Tuy nhiên, trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, một vị lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng tỏ ra lo ngại về sự hiểu nhầm của nhiều người.
Vị lãnh đạo này cho biết, nội dung thông tin trên được đưa ra trong buổi làm việc của UBND thành phố Đà Nẵng về tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 6 tháng đầu năm của thành phố và trung tâm của ông đã báo cáo lại việc đón tiếp các đoàn doanh nghiệp trong và ngoài nước đến Đà Nẵng tìm cơ hội đầu tư trong 6 tháng đầu năm, trong đó có Apple.
Tuy nhiên theo vị này, đề xuất trên của Apple với Đà Nẵng đã diễn ra khoảng 4-5 tháng trước đây, cùng với thời điểm tập đoàn công nghệ này đến một số địa phương khác như Hà Nội, TPHCM,... để khảo sát tìm cơ hội đầu tư, chứ không phải là thông tin mới.
"Thế nhưng các báo đưa thông tin giống như Apple vừa mới đến Đà Nẵng và đã quyết định chọn Đà Nẵng để đầu tư dự án nói trên", vị lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng nói, và lưu ý rằng từ đó đến nay Apple vẫn chưa có hồi âm hay khẳng định nào sau khi làm việc với địa phương.
Là một tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới chắc chắn Apple sẽ được các địa phương săn đón, mời gọi. Nhưng với đặc thù là một tập đoàn về công nghệ cao, không riêng Apple mà bất cứ một doanh nghiệp công nghệ khác, khi quyết định chọn địa điểm đầu tư thì họ sẽ tìm đến những địa phương có khả năng đáp ứng tốt nhất về nguồn nhân lực để phục vụ cho dự án của mình, chứ không hẳn là sẽ ưu tiên cho địa phương có ưu đãi nhất.
Do đó, ngay khi thông tin bị rò rỉ, một số thông tin tiết lộ, nhiều khả năng dự án của Apple sẽ đặt tại Hà Nội. Nhưng khi đó, mọi chuyện cũng chỉ dừng lại ở việc giới thiệu địa điểm cũng như hướng dẫn nhà đầu tư về các thủ tục cần thiết.
Trước đó, một số nguồn tin khác lại cho rằng TPHCM và Bình Dương cũng đang trong tầm ngắm của Apple và có cơ hội thu hút Apple không kém so với Hà Nội. Và đến nay, việc thương hiệu "trái táo khuyết" chọn địa phương nào vẫn còn nằm trong vòng bí mật và đây cũng là nguyên tắc của các công ty đa quốc gia khi luôn yêu cầu các địa phương phải giữ bí mật thông tin trong quá trình họ tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Tuy nhiên, có một điều khẳng định là Apple ngày càng quan tâm đến Việt Nam như một thị trường tiềm năng trong việc phát triển các sản phẩm công nghệ của mình. Điều này được chứng minh bằng việc cuối tháng 10 năm ngoái Apple đã thành lập một công ty con tại Việt Nam, lấy tên là Apple Vietnam LLC cho một dự án thương mại.
Theo đó, giấy phép kinh doanh của Apple Việt Nam do TPHCM cấp cho ông Gene Daniel Levoff. Được biết, ông Gene Daniel Levoff là Phó chủ tịch phụ trách về luật và giám đốc điều hành của tập đoàn (Vice President of Corporate Law and Director). Theo đăng ký với cơ quan thuế, Apple Việt Nam có trụ sở tại quận 1, TPHCM.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn