5 đề xuất của VNPT tại Industry 4.0 Summit 2023

Tham gia Diễn đàn cấp cao thường niên về Công nghiệp 4.0 năm 2030 (Industry 4.0 Summit 2023) do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, từ góc nhìn của doanh nghiệp, VNPT đã đưa ra 5 đề xuất về chính sách.

Theo đó, VNPT đề xuất các chính sách như: Ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ số Make in Việt Nam; chính sách kiểm soát chất lượng sản phẩm dịch vụ (SPDV) công nghệ số Make in Việt Nam; xúc tiến, thúc đẩy nhu cầu; thu hút vốn đầu tư FDI và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ số.

5 đề xuất của VNPT tại Industry 4.0 Summit 2023
Tổng giám đốc VNPT Huỳnh Quang Liêm phát biểu tại Phiên toàn thể của Industry 4.0 Summit 2023

Tại phiên toàn thể của Industry 4.0 Summit 2023 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT Huỳnh Quang Liêm đã chia sẻ về việc cần có các cơ chế, chính sách để nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của công nghiệp công nghệ số Việt Nam trong thời gian tới.

Theo Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT Huỳnh Quang Liêm, đối với góc nhìn của doanh nghiệp, trong định hướng và triển khai chuyển đổi số quốc gia, sự tham gia của doanh nghiệp Việt là rất quan trọng và phải được ưu tiên tối đa.

"Nếu Đảng, Chính phủ trao cơ hội cho doanh nghiệp để giải những bài toán lớn cấp Quốc gia, với hàng triệu người sử dụng, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp được trải nghiệm, phát triển nội lực thông qua giải quyết những bài toán đó. Những bài toán lớn về giáo dục, y tế, nông nghiệp, đất đai là những bài toán thách thức không những mang lại hiệu quả quốc gia mà còn giúp doanh nghiệp công nghệ số nâng cao, tích tụ năng lực tự chủ, tự cường về công nghệ" - ông Liêm nói.

Bà Phan Thị Thanh Ngọc, chuyên gia Tư vấn giải pháp của Tập đoàn VNPT cũng cho biết, quan điểm của Tập đoàn VNPT về phát triển công nghệ số nhanh và bền vững là cần có sự kết hợp giữa tự cường và hợp tác quốc tế, có sự kết hợp giữa Nhà nước mạnh và thị trường mạnh. Cùng với đó, doanh nghiệp công nghệ số phải là trung tâm, lấy chất lượng và thương hiệu Make in Việt Nam làm nền tảng, nhân lực tài năng là then chốt.

5 đề xuất của VNPT tại Industry 4.0 Summit 2023
Khu trình diễn của VNPT

Với quan điểm đó, bà Phan Thị Thanh Ngọc đề xuất, thứ nhất, cần có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ số Make in Việt Nam thông qua việc thu hút đầu tư vào các doanh nghiệp Make in Vietnam. Thứ hai, hỗ trợ, bảo vệ doanh nghiệp công nghệ Việt và cần có ưu đãi đặc thù cho doanh nghiệp công nghệ Việt như ưu đãi thuế TNDN, ưu đãi thuế nhập khẩu, ưu đãi vay vốn, ưu đãi trong đấu thầu...

Thứ ba, cần có chính sách kiểm soát chất lượng sản phẩm dịch vụ (SPDV) công nghệ số Make in Việt Nam thông qua việc ban hành tiêu chí thống nhất tiêu chuẩn cho các nền tảng chuyển đổi số quốc gia và chính sách ưu tiên sử dụng trong mua sắm.

Thứ tư, xây dựng, ban hành nguyên tắc, tiêu chí xác định các nền tảng số, SPDV công nghệ số Việt Nam cần hạn chế sở hữu nước ngoài.

Thứ năm, chính sách, quy định cho việc xây dựng, vận hành và duy trì cơ sở dữ liệu về chất lượng SPDV công nghệ số Make in Vietnam, trong đó cho phép kênh đánh giá trực tiếp của người dùng cuối.

Diễn đàn cấp cao thường niên về Công nghiệp 4.0 năm 2030 (Industry 4.0 Summit 2023) diễn ra với mục đích gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.”

Diễn đàn có chủ đề "Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhanh tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045."

Mục đích nhằm tạo diễn đàn rộng rãi cho các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương được báo cáo, trao đổi, thảo luận, đề xuất, kiến nghị những cơ chế, chính sách; xem xét việc triển khai thực hiện các Nghị quyết nêu trên thực sự có hiệu quả, đi vào cuộc sống, tạo kênh kết nối giữa các cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về kinh tế - xã hội với các cơ quan quản lý Nhà nước, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm