3 lãnh đạo Eximbank đồng loạt “đăng đàn” khi bị miễn nhiệm

Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 28/11, 3 lãnh đạo cấp cao bị đề nghị miễn nhiệm của Eximbank gồm hai Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Lương Thị Cẩm Tú và Nguyễn Hồ Nam, Trưởng Ban kiểm soát Ngo Tony đã có những chia sẻ với cổ đông...

Sáng 28/11, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) lần đầu tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường tại Hà Nội, thay vì TP.HCM.

3 LÃNH ĐẠO EXIMBANK “ĐĂNG ĐÀN” KHI BỊ MIỄN NHIỆM

Đại hội lần này diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, khi ngay trước thềm tổ chức đã nhận đề nghị bổ sung tờ trình từ một nhóm cổ đông nắm trên 5% vốn về việc miễn nhiệm 2 thành viên Hội đồng quản trị là ông Nguyễn Hồ Nam và bà Lương Thị Cẩm Tú.

Trước đó, một nhóm cổ đông nắm trên 5% vốn cũng kiến nghị miễn nhiệm Trưởng Ban kiểm soát với ông Ngo Tony. Các cổ đông này cho rằng ông Ngo Tony đã có hành vi lạm dụng/lợi dụng chức vụ quyền hạn, vi phạm nghiêm trọng các quy định của Điều lệ Eximbank và Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban kiểm soát Eximbank, gây ảnh hưởng nặng nề quyền lợi của cổ đông.

Theo kết quả được công bố, Đại hội đồng cổ đông Eximbank đã thông qua việc miễn nhiệm chức danh thành viên Ban Kiểm soát của ông Ngo Tony với tỷ lệ đồng ý là 53,85%, phản đối là 40,74%; ngoài ra, có 5,36% cổ đông không đưa ra ý kiến. Đồng thời, đại hội cũng thông qua việc miễn nhiệm chức danh thành viên Hội đồng quản trị của ông Nguyễn Hồ Nam và bà Lương Thị Cẩm Tú.

Kết quả biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông bất thường ngân hàng Eximbank

Phát biểu tại đại hội, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Hồ Nam cho biết bản thân đã đầu tư vào ngân hàng Eximbank trong 8 năm qua. Việc nhận được đề nghị bãi nhiệm do không tham dự đầy đủ các cuộc họp Hội đồng quản trị (36/38 cuộc họp) chỉ vài ngày trước đại hội khiến ông Nam hoàn toàn bất ngờ.

“Sau đó tôi đã giải trình rất rõ với Hội đồng quản trị, 2 cuộc họp tổ chức ít hơn 5 ngày so với quy định, tôi ra nước ngoài nên không thể tham dự và đã ủy quyền chị Tú (bà Lương Thị Cẩm Tú) biểu quyết. Việc lấy lý do tôi tham dự không đủ các cuộc họp là rất khiên cưỡng,” ông Nguyễn Hồ Nam chia sẻ với cổ đông.

Về tờ trình miễn nhiệm bản thân khỏi Hội đồng quản trị Eximbank, Phó Chủ tịch Lương Thị Cẩm Tú cho biết xét theo Luật các tổ chức tín dụng và Điều lệ ngân hàng, bà không thuộc vào diện bị xem xét miễn nhiệm.

“Khi tôi vắng mặt do công tác nước ngoài, tôi đã báo cáo cho Hội đồng quản trị và ủy quyền lại cho người giúp tôi điều hành ngân hàng. Khi đi nước ngoài, sóng điện thoại không ổn định nên có thể tôi đã để lỡ một số cuộc họp, nhưng tôi vẫn tham gia thường xuyên với tỷ lệ hơn 90%,” bà Cẩm Tú chia sẻ.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Ngo Tony cho biết: “Tính đến ngày hôm nay, tôi đã làm việc tại ngân hàng Eximbank được gần 1.000 ngày. Với tư cách Trưởng Ban kiểm soát, tôi đã cùng các thành viên Ban kiểm soát đã làm việc và đưa ra và phát hiện 2.203 rủi ro, trong đó có 1.446 rủi ro cao và rất cao, chiếm 66%. Khi phát hiện thì chúng tôi đã đưa ra kiến nghị để giúp Eximbank tiết kiệm và bảo vệ hàng ngàn tỷ đồng”.

Theo ông Ngo Tony, trong thời gian giám sát 10 tháng đầu năm 2024, ông thấy rằng bên cạnh các mặt đã đạt được, Eximbank vẫn phải đối mặt với ba vấn đề lớn: Thứ nhất, chất lượng tài sản giảm sút. Thứ hai là cấp tín dụng mới có một số việc cần phải bàn và cuối cùng gia tăng một số hoạt động có rủi ro cao.

Vấn đề này ông Ngo Tony đã nhiều lần đề cập tại các cuộc họp với Ban điều hành, cũng như các thành viên Hội đồng quản trị, tuy nhiên vẫn chưa có các hành động mang tính nghiêm túc để chỉnh sửa các vấn đề cần phải khắc phục. Do đó ông Ngo Tony đã có thư gửi các cơ quan chức năng, xác minh các dấu hiệu rủi ro để ngân hàng hoạt động một cách hiệu quả.

