9 tháng đầu năm 2023, vận tải đường thủy tăng 20% so với cùng kỳ

Vận tải đường thủy 9 tháng năm 2023 tăng trưởng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2022, song thị trường này vẫn còn tồn tại một số hạn chế...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Vận tải đường thủy tăng trưởng mạnh
Vận tải đường thủy tăng trưởng mạnh

Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, vận tải đường thủy 9 tháng năm 2023 tăng trưởng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, vận tải hành khách đường thủy nội địa ước đạt 221,9 triệu lượt khách, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm 2022. Vận tải hàng hóa ước đạt 323,1 triệu tấn, tăng 25,7% so với cùng kỳ.

Cũng trong 9 tháng, các cơ quan chức năng đã cấp được 706 giấy phép, trong đó 168 giấy phép cho phương tiện chở dầu, 538 giấy phép cho phương tiện chở hàng khô/container.

Lý giải sự tăng trưởng trên, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho rằng, để có được kết quả này là do chi phí vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa có tính cạnh tranh cao.

Cùng với đó, đội phương tiện vận tải hiện nay có tốc độ tăng trưởng tốt, đang từng bước áp dụng công nghệ tiến tiến; nhất là đối với phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB, sau gần 10 hình thành tuyến vận tải ven bờ biển nay đã có đến trên 2.844 phương tiện.

Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng, hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến nâng cao thị phần vận tải đường thủy. Chi phí nhiên liệu hiện đang có dấu hiệu tăng trở lại, tuy chưa tăng cao như 8 tháng đầu năm 2022 nhưng cũng đã tăng cao hơn so với thời điểm năm 2019 (thời điểm trước đại dịch Covid-19) khoảng 4-6 nghìn đồng/lít dầu.

Thành phố Hải Phòng, TP.HCM đã miễn, giảm phí cơ sở hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa, container vận tải bằng đường thủy nội địa đến cảng. Tuy nhiên, phí này vẫn chưa phù hợp thực tế quản lý nhà nước giữa trung ương và địa phương về phạm vi, cự ly quản lý.

Để tạo thuận lợi cho vận tải đường thủy tiếp tục tăng trưởng tốt, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, sẽ hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới. Tiến hành khảo sát, đánh giá các hành lang vận tải thủy nội địa khu vực phía Nam. Cập nhật thường xuyên tình hình phát triển vận tải thủy nội địa để xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, người dân.

Trước đó, tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, ông Lê Minh Đạo cho biết, sắp tới Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, tổ chức giám sát công tác đào tạo thông qua camera, thiết bị định vị phương tiện thực hành. Qua đó, hoạt động đào tạo, thi, sát hạch cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ thuyền viên thủy nội địa được chấn chỉnh kịp thời.

Công tác quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Trong đó, thường xuyên tăng cường kiểm tra, nhắc nhở các phương tiện chấp hành các quy định về an toàn giao thông đường thủy nội địa.

Sắp xếp nơi neo đậu tàu, thuyền, đảm bảo hợp lý, an toàn cho phương tiện, không để xảy ra tình trạng vi phạm hành lang an toàn luồng chạy tàu, làm ảnh hưởng đến hoạt động giao thông khác trên đường thủy nội địa...

Cục cũng tập trung triển khai các nhiệm vụ, các chương trình công tác của Bộ Giao thông vận tải giao đảm bảo tiến độ. Công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản được thực hiện thường xuyên, liên tục đan xen trong quá trình xây dựng, biên soạn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tránh để xảy ra những văn bản có nội dung trái pháp luật.

Đối với những văn bản quy phạm pháp luật, Cục kiểm tra, rà soát chặt chẽ từ khâu soạn thảo, thẩm định trước khi trình cấp có thẩm quyền ký ban hành. Vì vậy, nâng cao được chất lượng văn bản quy phạm pháp luật.

Có thể bạn quan tâm