Nhật ký Gapado: Chào xứ Hàn bằng… đặc sản “mùi”

Ra khỏi nhà, khi bước chân đầu tiên của tôi đặt chân lên con đường đất dường như gặp lại tuổi thơ của mình và tôi đã nhìn thấy một cô bé 5 tuổi trong cánh đồng hoa bướm, cô bé đó như đang đuổi bắt một con bướm. Tim tôi đã ngân lên những nốt nhạc...

z5965200016389-d979300c7594a2731328d7a202095c51.jpg

Một ngày đẹp trời tôi nhận được điện thoại của dịch giả Hà Minh Thành.

- Chị ơi bên Hàn Quốc muốn mời chị tham dự trại sáng tác văn học và nghệ thuật trên đảo Jeju 3 tháng. Hiện giờ là giữa tháng 7 rồi, đầu tháng 8 nhập trại. Chị quyết định nhanh nhé để còn làm thủ tục.

- Vui quá nhưng đi những ba tháng à em ơi?

- Vâng chị ơi. Họ sẽ lo vé máy bay, nhà ở và tiền ăn, chị chỉ phải sáng tác 1 truyện ngắn không bó buộc đề tài.

- Sáng tác thì chị không lo, tự chăm sóc bản thân chị cũng không lo mà lo nhất là “câm điếc xã đàn”, tiếng Anh “phọt phẹt”, tiếng Hàn thì mù tịt.

- Không lo chị ơi google dịch chuẩn mà.

- Để chị nghĩ vài ngày nhé.

Nghĩ tần nghĩ hán nghĩ ung cả thủ, bủ già 63 tuổi, cả tuổi mụ 64. Từ lúc bủ già về hưu đang mải tận hưởng. Ấy là ông chồng điêu khắc (Nghệ sĩ điêu khắc Trần Hoàng Cơ) bỗng ham đi chợ và nấu ăn bủ già chẳng phải nhúng tay việc nhà. Hàng ngày thích làm gì thì làm xem phim tĩ tã, nhạt mồm nhạt miệng thì đi chém gió cùng mấy bà bạn cũng thuộc hàng bủ già. Thời tiết đẹp ngày nào cũng “mài ghế" ở quán cà phê ít nhất 3 tiếng mà nhiều nhất 7 tiếng. Sang đất khách quê người chém gió với ai, rồi nhỡ đâu bị trầm cảm hoặc tự kỷ…Mà không đi thì cũng tiếc. Một trải nghiệm tuyệt vời. Nâng lên đặt xuống chuẩn 2 ngày cộng với được sự động viên của chồng con tôi quyết định nhận lời chuyến đi.

Thủ tục giấy tờ đơn giản vì tôi đã đến Hàn Quốc 4 lần, lần đầu tiên năm 2004. Sau khi chính thức nhận lời, Giám đốc Quỹ Văn hóa và nghệ thuật Jeju, Yun gyeol-Han gửi thư mời qua email và hình ảnh căn nhà nhỏ nơi tôi sẽ lưu trú trong 3 tháng. Cô ấy nói sẽ trả lời các câu hỏi của tôi. Nộp xong thủ tục để làm visa tôi bắt đầu tìm hiểu về đảo Jeju. Một nơi rất nổi tiếng miễn thị thực cho nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam trong 1 tháng lưu trú. Rất nhiều địa danh và ẩm thực thú vị chờ đón.

Tôi nhờ con gái dịch và viết thư cho giám đốc Quỹ nên cũng một ngày đẹp trời con gái gọi về báo:

- Mẹ ơi không phải ở đảo Jeju, Gapado là một hòn đảo nhỏ xinh đẹp nhưng khá vắng không chắc có chợ và siêu thị đâu nhé.

- Oài vậy à, thành Robinson à? Con viết thư hỏi giúp mẹ xem tình hình trên đảo Gapado như thế nào?

- Vâng để con hỏi.

Giám đốc Yun viết thư trả lời cặn kẽ và chụp bảng giờ tàu chạy từ Jeju sang Gapado. Có nghĩa rằng trên Gapado không có chợ và siêu thị. Muốn mua đồ thì phải đi tàu sang Jeju.

Tôi thuộc tuýp người ham sống sợ chết nên cứ phải là quân tử phòng thân tiểu nhân phòng bị gậy. Tận 3 tháng nơi đất khách quê người nên tôi chuẩn bị đồ ăn mang theo. Đã quen với các chuyến đi nên tôi giỏi sắp đồ, vậy mà lần này dù đã gói kỹ lọ tôm chua vẫn bị chảy ra. Thôi xong mùi khủng luôn mà sắp đến giờ bay. Tôi dỡ vali lau chùi các kiểu xịt nước hoa… càng kinh bèn lấy tinh dầu ngọc am cùng sả cùng cam xịt lấy xịt để thành một mùi tạp phế lù. Tiện tay tôi cho luôn 3 lọ tinh dầu vào vali bụng nghĩ thầm thể nào cũng bị hỏi thăm.

Chó nghiệp vụ tại sân bay Incheon hoạt động rất chuyên nghiệp. Ban đầu thấy chú chó nhỏ dễ thương đến bên từng hành khách hít ngửi tôi lại nghĩ chó của ai đó đi cùng, lại thấy nó cứ nhè túi xách, vali mà hít ngửi bỗng dâng cảm giác khó chịu. Nó nhanh thoăn thoắt kéo chủ cứ phải chạy theo. Xem chó dăm phút tôi nhận ra đảo hành lý không phải của hãng Asiana nên đi tìm. Mãi mới thấy chiếc vali đỏ thần thánh bị khoác một cái vòng kim cô kêu toáng lên như cứu hoả . Thôi xong rồi bụng bảo như thần bảo. Kéo vali vào hải quan tôi trình Passport, 3 cô gái trẻ mặt lạnh lùng. Một cô đeo găng tay chuẩn bị mở vali tôi nhanh tay mở trước. Một cô rất nhanh chộp lấy 3 lọ tinh dầu rồi hỏi:

- What is this?

Tôi trả lời:

- Bôi bôi

Rồi đưa một ngón tay di di lên mặt. Cô ấy lặp lại động tác của tôi di di ngón tay lên mặt, tôi gật đầu. Cô ấy nhìn kỹ lọ tinh dầu rồi mở ra ngửi xong đậy nắp trả lại vali.

Xong rồi tôi vừa đi vừa nghĩ vừa cả cười thương cho con gâu gâu nghiệp vụ vì nó phải ngửi một mùi tạp phế lù đến mấy chục loại chất khác nhau nào như tôm nào như mắm nào như tỏi nào như đường... nào nước hoa các loại nào tinh dầu các loại…

Còn loại mùi và hoá chất này thì đỉnh của chóp ấy là lúc đang làm mắm bỗng đâu ngứa mũi phải thò tay gãi cái rồi thì muối hết cùng lọ tôm chua. (Chỗ này là do ám ảnh những clip quay các món ăn đường phố ở Ấn Độ và cũng từng chứng kiến món ăn trên vỉa hè ở quê nhà).

Con gái đã thu xếp người đón từ Incheon sang sân bay nội địa, một đêm không ngủ đủ giấc tôi lên “cơn ngu” bất thình lình, không thể bắt được internet free ở sân bay. Theo hướng dẫn của Tuấn (người sẽ đón tôi) tôi đến nhờ một cậu bé người Hàn rất dễ thương, cậu bé vui lòng gọi số của Tuấn giúp tôi nhưng mẹ cậu bé nhất quyết lôi cậu đi. Cậu bé cứ ngoái lại nhìn tôi đầy ái ngại, tôi cũng đầy ái ngại nhìn theo cậu bé.

Tôi nhìn thấy một cô bé Việt Nam xinh xắn bế đứa con nhỏ bèn lại gần nhờ giúp.

- Cháu cũng lần đầu sang đây bác ạ. Để chồng cháu sẽ giúp bác, chồng cháu kia rồi.

Cô ấy nói tiếng Hàn với chồng, chồng cô ấy không nói gì chỉ lục túi cầm ví rồi đi đến bốt điện thoại công cộng, tôi liền đi theo. Tôi nhanh tay chìa ra đống tiền xu vừa đổi ở quầy sân bay, cậu ấy liền chọn mấy đồng bỏ vào lỗ rồi bấm số. Tôi liên lạc được với Tuấn. Người đón tôi là vợ Tuấn.

Đợi đến 11h11 máy bay cất cánh ra đảo Jeju, hạ cánh lúc 12h25. Tôi lấy hành lý đi ra cửa và chờ người đến đón. Oh Moon Seok đón tôi. Chúng tôi đi xe bus đến 1 khách sạn nhỏ. Đường phố sạch sẽ những căn nhà thấp tầng đầy hoài cổ. Giám đốc Yun yeol-Han đón tôi như đã từng quen nhau từ lâu. Cô khá chật vật với chiếc vali đỏ thần thánh đã từng đi qua Pháp, Đức, Lào mà có lúc nó phải chứa đến gần 40 cân. Có lần hai mẹ con tôi từng phải vật vã khiêng nó ở bến tàu từ Paris xuống Montperlie. Thấy thảm cảnh đó, một ông tây khồ lồ nghĩa trượng ra tay giúp đỡ, ổng xách nó leo lên các bậc thang xong rồi ông đứng thở dốc, nay nó chỉ nặng có đúng 23,2kg.

Mẹ con tôi đã từng ao ước lần sau ra nước ngoài chỉ mang theo tểnh tềnh tênh một cái thẻ ATM. Vậy mà rồi số trâu cổ cầy vai bừa vẫn vác trên lưng đến 40 kg hành lý.

Ở khách sạn Yun giới thiệu tôi với nhà thơ Kim Hea Ja, chị ấy bằng tuổi tôi và đã từng đến Việt Nam. Chúng tôi hẹn 7 giờ sẽ đi ăn tối.

Nhà thơ Kim đưa tôi đến một nhà hàng nhỏ, người nấu bếp và phục vụ là một người đàn bà nhỏ và có tuổi. Từng động tác vừa phải và chuẩn xác. Cơm cá khá ngon miệng. Nhà thơ Kim dứt khoát không cho tôi chia sẻ tiền bữa ăn tối.

Chúng tôi đi về phía biển, vừa đi vừa nói chuyện rất vui vẻ kiểu chuyện ai nói người ấy hiểu, thi thoảng chêm vào vài câu tiếng Anh. Nhà thơ Kim đã cài phần mềm dịch nhưng chưa phát huy được hiệu quả.

z5965206341566-27e6e6ba4632d9594aad45624adea1c4.jpg

8h15 Yun và Oh đón tôi và nhà thơ Kim bắt tàu sang đảo Gapado. Phải điền vào 1 tờ giấy, họ tên ngày tháng năm sinh và số điện thoại, lần nào cũng phải có tờ giấy đó mới được mua vé. Vẫn còn mùa hè nên khách tham quan sang Gapado khá đông, họ là những người đã có tuổi. Tàu chạy được khoảng 5 phút cơn say sóng của tôi phát tác, tôi lôi trong túi ra chiếc túi bóng đỏ đặc trưng từ quê nhà úp vào mồm. Nhà thơ Kim xốc nách tôi đứng lên, Yun cũng đến bên để đưa tôi vào nhà vệ sinh. Bụng tôi trống rỗng nên chỉ ọe ra nước và dịch dạ dày đắng ngắt. Cũng may, chúng tôi đứng trên boong chỉ vài phút thì tàu cập bến.

Yun đưa tôi vào nhà, cô ấy nói qua google dịch đại ý “Bạn hãy cất đồ ăn vào tủ lạnh 10 phút nữa tôi quay lại đón bạn”. Tôi đáp Ok!.

Tôi mở vali để lấy đồ ăn bỗng mồ hôi đổ ra và đầu quay quay. Không xong rồi, tôi vội lấy 1 túi bột ngũ cốc pha vào nước lạnh uống vội, tiếp tục thêm 7 viên cảm xuyên hương. Yun quay lại đưa cho tôi một hộp quà gặp mặt. Tôi mở ra thấy có bánh bỏng, ngấu nghiến đút vào miệng để chặn cơn hạ đường huyết rồi bắt đầu theo chương trình.

Ra khỏi nhà, khi bước chân đầu tiên của tôi đặt chân lên con đường đất dường như gặp lại tuổi thơ của mình và tôi đã nhìn thấy một cô bé 5 tuổi trong cánh đồng hoa bướm, cô bé đó như đang đuổi bắt một con bướm. Tim tôi đã ngân lên những nốt nhạc. Và rất ngắn chỉ khoảng 5 giây thôi tôi như đi xuyên thời gian gần 60 năm trước. Tôi sinh ra ở miền quê rất gần biển, có nhiều loại cỏ cây hoa lá giống như ở đây. Những ngày sau đó tôi cố gắng đi tìm lại 5 giây đầu tiên đó nhưng không thấy, thậm chí đến một con bướm cũng không thấy.

Chúng tôi đến trụ sở chính của Quỹ ở Gapado, người thuyết trình đã chờ chúng tôi. Chúng tôi đến các địa danh trên đảo, có người phiên dịch tiếng Anh đi kèm. Yun cố gắng cài phần mềm dịch cho tôi nhưng không được. Sim điện thoại Tuấn mua cho tôi cũng chưa sử dụng được. Tôi bập bõm chữ tác đánh chữ tộ đã đành lại còn phải vừa nghe ngóng xem cái thân già có dở quẻ không. May thay thân già chịu hợp tác với não bộ, rằng lăn ra ốm thì nhục. 12h30 chúng tôi đến nhà hàng trên đảo ăn trưa, tôi chọn món cơm trộn ốc biển khá hợp khẩu vị. Tôi đánh bay bát to đùng. Món canh chua bỏ đá thì thôi.

13h30 chúng tôi quay về trụ sở để làm quen nhau, tôi đến từ Việt Nam, 2 bạn nam trẻ đến từ Nhật và Anh, một bạn nữ đến từ Trung Quốc, 2 bạn nữ trẻ người Hàn và nhà thơ Kim. Những người trẻ là họa sỹ, điêu khắc và nghiên cứu văn hóa. Chúng tôi có những câu hỏi cho ban tổ chức (tất nhiên tôi có ý kiến là tôi không có ý kiến gì). Sau mọi người nói dự định sẽ làm gì trong trại sáng tác này. Tôi nói sẽ viết 1 truyện ngắn về sự tha thứ.

Chúng tôi đi tham quan nơi các nghệ sỹ sống và làm việc. Mỗi người một phòng ngủ nhỏ và 1 studio rộng họ chung nhau bếp nấu ăn khá rộng, nhà vệ sinh, nhà tắm và 4 máy giặt. Họ cũng dùng chung 1 phòng khách cũng khá rộng. Xung quanh còn nhiều khoảng trống rộng để có thể mang giá vẽ ra ngoài trời.

Tôi và nhà thơ Kim được ở hai căn hộ nhỏ khép kín gần bến tàu. Trong căn hộ có đầy đủ mọi đồ dùng thiết yếu.

z5965206349443-cc6a537c1db0f6dc4166762305568c34.jpg

Buổi tối nhà thơ Kim rủ tôi đi ăn cùng với một người bạn, Kim Kyung Yoon, người chuyên viết về lịch sử và cũng chính là người bán vé tàu trên đảo Gapado. 6h15 tối anh ấy đến đón chúng tôi. Là người làm việc trên đảo anh ấy thân thuộc từng nhành cỏ ở nơi đây. Đầu tiên anh ấy dẫn chúng tôi qua ngôi nhà của lũ mèo. Những chai nước sạch xếp gọn gàng trên ghế, thức ăn để trong thùng kín. Hai bát sạch đựng nước và thức ăn để dưới gầm một chiếc tủ nhỏ. Lũ mèo nằm dãi thẻ trên các bậc thềm và nền cỏ. Chúng không sợ người lạ! Chúng thân thiện đáp lại khi tôi gọi meo meo.

