Áp lực lạm phát lớn năm 2022?

Theo nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ, áp lực lạm phát là rất lớn trong năm 2022 khi Việt Nam thực hiện các gói hỗ trợ nền kinh tế có quy mô lớn, cùng với chi phí đẩy tăng cao.

Tại cuộc họp tổng kết công tác điều hành giá năm 2021 và định hướng 2022 được tổ chức vào cuối tuần qua, Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá về mức lạm phát năm 2021 và dự báo về lạm phát năm 2022 trường hợp gói hỗ trợ nền kinh tế được Quốc hội thông qua. 

Nhà nước kiểm soát tốt

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành giá cho biết, việc lạm phát năm 2021 chỉ ở mức 1,9% so với mục tiêu 4% là dấu ấn trong công tác điều hành của Chính phủ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng mạnh tới kinh tế - xã hội trong nước.

Ngân hàng Nhà nước nhận định, áp lực lạm phát năm 2022 là rất lớn. (Ảnh: Int)
Ngân hàng Nhà nước nhận định, áp lực lạm phát năm 2022 là rất lớn. (Ảnh: Int)

Thực tế, trong năm 2021, để giữ được kinh tế vĩ mô ổn định và hỗ trợ người dân - doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19, Chính phủ liên tục linh hoạt thực hiện kết hợp chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu, giảm giá một số hàng hóa dịch vụ quan trọng thiết yếu như điện, dịch vụ chứng khoán, sách giáo khoa. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành, nhằm thực hiện chính sách mở rộng tiền tệ, kích thích nền kinh tế, qua đó đẩy lượng cung tiền lớn vào nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, dù rất nhiều chính sách hỗ trợ được “bơm” vào nền kinh tế nhưng nhờ việc kiểm soát nguồn cung tiền hợp lý đã hỗ trợ được sản xuất kinh doanh, góp phần kiềm chế được lạm phát.

Nhận định yếu tố giúp cho lạm phát năm nay ở mức thấp, TS. Cấn Văn Lực cho rằng có 4 yếu tố cơ bản đó là sức cầu trong nền kinh tế còn yếu, điển hình như số liệu bán lẻ 11 tháng đầu năm giảm 8,7%, trong khi đó thời điểm cuối năm nhu cầu mua sắm tăng cao thông thường chỉ số này ở những năm trước tăng ở mức 10-12%.

Thứ 2 là vòng quay tiền chậm lại. Theo TS. Cấn Văn Lực, hiện nay vòng quay tiền là 0,65 lần, so với thời kỳ bình thường là khoảng 1 lần, còn thời kỳ cao điểm là khoảng 2 lần.

Yếu tố thứ 3 là doanh nghiệp đang chịu chi phí đầu vào cao, nhưng giá bán ra lại không tăng tương ứng do sức mua yếu nên doanh nghiệp chấp nhận biên lợi nhuận giảm. Cuối cùng là nhà nước kiểm soát những mặt hàng bình ổn, năm nay gần như không có mặt hàng nào tăng giá, kể cả tăng lương cơ bản cũng phải hoãn lại.

Nhiều công cụ kiểm soát lạm phát

Theo nhận định của các chuyên gia, rủi ro lạm phát tại Việt Nam trong năm 2022 cao hơn so với năm nay do các gói kích cầu bật trở lại, đồng thời do chi phí đẩy, nghĩa là Việt Nam vẫn phải nhập khẩu lạm phát bên ngoài vì hiện nay nhiều quốc gia đang đối mặt với nguy cơ lạm phát tăng cao kỷ lục, mặt bằng giá cả trên thế giới đang leo thang do đứt gãy chuỗi cung ứng, cước vận tải tăng cao, khan hiếm nguyên liệu…

Gần đây, Bộ Kế hoạch - Đầu tư trình Chính phủ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch Covid-19, với quy mô 800.000 tỷ đồng, khoảng 10% GDP (gần 35 tỷ USD), gấp 3,5 lần gói hỗ trợ năm 2021 của Chính phủ.

Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Hồ Đức Phớc đang tính đến phương án có thể huy động 180.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu Chính phủ, công trái bằng ngoại tệ để hỗ trợ nền kinh tế. Dự báo của các chuyên gia, những yếu tố này sẽ tác động không nhỏ tới mặt bằng giá cả trong nước năm 2022.

Trước đó, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV liên quan đến lĩnh vực ngân hàng Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho rằng, áp lực lạm phát năm 2022 là rất lớn, chính vì thế điều hành chính sách tiền tệ trong năm tới sẽ rất khó khăn.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, kể cả khi các gói kích thích kinh tế này được “tung” ra cùng thời điểm thì cũng không đáng quá lo sẽ tác động làm cho lạm phát tăng quá 4%.

Ông Lực nhận định, lạm phát năm 2022 chỉ ở mức 3,4 -3,7%. Do các gói hỗ trợ năm 2021 còn rất nhỏ, chiếm khoảng 3% GDP, nên dư địa để triển khai các gói hỗ trợ lớn trong năm 2022 còn rất nhiều. Kể cả quy mô tăng trưởng tín dụng so với GDP cũng vẫn còn.

Đồng tình, ông Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả, Bộ Tài chính cho rằng, Việt Nam có công cụ kiểm soát lạm phát rất hiệu quả đó là ngoài kết hợp giữa chính sách tiền tệ và tài khoá, chúng ta còn chính sách chủ động kiểm soát giá các mặt hàng cơ bản như giá điện, giá nước, dịch vụ ngân hàng... thông qua đó kiểm soát lạm phát.

Còn một số doanh nghiệp cho hay, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ có các giải pháp kiểm soát lạm phát và giá nguyên liệu đầu vào. Qua đó sẽ tạo ra sự phát triển bền vững để tăng xuất khẩu và tăng thêm nguồn cung ra thị trường để giảm bớt tăng giá cả của hàng hóa.

Nhiều kịch bản điều hành giá năm 2022 đã được Nhóm giúp việc xây dựng, thảo luận tại cuộc họp, trong đó có cả kịch bản lạm phát thấp và kịch bản lạm phát cao trong điều kiện nhiều yếu tố bất lợi ảnh hưởng tới công tác quản lý, điều hành giá.

“Nhóm giúp việc sẽ tính toán kỹ lưỡng để báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá phương án điều hành giá trong năm 2022”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

Có thể bạn quan tâm