Thực thi các FTA thế hệ mới - Những vấn đề đặt ra với an ninh tài chính quốc gia

Có thể khẳng định Việt Nam là nước mở cửa nền kinh tế thuộc loại hàng đầu thế giới thông qua việc Chính phủ đã tham gia ký kết 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Việc kí kết và thực thi các FTA thế hệ mới đã và đang có những tác động đến vấn đề an ninh tài chính quốc gia.

Để có cái nhìn tổng quát hơn, Thương gia online sẽ giới thiệu loạt bài viết phân tích những tác động theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực của các FTA đối với an ninh tài chính quốc gia, đồng thời gợi mở những giải pháp thực thi.

Những tác động tích cực.....

Một điều không thể phủ nhận được là những năm qua với việc thực thi nhiều FTA thế hệ mới cùng với việc áp dụng nhiều biện pháp điều hành kinh tế vĩ mô hợp lý đã tạo nên cơ sở sở vững chắc việc đảm bảo an ninh tài chính đối ngoại nói riêng và an ninh tài chính quốc gia nói chung.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước đến đầu tháng 3/2022 lần đầu tiên Việt Nam đã có dự trữ ngoại tệ lớn nhất đạt gần 110 tỉ USD. Đạt được mức dự trữ ngoại tệ lớn như vậy có sự đóng góp tích cực của việc thực thi các FTA thế hệ mới.

Thực thi các FTA thế hệ mới có tác động rất tích cực đến vấn đề an ninh tài chính quốc gia
Thực thi các FTA thế hệ mới có tác động rất tích cực đến vấn đề an ninh tài chính quốc gia

Chia sẻ với Thương gia, PGS. TS Nguyễn Tiến Thuận cho rằng những tác động tích cực của việc thực thi các FTA thế hệ mới đến vấn đề an ninh tài chính quốc gia thời gian qua thể hiện qua việc thể chế quản lý tài chính tiếp tục được hoàn thiện đồng bộ trên nhiều phương diện, góp phần nâng cao hiệu quả huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực, đảm bảo an ninh, an toàn tài chính công. Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế (2016), Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (2016) đã được ban hành cùng các văn bản hướng dẫn thi hành các luật này. Những cải cách trong quản lý tài chính đã góp phần đảm bảo duy trì cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) theo mục tiêu đặt ra, góp phần tăng trưởng kinh tế ổn định, hỗ trợ nền kinh tế ứng phó thành công với những tác động bất lợi từ bên ngoài.

Cụ thể quy mô thu NSNN được cải thiện, tăng từ bình quân 23,6% GDP trong giai đoạn 2011-2015 lên 25,2% GDP trong giai đoạn 2016-2020, trong đó từ thuế, phí, lệ phí tăng từ 20,8% GDP lên 21,7% GDP. Thu ngân sách tăng cao, nhờ đó đã đảm bảo thực hiện đầy đủ nhu cầu chi ngân sách cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Chi NSNN được kiểm soát chặt chẽ theo đúng dự toán NSNN được giao; bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính - NSNN. Bội chi NSNN được quản lý chặt chẽ, giảm xuống còn trung bình 3,45% GDP trong giai đoạn 2016-2020, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra tại Nghị quyết số 25/2016/ QH13 nếu không có tác động của đại dịch Covid-19.

Vẫn theo PGS. TS Nguyễn Tiến Thuận, các cải cách trong hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 đã giúp huy động nguồn lực tài chính để thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội; cải thiện tính bền vững trong cơ cấu thu ngân sách, thể hiện ở sự giảm dần phụ thuộc vào các nguồn thu bên ngoài. Cơ cấu thu NSNN có sự chuyển dịch theo hướng bền vững hơn, tăng tỷ trọng nguồn thu nội địa, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn thu từ tài nguyên khoáng sản và thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu, góp phần đảm bảo an ninh NSNN.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia tiếp tục được đổi mới, đảm bảo hiệu quả, hiệu lực và an ninh tài chính. Nợ công giảm, cơ cấu nợ bền vững hơn, góp phần bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tỷ lệ nợ công so với GDP các năm qua đều giảm và giảm rất sâu
Tỷ lệ nợ công so với GDP các năm qua đều giảm và giảm rất sâu

Việc triển khai thực hiện Luật Quản lý nợ công góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện kiểm tra, kiểm soát của toàn xã hội đối với việc vay, trả nợ, qua đó, góp phần đảm bảo an ninh nợ công. Tỷ lệ nợ công so với GDP các năm qua đều giảm và giảm rất sâu, từ mức 63,7% GDP (2016) xuống còn 55,3% GDP trong năm 2020, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu “không quá 65% GDP” đặt ra cho giai đoạn 2016-2020. Dư nợ nước ngoài quốc gia đạt 47,3%; dư nợ Chính phủ đạt 49,1% GDP trong năm 2020.

Thị trường chứng khoán (TTCK) phát triển ổn định hơn. Các quy định về đảm bảo an toàn tài chính đối với TTCK dần được hoàn thiện, góp phần nâng cao năng lực giám sát an toàn tài chính của các định chế trên thị trường, đơn cử như Thông tư số 87/2017/TT-BTC ngày 15/8/2020 của Bộ Tài chính quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính.

Đặc biệt, với sự ra đời của Luật Chứng khoán năm 2019 sẽ bảo đảm thúc đẩy thị trường phát triển an toàn, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn phát sinh và thông lệ quốc tế. Quy mô huy động vốn qua TTCK trong giai đoạn 2011-2020 đạt trên 2,4 triệu tỷ đồng, gấp 8 lần so với giai đoạn 2000-2010, đóng góp bình quân 20% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đưa TTCK trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 84,1% GDP vào cuối năm 2020, tăng gấp 6 lần so với năm 2010, cao hơn mục tiêu (70% GDP) đặt ra cho năm 2020.

Một vấn đề rất quan trọng được PGS. TS Nguyễn Tiến Thuận nhấn mạnh là an ninh tài chính của các doanh nghiệp trên thị trường bảo hiểm được đảm bảo với các quy định riêng cho từng loại nghiệp vụ như nhân thọ và phi nhân thọ.

Trong đó, các quy định về trích lập dự phòng nghiệp vụ, quy định khống chế mức đầu tư vào các tài sản để đảm bảo phân tán rủi ro, quy định về tỷ lệ biên khả năng thanh toán tối thiểu đã được đưa ra nhằm đảm bảo khả năng thanh toán của các doanh nghiệp bảo hiểm. Hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm đã xây dựng đầy đủ các quy trình nghiệp vụ theo quy định của pháp luật, tăng cường chuẩn hoá các khâu trong hoạt động kinh doanh, đảm bảo các quy định pháp luật về công bố thông tin và công khai, minh bạch.

Xem thêm

Thành lập nhóm tư vấn trong nước theo quy định trong EVFTA

Thành lập nhóm tư vấn trong nước theo quy định trong EVFTA

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Quyết định số 1972/QĐ-BCT thành lập Nhóm tư vấn trong nước (Domestic Advisory Group - DAG) Việt Nam theo quy định tại Điều 13.15 Chương Thương mại và Phát triển bền vững trong EVFTA.

Có thể bạn quan tâm