Theo thông báo của ACB, ngày giao dịch không hưởng quyền ngày 6/9 và ngày chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức là 7/9/2018.
Với tỷ lệ cổ tức 15% vốn điều lệ, cổ đông nắm giữ 10 cổ phiếu sẽ được nhận 1,5 cổ phiếu phát hành thêm (mệnh giá 10.000 đồng/CP). Như vậy, dự kiến sẽ phát hành thêm 162,67 triệu cổ phiếu để thực hiện trả cổ tức cho cổ đông bằng nguồn lợi nhuận giữ lại sau khi phân phối lợi nhuận năm 2017.
Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của ACB sẽ tăng từ 11.259 tỷ đồng hiện tại lên gần 12.886 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, ACB ghi nhận lợi nhuận sau thuế kỷ lục 2.462 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm 2017. Đến cuối tháng 6/2018, tổng tài sản của ACB đạt 309.968 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 11,7% đạt 219.589 tỷ đồng; huy động tiền gửi tăng 10,9% đạt 267.801 tỷ đồng. ACB đẩy mạnh cho vay trên liên ngân hàng, tăng 94% lượng tiền gửi tại và cho vay các TCTD khác.
Lợi nhuận cải thiện tích cực là nhờ ngân hàng gia tăng các khoản thu nhập, đồng thời đẩy mạnh xử lý thu nợ, giảm chi phí dự phòng rủi ro cho vay gần một nửa (chỉ còn 445 tỷ đồng).
Đáng chú ý, ngân hàng ghi nhận thu nhập từ hoạt động khác với hơn 700 tỷ đồng thu về trong 6 tháng đầu năm.
Đến cuối quý 2/2018, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của ACB đạt xấp xỉ 4.836 tỷ đồng, tương đương 43% vốn điều lệ ngân hàng.
Với thông tin tích cực về hoạt động tái cơ cấu và tăng trưởng kinh doanh lạc quan, giá cổ phiếu ACB trên sàn chứng khoán thời gian qua đã tăng rất mạnh, xác lập đỉnh 43.300 đồng/CP vào tháng 6 vừa qua. Tuy nhiên trong đợt điều chỉnh giảm sâu của nhóm cổ phiếu ngân hàng, ACB đã giảm rất mạnh xuống dưới mức 30.000 đồng/CP.
Chốt phiên giao dịch ngày 24/8, giá cổ phiếu ACB đóng cửa ở mức 38.800 đồng/CP, hồi phục gần 30% so với mức đáy ngắn hạn mới đây.
>> Ngân hàng ACB lãi ròng 2.462 tỷ đồng, tín dụng tăng gần 12%