Theo đó, Phan Vũ sẽ được thực hiện các giao dịch nhận chuyển nhượng 20,91 triệu cổ phiếu FCM, tương đương 51% cổ phần có quyền biểu quyết theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận mà không phải thực hiện chào mua công khai theo quy định.
Thời gian qua, cổ phiếu FCM đang giao dịch quanh vùng giá 8.300 đồng/cp, nếu tính theo thị giá hiện tại, Phan Vũ sẽ phải bỏ ra khoàng 173,5 tỷ đồng để sở hữu lượng cổ phiếu nói trên.
Trước đó, trong một khoảng thời gian dài cổ phiếu FCM giao dịch quanh mức giá hơn 6.000 đồng/cp. Tuy nhiên, ngay sau khi HĐQT Fecon Mining chấp thuận phương án mua cổ phần của Phan Vũ hồi tháng 8, FCM lập tức tăng trần 4 phiên liên tiếp nâng thị giá cổ phiếu từ mức 5.940 đồng/cp lên 7.760 đồng/cp, và tiếp tục tăng mạnh những phiên sau đó.
Được biết, Phan Vũ được thành lập năm 1997, có vốn điều lệ 290 tỷ và là công ty con của Asia Pile Holding, doanh nghiệp Nhật Bản chuyên cung cấp các giải pháp đóng cọc bê tông cho các quốc gia đang phát triển tại châu Á như Việt Nam hay Myanmar.
Năm 2015, Phan Vũ, Japan Pile và Công ty V.J.P của Myanmar đã cùng nhau thành lập Asia Pile Holding đặt trụ sở tại Tokyo – Nhật Bản và có cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán Tokyo.
Thực tế, giới đầu tư hoàn toàn có thể nhìn thấy được, thực chất của thương vụ này là Asia Pile Holding thông qua Phan Vũ thâu tóm FCM – doanh nghiệp bê tông lớn nhất miền Bắc cho thấy người Nhật đang sẵn sang đổ bộ công nghệ hạ tầng vào Việt nam
Trước đó, vào ngày 9/8, Phan Vũ và CTCP Fecon (mã: FCN ) - Công ty hiện đang chiếm cổ phần lớn tại Fecon Mining đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện, nhằm tạo nên một liên minh sản xuất và thi công nền móng công trình hàng đầu Việt Nam và vươn ra thị trường châu Á.
Đồng thời, Fecon sẽ chuyển nhượng 10,66 triệu cổ phiếu FCM cho Phan Vũ nhằm giảm tỷ lệ sở hữu tại Fecon Mining từ 36% xuống còn 10%. Như vậy không loại trừ khả năng số cổ phần FCM mà Phan Vũ được mua lần này có phần lớn lượng cổ phần của Fecon.