9 mục tiêu của Luật Chứng khoán sửa đổi

Cùng với Luật Doanh nghiệp 2015 và các luật liên quan, Luật Chứng khoán sửa đổi được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp...
9 mục tiêu của Luật Chứng khoán sửa đổi

Hội thảo đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức cuối tuần trước đã nhận được nhiều sự quan tâm của nhiều cơ quan quản lý và thành viên thị trường.

Với nhiều nội dung sửa đổi quan trọng, thị trường kỳ vọng, Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung sắp tới sẽ tạo nên một cú huých, không chỉ nâng cao chất lượng hàng hóa, mà góp phần làm thị trường chứng khoán minh bạch hơn

Đã đến lúc phải sửa Luật

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Luật Chứng khoán được ban hành vào năm 2006. Sau 4 năm thực hiện, Chính phủ đã trình Quốc hội bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Chứng khoán năm 2006. Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo lập khung khổ pháp lý tương đối đầy đủ, đồng bộ điều chỉnh toàn diện hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Phát biểu tại hội thảo, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cho biết, việc ban hành Luật Chứng khoán (sửa đổi) trong giai đoạn hiện nay là cần thiết. Bởi thời gian gần đây, một số Bộ luật, Luật như Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thanh tra... đã được ban hành mới hoặc bổ sung, sửa đổi. Các Luật này có một số điểm liên quan đến việc thực thi Luật Chứng khoán như vấn đề sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, quy định về quản trị doanh nghiệp, thẩm quyền thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính...

Chính vì vậy việc sửa đổi Luật Chứng khoán sẽ khắc phục được những hạn chế của Luật Chứng khoán năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung năm 2010, nhằm phát triển thị trường chứng khoán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan.

Việc sửa đổi luật cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó có vấn đề tái cơ cấu thị trường tài chính, tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước, tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thuận lợi, minh bạch cho các doanh nghiệp.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã trao đổi, đánh giá, phân tích kết quả đạt được trong thực hiện Luật Chứng khoán, những bất cập, vướng mắc trong tổ chức thi hành Luật.

Đồng thời, các đề xuất về giải pháp sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán được tập trung vào 8 nhóm chính sách: hàng hóa trên thị trường chứng khoán; thị trường giao dịch chứng khoán; đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán; thu hút vốn đầu tư nước ngoài; quản trị công ty; tổ chức kinh doanh chứng khoán; công bố thông tin trên thị trường chứng khoán; hoàn thiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

9 mục tiêu của Luật Chứng khoán sửa đổi

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Ủy ban Chứng khoán thực hiện trong năm 2018 là triển khai xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi; hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) trình Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018), trình Quốc hội thông qua năm 2019.

Được kỳ vọng là thế hệ Luật Chứng khoán sửa đổi với nhiều sự cải cách, Luật Chứng khoán sửa đổi lần này hướng mạnh vào 9 mục tiêu.

Thứ nhất, chuẩn hóa điều kiện, trình tự, thủ tục phát hành/chào bán chứng khoán phù hợp với các loại chứng khoán; nâng cao chất lượng công ty đại chúng thông qua việc điều chỉnh tiêu chí công ty đại chúng, từ đó cải thiện chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán.

Thứ hai, xác định rõ mô hình tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của Sở giao dịch chứng khoán; quy định cụ thể các khu vực thị trường cổ phiếu, trái phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh.

Thứ ba, xác định rõ mô hình tổ chức, hoạt động của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam; bổ sung các quy định về thanh toán, bù trừ nhằm mở rộng các hoạt động nghiệp vụ; bổ sung quy định về quản trị rủi ro, cơ chế hỗ trợ thanh toán.

Thứ tư, xác định rõ tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thứ năm, rà soát điều kiện, trình tự thủ tục đối với nhà đầu tư nước ngoài theo hướng cải cách, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ.

Thứ sáu, chuẩn hóa quy định về quản trị công ty đối với công ty đại chúng, quản trị công ty đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nhằm nâng cao chất lượng các doanh nghiệp.

Thứ bảy, quy định lại việc cấp giấy phép thành lập và hoạt động đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, đảm bảo phù hợp với Luật Doanh nghiệp; xác định vai trò, trách nhiệm của công ty chứng khoán trong việc đảm bảo khách hàng của mình phải tuân thủ quy định pháp luật.

Thứ tám, chuẩn hóa nghĩa vụ công bố thông tin trên thị trường chứng khoán nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch của thị trường chứng khoán.

Thứ chín, xác định một số quyền hạn đảm bảo cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có đủ thẩm quyền trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát và cưỡng chế thực thi.

Trên thực tế, Luật Chứng khoán 2006 và Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung năm 2010 ra đời trong bối cảnh thị trường chứng khoán còn sơ khai, quy mô nhỏ. Bên cạnh những thành tích trong việc tạo hành lang pháp lý giúp thị trường chứng khoán vận hành và lớn mạnh trong thời gian qua, Luật Chứng khoán hiện hành cũng dần bộc lộ nhược điểm khi thị trường chứng khoán ngày một lớn.

Đó là các quy định về yêu cầu công bố thông tin, các hành vi thao túng, trục lợi, thẩm quyền điều tra, giám sát của cơ quan quản lý, cũng như thực tế áp dụng các quy định liên quan đến tỷ lệ sở hữu nước ngoài.

Theo Vneconomy.vn

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...