũng có bằng cấp, có đào tạo. Bạn chắc rằng mình giỏi hơn bao nhiêu người về kiến thức chuyên môn? Đó mới chỉ là 1 khía cạnh, còn kinh nghiệm làm việc, khả năng thích ứng môi trường... bạn nghĩ mình giỏi nhất?
Tấm bằng Đại học không phải là tấm vé 1 đổi 1 để lấy công việc trong mơ, nhiều người thậm chí hàng ngày vẫn làm rất tốt công việc của mình cho dù họ còn chẳng đi học. Đừng nghĩ rằng chỉ với tấm bằng bạn có thể thuyết phục nhà tuyển dụng cho bạn một công việc, đừng "ảo" nữa, không dễ thế đâu.
Mỗi khi nhìn vào một công việc nào đó, hãy tự hỏi mình, bạn mang lại giá trị gì cho công ty, bạn thay đổi được những gì, vì sao nhà tuyển dụng muốn có bạn? Cách đơn giản và tốt nhất để tăng giá trị bản thân chính là giải quyết các vấn đề. Bạn ứng tuyển vào một công ty, nhận ra vấn đề bên trong và có giải pháp để xử lý nó? Quá tuyệt vời, đó mới là tấm vé 1 đổi 1 của bạn chứ không phải bằng đại học.
Chính vì thế, đừng nói dối mình nữa, bằng đại học giờ đây cũng chỉ là một tờ giấy mà thôi, hãy cất nó vào tủ và bắt đầu tìm vấn đề để giải quyết đi.
2. "Chỉ cần viral là thành công"
Nghe có vẻ buồn cười khi mà thế hệ trẻ ngày nay phụ thuộc quá nhiều vào mạng xã hội và họ nghĩ Internet, mạng xã hội là chìa khóa cho mọi vấn đề. Đây cũng là lúc mà khái niệm viral xuất hiện khi nó trở thành hiện tượng mạng xã hội và được rất nhiều người quan tâm.
Đúng, Internet và mạng xã hội đúng là chìa khóa cho rất nhiều vấn đề. Thế nhưng, chỉ dựa vào nó để mong có được thành công lại là điều vô cùng phức tạp. Nhiều người trẻ ra thành lập mô hình kinh doanh và sử dụng chiêu trò để nổi tiếng trên mạng xã hội, họ nghĩ rằng chỉ cần thế thôi là sẽ có doanh thu cao, lợi nhuận khủng.
Nhầm, nhầm rồi...
Một sự bùng nổ trên mạng xã hội không đồng nghĩa với lợi nhuận nó mang lại, đừng có nhại đi nhại lại câu chuyện của Dollar Shave Club nữa, người ta chỉ xem nội dung của bạn thôi, chẳng ai có ý định mua đâu.
Nếu bạn may mắn, sẽ có vài người quan tâm và rồi mua sản phẩm của bạn. Thế nhưng, mấu chốt vẫn là sản phẩm của bạn có đủ tốt, có giải quyết được vướng mắc của khách hàng hay không?
Thêm vào đó, cứ vài giờ lại có một thứ khác bùng nổ trên mạng xã hội, bạn nghĩ trào lưu của bạn sẽ "thọ" được bao nhiêu lâu? Tốn kém quá nhiều tài nguyên chỉ để nổi "lềnh phềnh" liệu có xứng đáng?
3. "Muốn thành công, phải có dáng vẻ của một người thành công"
Triệu phú này ăn mặc chẳng khác gì những công nhân, thợ máy trong mô hình kinh doanh của ông.
Những "thanh niên đa cấp" sẽ thích điều này khi mà cứ nghĩ là phải diện vest, giày da bóng lộn là sẽ đồng nghĩa với thành công. Bạn có nhận ra người giàu ăn mặc rất thoải mái, những người tự kinh doanh chẳng bao giờ bận trang phục đẹp hay có dáng vẻ hào nhoáng bên ngoài? Tất nhiên là không.
Chúng ta hay có suy nghĩ là người thành công phải đi xe này, mặc bộ quần áo kia, đeo chiếc đồng hồ này và dùng điện thoại kia. Thật ra, mọi thứ đều chỉ là do sở thích, nếu đó là thước đo và chuẩn mực của sự thành công thì cả 7 tỷ người trên hành tinh này sẽ giống nhau mồn một.
Không cần bàn nhiều về bài học hay cái giá của sự thành công nữa vì nó đã xuất hiện quá nhiều. Thế nhưng, thành công là nỗ lực, là quá trình chứ không phải chỉ là vẻ bề ngoài.