Số liệu từ Cục Chuyển đổi số quốc gia cho biết, tính đến tháng 6/2022, tỉ trọng kinh tế số trong GDP đã đạt 10,41%, tăng mạnh so với mức 9,6% tại cuối năm 2021. Tuy nhiên, Cục Chuyển đổi số cũng nhận định, con số trên vẫn còn rất khiêm tốn so với mục tiêu đề ra cho năm 2025 là kinh tế số chiếm 20% GDP.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), Chiến lược chuyển đổi số quốc gia đã được Bộ Chính trị phê duyệt, làm nền tảng cho các văn bản chính sách thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
“Nếu coi năm 2020 là năm khởi động về chuyển đổi số, 2021 là năm tổng diễn tập về chuyển đổi số, thì 2022 là năm tổng tiến công và tăng tốc về chuyển đối số, lấy người dân làm trung tâm”, ông Tiến nói.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, Chuyển đổi số là thời kỳ “cá nhanh thắng cá chậm”, doanh nghiệp nào có chiến lược chuyển đổi số bài bản, nhanh chóng, phù hợp sẽ giành ưu thế trên đường đua.
Ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc khối Nghiệp vụ doanh nghiệp và Tư vấn giải pháp tại FPT Digital cho biết, hiện có khoảng 38% doanh nghiệp trên thế giới đầu tư trọng điểm vào công nghệ để chiếm lĩnh thị trường; 30% doanh nghiệp hiện đại hóa công nghệ lõi và năng lực để đảm bảo vận hành thông suốt; 19% doanh nghiệp tái thiết kế việc kinh doanh xoanh quanh công nghệ và 10% doanh nghiệp bắt đầu chuyển đổi số với mục tiêu tiết giảm chi phí.
Hầu hết các doanh nghiệp đã có trang bị chữ ký số; trên 99% doanh nghiệp chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử; khoảng 60% doanh nghiệp đang sử dụng các phần mềm kế toán; khoảng 18% doanh nghiệp có sử dụng website/ứng dụng thương mại điện tử cho mục đích xuất nhập khẩu; hơn 40% doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chương trình chuyển đổi số SMEdx...
Tuy nhiên, ông Minh cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, một số doanh nghiệp lớn, tập đoàn, tổng công ty vẫn gặp khó khăn, thách thức trong việc xây dựng chiến lược chuyển đổi số phù hợp với chiến lược phát triển doanh nghiệp. Tổ chức thực hiện triển khai lộ trình chuyển đổi số chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng, thiếu sáng kiến số đột phá để dẫn dắt thị trường và hệ sinh thái.
Trong khi đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn trong việc hoạch định và triển khai lộ trình chuyển đổi số một cách tối ưu. Chi phí đầu tư cho hạ tầng công nghệ và nguồn lực thực hiện chuyển đổi số còn hạn chế; năng lực công nghệ chưa đủ để tiếp nhận và vận hành các sáng kiến số.
Còn chuyên gia chuyển đổi số Đào Trung Thành cho rằng, chuyển đối số là câu hỏi được đặt ra đối với nhiều doanh nghiệp nhưng không có một lời giải cụ thể nào, bởi mỗi doanh nghiệp có đặc trưng khác nhau.
Để đánh giá thực trạng chuyển đổi số, có thể kể tới bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của Bộ TT&TT. Một số doanh nghiệp lớn thực hiện rất tốt, tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) khó có thể tiếp cận, đánh giá theo bộ chỉ số này.
Về kết quả chuyển đổi số, ông Thành bày tỏ không lạc quan lắm về triển vọng chuyển đổi số của các doanh nghiệp. Ông Thành dẫn báo cáo của Cisco & IDC năm 2020 về mức độ trưởng thành số của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) tại 14 quốc gia thuộc khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Việt Nam vẫn đứng chót bảng về lãnh đạo số.
“Chuyển đổi số được nói rất nhiều nhưng có rất ít chuyển biến thực chất. Một báo cáo của McKinsey cho biết, có tới 70 – 80% doanh nghiệp chuyển đổi số thất bại”, ông Thành nói.
Còn Giám đốc khối Nghiệp vụ doanh nghiệp và Tư vấn giải pháp tại FPT Digital cho rằng, Chuyển đổi số không phải là đích đến mà là một hành trình dài theo cùng sự phát triển của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi số nhất định phải bắt đầu bằng cách làm đúng và có một lộ trình phù hợp.