“Tôi bất ngờ khi nhận được đề nghị của một nhóm cổ đông sở hữu trên 5% cổ phần miễn nhiệm mình. Tôi muốn hỏi là căn cứ nào để xác minh tôi lạm dụng chức quyền, gây ảnh hưởng nặng nề lên ngân hàng,” ông Ngo Tony cho biết.

Trước đó, trên các mạng xã hội có lan truyền hình ảnh được cho là của Ban Kiểm soát có ghi nội dung "Đơn kiến nghị và phản ánh khẩn cấp về rủi ro nghiêm trọng dẫn đến mất an toàn hoạt động và nguy cơ sụp đổ hệ thống Eximbank". Tài liệu này chỉ có 1 trang đầu và không có chữ ký, không có con dấu.

Tuy nhiên, ngay sau đó Eximbank đã lên tiếng khẳng định tài liệu lan truyền trên mạng xã hội nêu trên không phải là văn bản của Ban Kiểm soát Eximbank và không xuất phát từ ngân hàng.

Về việc đưa tờ trình miễn nhiệm 3 lãnh đạo cấp cao vào chương trình họp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank Nguyễn Cảnh Anh cho biết, căn cứ quy chế nội bộ Eximbank, cổ đông trên 5% có quyền đưa kiến nghị vào chương trình họp trước 3 ngày làm việc. Theo quy định, người triệu tập họp là Hội đồng quản trị, chỉ được từ chối khi vấn đề kiến nghị thuộc thẩm quyền.

Theo ông Nguyễn Cảnh Anh, các kiến nghị đều được lập thành văn bản, gửi trước ít nhất 3 ngày so với ngày khai mạc Đại hội đồng cổ đông. Ngân hàng đã xác minh tư cách cổ đông tại ngày có đơn kiến nghị. Vấn đề cổ đông đưa ra là miễn nhiệm thành viên Ban Kiểm soát hoặc Hội đồng quản trị thuộc thẩm quyền Đại hội đồng cổ đông, do đó Hội đồng quản trị đưa nội dung vào chương trình họp bất thường.

Việc lấy ý kiến bằng văn bản đã tuân thủ đúng nghị quyết Hội đồng quản trị, đã thực hiện công bố thông tin đầy đủ. Việc thông qua nghị quyết Hội đồng quản trị chỉ là chấp thuận đưa nội dung vào chương trình họp chứ không làm mất tư cách Hội đồng quản trị hay Ban Kiểm soát của các thành viên.

EXIMBANK “CHUYỂN NHÀ” RA HÀ NỘI

Ngoài quyết định về nhân sự, Eximbank cũng đại hội cổ đông bất thường này cũng đề cập việc chuyển trụ sở chính từ TP.HCM ra số 27 – 29 Lý Thái Tổ, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Giới phân tích quan tâm đến động thái này bởi đây là địa chỉ của Tổ hợp khách sạn, dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê đầu tư bởi Tập đoàn Gelex - cổ đông lớn nắm trên 10% vốn Eximbank tại thời điểm tháng 8/2024.

Sau khi biểu quyết, tờ trình về chuyển trụ sở chính từ TP.HCM ra Hà Nội được thông qua. Chia sẻ với cổ đông, Quyền Tổng giám đốc Eximbank Nguyễn Hoàng Hải cho biết năm nay là năm thứ 35 của Eximbank hoạt động ở khu vực TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Trong 10 năm trở lại, số lượng khách hàng của Eximbank không tăng, trong khi các đơn vị xuất pháp điểm thấp hơn đều đã vượt qua ngân hàng.

"Eximbank là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam chứ không phải miền Nam hay TP.HCM nên chúng tôi mong muốn đưa thương hiệu ra toàn quốc," ông Hải nói.

Bên cạnh đó, Quyền Tổng giám đốc Eximbank cũng cho biết ban lãnh đạo ngân hàng mong muốn đưa Eximbank đi vào các lĩnh vực phát triển mạnh ở khu vực miền Bắc, ở các ngành như logistics, hạ tầng, điểm đến đối tác lớn trên thế giới, dịch vụ các khu công nghiệp.

Theo ông Hải, thị phần của Eximbank tại TP.HCM đã đến giai đoạn bão hòa, ngân hàng cần cố gắng duy trì và mở rộng ra miền Bắc. Ngoài chi nhánh, khách hàng, Eximbank còn muốn theo đuổi các định hướng, xu hướng lĩnh vực mới, mục tiêu thu hẹp khoảng cách, phấn đấu đuổi kịp các ngân hàng bạn ít nhất trong 3-5 năm, thay vì dừng lại ở con số 2,4 triệu khách hàng hiện có.

Quyền Tổng giám đốc Eximbank khẳng định việc dời hội sở ra Hà Nội là nhân đôi khả năng nắm bắt cơ hội ở miền Bắc.

"Chúng tôi không có quyết sách nào ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động. Trên thị trường xuất hiện nhiều thông tin lan truyền vô cớ. Việc này tạo ra tâm lý không tốt cho người lao động của Eximbank và gây thiệt hại cho ngân hàng," ông Hải nhấn mạnh.

Đồng thời, ông Hải cho biết Eximbank đã nhờ cơ quan có thẩm quyền xác định rõ những đối tượng gây ra thiệt hại để xử lý theo pháp luật; mong muốn cổ đông tin tưởng cơ quan quản lý trong việc xác định động cơ, mục tiêu gây thiệt hại đối với ngân hàng.​

Có thể bạn quan tâm