An ninh tài chính trên TTCK: Khung pháp lý chưa bao quát được thị trường

Dù có khá nhiều quy định luật pháp được ban hành để quản lý, nhưng thị trường chứng khoán tại Việt Nam còn khá phức tạp, cùng khung pháp lý chưa bao quát được mọi hoạt động nên vẫn xảy ra những tiêu cực.

Khung pháp lý khá đầy đủ!

Ở Việt Nam, việc đảm bảo an ninh tài chính (ANTC) trên thị trường chứng khoán (TTCK) được thực hiện thông qua các tiêu chí giám sát an toàn trên thị trường tài chính. Các tiêu chí giám sát thường tập trung vào việc giám sát ANTC của các định chế trên thị trường, được quy định tại Thông tư số 91/2020/TT-BTC quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính.

Trong đó, tiêu chí quan trọng nhất là đảm bảo tỷ lệ vốn khả dụng (so sánh giữa vốn khả dụng và tổng giá trị rủi ro). Định kỳ hàng tháng, các công ty chứng khoán (CTCK) phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) về tỷ lệ vốn khả dụng và báo cáo bất thường khi tỷ lệ vốn khả dụng thấp hơn một mức nhất định.

Nếu tỷ lệ vốn khả dụng xuống dưới 180%, tổ chức kinh doanh chứng khoán (TCKDCK) phải thực hiện chế độ báo cáo bất thường với UBCKNN với tần suất 1 tháng 2 lần (dữ liệu tại ngày 15 và 30 hàng tháng).

Khung pháp lý quản lý thị trường chứng khoán được đánh giá là khá đầy đủ
Khung pháp lý quản lý thị trường chứng khoán được đánh giá là khá đầy đủ

Nếu tỷ lệ vốn khả dụng xuống dưới 150%, TCKDCK phải báo cáo UBCKNN tần suất một tuần một lần. Còn nếu tỷ lệ vốn khả dụng giảm xuống dưới 120%, TCKDCK phải báo cáo UBCKNN tỷ lệ vốn khả dụng hàng ngày.

Đến nay, Chính phủ đã ban hành 5 nghị định và Bộ Tài chính đã có 15 thông tư quy định chi tiết thi hành và hướng dẫn thực hiện Luật Chứng khoán năm 2019. Nhờ vậy đã tạo khuôn khổ pháp lý tương đối đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ tốt của quốc tế, góp phần thúc đẩy thị trường phát triển an toàn, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn phát sinh và thông lệ quốc tế, bảo đảm nền tảng pháp lý cần thiết cho giai đoạn phát triển mới của TTCK nước ta. Đồng thời, thu hút vốn của nhà đầu tư trong và ngoài nước trên TTCK; nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của các chủ thể tham gia thị trường, tăng tính công khai, minh bạch, bảo đảm TTCK hoạt động bền vững, an toàn, chuyên nghiệp, hiện đại.

Trước những yêu cầu cấp bách trước những rủi ro của TTCK, đặc biệt là những gian lận trên thị trường trái phiếu thời gian vừa qua, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính phải tăng cường giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu lớn, phát hành không có tài sản bảo đảm, tình hình tài chính yếu.

Thực hiện giám sát chặt chẽ các giao dịch chứng khoán có dấu hiệu bất thường; kịp thời phối hợp với các sở giao dịch chứng khoán có đánh giá, phân tích, tiến hành kiểm tra đối với các giao dịch có dấu hiệu vi phạm quy định. Xem xét hồ sơ công ty đại chúng; hướng dẫn, nhắc nhở, yêu cầu các công ty niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK theo quy định... nhằm đảm bảo ANTC trên TTCK Việt Nam.

Vì sao vẫn xảy ra tiêu cực?

Tuy khung pháp lý để quản lý đã khá đầy đủ, song dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia tài chính do TTCK tại Việt Nam được xây dựng và phát triển trong bối cảnh các yếu tố thị trường còn sơ khai, tính chất hoạt động chứng khoán còn phức tạp, nhạy cảm. Trong khi TTCK là thị trường bậc cao, hoạt động theo nguyên tắc thị trường, nhưng không ít các hoạt động chứng khoán lại chưa tuân theo nguyên tắc thị trường do hiểu biết của các chủ thể tham gia thị trường còn nhiều hạn chế, ý thức tuân thủ pháp luật chung hay pháp luật chứng khoán còn thấp.

Do nhiều nguyên nhân nên thị trường chứng khoán vẫn xảy ra những tiêu cực
Do nhiều nguyên nhân nên thị trường chứng khoán vẫn xảy ra những tiêu cực

Tuy được đánh giá là đầy đủ, nhưng khung pháp lý cho TTCK vẫn chưa bao quát mọi hoạt động của thị trường, một số cơ chế chính sách chưa theo kịp diễn biến của các giao dịch, cung cầu về hàng hóa mất cân đối, ảnh hưởng đến tính thanh khoản của chứng khoán. Ngoài ra, hiện nay Việt Nam vẫn chưa có quy định pháp lý và văn bản hướng dẫn làm cơ sở hoặc tham chiếu cho việc tính khoản thiệt hại cho nhà đầu tư trong xác định dấu hiệu hình sự, hành chính của hành vi thao túng, nội gián hay các hành vi vi phạm khác.

Bên cạnh đó, quy mô TTCK ngày càng mở rộng, các đối tượng, chủ thể của vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán là những đối tượng có học thức, am hiểu và thậm chí là chuyên gia về lĩnh vực tài chính, chứng khoán, có quan hệ xã hội sâu rộng nên phương thức thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi và phức tạp, lợi dụng những kẽ hở trong ANTC để thực hiện hành vi. Một loạt tội phạm ẩn này gây thiệt hại lớn cho ngân sách, đồng thời gây khó dễ trong quá trình điều tra, xử lý vụ việc của các cơ quan chức năng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính - Tạ Anh Tuấn cho biết, thời gian tới Bộ sẽ rà soát lại các cơ chế chính sách liên quan để sửa đổi phù hợp với tình hình thực tiễn. Hướng tới lành mạnh, công khai, minh bạch thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư, cũng như thực hiện chủ trương chung của Chính phủ là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và giao dịch dân sự để đảm bảo thị trường chứng khoán hoạt động lành mạnh và kiểm soát chặt chẽ theo quy định của pháp luật.

Có thể bạn quan tâm