Anh ấy dẫn chúng tôi vào một lối nhỏ giăng kín mạng nhện, anh ấy đi trước dùng tay khua các mạng nhện. Ngôi nhà hoang trong sắc chiều nhá nhem chỉ còn chút ánh nắng bảng lảng khiến có cảm giác liêu trai. Căn nhà đã bị bỏ hoang từ lâu không còn cánh cửa, chiếc xe đẩy đã bị rỉ sét nhưng những bức họa vẽ trên tường thì vẫn còn tươi rói sắc màu và rất đẹp. Tôi chụp các bức họa và biển đá trước căn nhà viết bằng tiếng Hàn và tiếng Anh để nhờ người dịch giúp.

Con gái đã dịch nghĩa trên biển đá: Hang xanh là dự án bắt nguồn từ những quan sát về thiên nhiên và cuộc sống ở Gapado. Kết quả là một se ri các bức họa bên trong các ngôi nhà bỏ hoang trên đảo. Các bức tranh trong căn nhà là một hành trình quanh co vào vực thẳm.

Đây là tác phẩm của Agnese Galiotto, nghệ sỹ thường trú tại Gapado Artist Residence (Gapado, nơi thường trú của các nghệ sỹ). Tác phẩm dự thi cho Jeju Biennale lần thứ 3 năm 2022 (Trăng trôi, ôm đất). Fresco (bích họa) là một kỹ thuật vẽ tranh tường được làm bởi các sắc màu trên một lớp vữa tươi.

Một nhà hàng truyền thống trên đảo, bà chủ quán khỏe mạnh tươi tắn và đã luống tuổi. Nhìn cái đã biết ngay tôi không phải người Hàn. Họ nói chuyện với nhau rất vui vẻ. Các món ăn như bữa cơm gia đình, cá rán, thịt lợn xào hành tây, một đĩa giống màu của trứng nhưng có trộn thêm bột, các loại kim chi và 1 bát canh chua bỏ đá. Chúng tôi ăn ngon miệng. Tôi chú ý những bức tượng mèo nhỏ đặt trên bậu của sổ. Anh ấy nói:

- Trên đảo này có các nhà ở cho mèo thức ăn và nước uống sẽ được những người phụ nữ góp vào.

Bà chủ nhà hàng tặng chúng tôi mỗi người hai quả dưa trồng trên đảo vừa giòn vừa ngọt.

Ăn xong chúng tôi đi dạo quanh bờ biển. Không khí mời tuyệt vời làm sao!

Đêm đầu tiên trên đảo Gapado tôi ngủ không vẫy tai.

Xem thêm

Nhà văn Bích Ngân: Những trăn trở tận tâm tận lực

Nhà văn Bích Ngân: Những trăn trở tận tâm tận lực

Ba tác phẩm "Đường đến cây cô đơn", "Tiếng gọi bến bờ", và "Anh nhớ em muốn chết" của nhà văn Bích Ngân dành cho bạn đọc những cảm xúc yên bình, lắng đọng những cũng khiến họ đeo đuổi nghĩ suy và liên tưởng về cuộc sống, con người quanh ta.

Có thể bạn quan tâm

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Black Friday là gì và tại sao người tiêu dùng lại “mê” ngày lễ mua sắm này đến vậy?

Black Friday là gì và tại sao người tiêu dùng lại “mê” ngày lễ mua sắm này đến vậy?

Black Friday, thường diễn ra vào ngày thứ Sáu sau Lễ Tạ Ơn tại Mỹ, là khởi đầu cho mùa mua sắm cuối năm ở nhiều quốc gia. Ngày này được biết đến với những đợt giảm giá lớn và ưu đãi hấp dẫn tại các cửa hàng và trang thương mại điện tử, thu hút hàng triệu người mua sắm trên toàn cầu…