4 quốc gia đồng ý nối lại đường bay quốc tế với Việt Nam

4 quốc gia là Singapore, Campuchia, Nhật Bản và Đài Bắc (Trung Quốc) đồng ý với đề nghị của Việt Nam nối lại chuyến bay thương mại chở khách.

Ngày 28/12, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng đã báo cáo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về công tác triển khai chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách.

Cụ thể, ông Đinh Việt Thắng cho biết, ngay sau khi có hướng dẫn biện pháp chống dịch của Bộ Y tế, ngày 17/12, Cục Hàng không Việt Nam gửi văn bản chính thức tới nhà chức trách hàng không các quốc gia/vùng lãnh thổ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Bắc (Trung Quốc), Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Campuchia, Lào. Đây là các quốc gia/vùng lãnh thổ được Thủ tướng đồng ý nối lại chuyến bay thương mại chở khách và có hãng hàng không cả hai bên cùng khai thác giai đoạn trước dịch COVID-19.

"Đối với Hoa Kỳ, do chỉ có Vietnam Airlines đang khai thác và được nhà chức trách hàng không hai nước cấp phép khai thác thường lệ nên việc trao đổi là không cần thiết, hãng có thể triển khai ngay chuyến bay như kế hoạch", ông Thắng chia sẻ.

Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị tần suất chở khách vào Việt Nam 4 chuyến/tuần/chiều đối với mỗi bên; chiều từ Việt Nam theo quy định hiện tại. Thời gian dự kiến áp dụng từ 1/1/2022 và sẽ tiếp tục xem xét tùy thuộc tình hình kiểm soát dịch COVID-19.

Đến thời điểm hiện tại, ngoài Hoa Kỳ, đã có 4 nước đồng ý với đề nghị của Việt Nam gồm Nhật Bản, Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), Singapore, Campuchia.

Trong đó, Nhật Bản chỉ định Japan Airlines và All Nippons Airways khai thác. Theo đề nghị của các hãng, Cục Hàng không Việt Nam cấp phép bay cho Vietnam Airlines, Vietjet Air và All Nippons Airways. Chuyến bay đầu tiên của Vietnam Airlines là 5/1/2022, Vietjet Air và All Nippons Airways là 6/1.

Bên cạnh đó, Đài Bắc (Trung Quốc) cũng đồng ý nối lại chuyến bay nhưng đề nghị tăng tần suất cho mỗi bên lên tối thiểu 5 chuyến/tuần.

Về phía Hàn Quốc, Lào, Trung Quốc, đến nay, Cục Hàng không Việt Nam chưa nhận được ý kiến nào. Thái Lan có văn bản đề nghị hai bên trao đổi trực tuyến về các nội dung Việt Nam đưa ra. Cục Hàng không Việt Nam xác nhận tổ chức trao đổi với Thái Lan trong ngày 28/12.

Cũng theo Cục Hàng không Việt Nam, nhu cầu về nước của người Việt Nam ở nước ngoài còn rất lớn, ước tính là hơn 140 nghìn người. Nhằm đáp ứng nhu cầu hành khách, tránh các bức xúc có thể xảy ra do tải cung ứng chuyến bay thương mại thường lệ quá hạn chế, các hãng hàng không đều đánh giá cần bổ sung thêm tần suất đối với một số thị trường có dung lượng lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan để hành khách có thêm cơ hội lựa chọn các mức giá hợp lý hơn.

Trong thực tế, nhiều thị trường không khai thác hết lượng phân bổ như Hoa Kỳ, Campuchia, Lào. Việc sử dụng một phần lượng tải không sử dụng tại các thị trường này để dành cho các thị trường có nhu cầu thực sự của công dân cũng như đáp ứng đề xuất của đối tác là phù hợp.

Từ đây, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT cho phép triển khai thực hiện như đề nghị của Đài Bắc (Trung Quốc) là 5 chuyến/tuần (chuyến thứ 5 phân bổ cho Pacific Airlines); cho phép nới lỏng biên độ đàm phán với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Bắc (Trung Quốc) với tần suất mỗi thị trường không vượt quá 10 chuyến/tuần/chiều.

Xem thêm

Vietnam Airlines nối lại một số đường bay quốc tế

Vietnam Airlines nối lại một số đường bay quốc tế

Từ 7/2021 đến 10/2021, Vietnam Airlines sẽ mở lại các đường bay quốc tế tới một số điểm đến tại châu Á, châu Âu và Australia nhằm kịp thời phục vụ nhu cầu của hành khách, đặc biệt là người lao động, du học sinh mong muốn tiếp tục làm việc tại Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...