Ông Nguyễn Đình Cung: Vẫn có sự khác biệt trong tư duy và quan niệm về kinh tế thị trường

Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung Ương đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề phát triển kịnh tế tư nhân của Việt Nam.
Ông Nguyễn Đình Cung: Vẫn có sự khác biệt trong tư duy và quan niệm về kinh tế thị trường

Thưa ông, nền kinh tế thị trường mà Việt Nam đang hướng đến có thể được hình dung như thế nào?

Trước hết, đó phải là nền kinh tế thị trường hiện đại và toàn cầu hóa. Đó là kinh tế thị trường đang diễn ra tại các nước thành viên OECD.

Nhưng đang còn khoảng chênh lệch rất lớn về trình độ phát triển của thị trường của nền kinh tế Việt Nam so với nền kinh tế của các quốc gia nói trên?

Vấn đề chính là vẫn có sự khác biệt trước hết về tư duy và quan niệm.

Ở Việt Nam, nhiều khi chúng ta vẫn chưa tin vào thị trường và cạnh tranh thị trường. Ở các nền kinh tế như OECD, họ tin thị trường là thể chế hữu hiệu nhất trong huy động và phân bổ nguồn lực. Họ tin thị trường là trung tâm của thể chế kinh tế. Nhà nước và các tổ chức xã hội là các trụ cột vừa bổ sung, vừa khắc phục các khiếm khuyết của thị trường để làm cho thị trường vận hành tốt hơn, hoàn hảo hơn.

Ở các nền kinh tế thị trường khác, nhà nước và thị trường được coi như hai bàn tay của con người, vô hình và hữu hình, cùng hoạt động và bổ sung cho nhau, tạo thành sức mạnh.

Ở Việt Nam, nhiều khi Nhà nước đứng trên thị trường, điều khiển thị trường. Nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, một cơ chế do bộ máy nhà nước thiết lập, chứ không phải là thị trường như một thể chế khách quan. Khác biệt cơ bản này là nguyên nhân tạo nên hàng loạt khác biệt khác và cũng là nguyên nhân cơ bản tạo nên hàng loạt yếu kém về thể chế ngăn cản hoặc làm chậm tiến trình cải cách kinh tế đang được thúc đẩy ở Việt Nam.

Vậy theo ông, điều cần phải làm hiện tại là gì để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam?

Bản chất của các hạn chế, yếu kém về thể chế lại nằm ở phía Nhà nước. Chức năng cơ bản nhất của Nhà nước là thiết lập thể chế hỗ trợ và bảo đảm thị trường các loại vận hành một các đầy đủ nhất có thể, Nhưng thực tế chưa được như vậy. Trong nhiều trường hợp, sự can thiệp hành chính của Nhà nước khiến thị trường méo mó.

So với các nền kinh thế thị trường hiện đại, Nhà nước trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam khác không chỉ về quy mô, phạm vi, cơ cấu tổ chức nhà nước và các cơ quan nhà nước, mà cả về tư duy, cách thức, công cụ, năng lực và thái độ của đội ngũ công chức trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước nói chung và của cán bộ, công chức nói riêng.

Có thể nói, cải cách 30 năm qua ở Việt Nam mới chủ yếu tập trung vào giảm và thu hẹp vai trò và chức năng của Nhà nước, mà chưa tập trung đổi mới cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước; chưa thay đổi cơ bản tư duy về kinh tế thị trường, về vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường.

Về cách thức quản lý, công cụ và mệnh lệnh hành chính vẫn được sử dụng phổ biến; chế độ “làm việc tập thể” kéo dài từ hệ thống cũ, khiến cho bộ máy, các quy trình ra quyết định và việc điều hành, thực thi các quyết định của nhà nước rất khó cải thiện được tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Nhà nước pháp quyền chưa hình thành đầy đủ; chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động, tính độc lập cũng như cơ chế phân công, phối hợp và giám sát lẫn nhau giữa 3 bộ phận của hệ thống quyền lực (lập pháp, hành pháp, tư pháp) chưa thật minh bạch, hợp lý, gây trở ngại cho cả ba trong phát huy vai trò đích thực của mình.

Năng lực bộ máy đã tỏ ra không còn phù hợp với trình độ phát triển cao hơn của thị trường, dẫn đến hoạt động kém hiệu lực và hiệu quả. Vì vậy, cần những cải cách đột phá, nhất là cải cách thể chế.

Theo ông, có điểm giống và khác nhau nào khi nói về cải cách thể chế thời điểm này và 30 năm trước?

Điểm tương đồng cơ bản là nội hàm của đổi mới vẫn là chuyển mạnh mẽ và chuyển dứt khoát sang kinh tế thị trường.

Tuy vậy, trong đổi mới cách đây 30 năm, Nhà nước thu hẹp phạm vi, vai trò và chức năng của mình, tạo dư địa cho thị trường và khu vực tư nhân tồn tại và hoạt động. Nhưng lần này, dư địa đó đã hết. Đổi mới lần này là phải nâng cấp trình độ phát triển thị trường của nền kinh tế, làm cho thị trường các loại, nhất là thị trường các yếu tố sản xuất được phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, đảm bảo cạnh tranh thị trường công bằng và có trật tự; khắc phục các hạn chế hay thất bại của thị trường.

Nội dung đổi mới lần này vừa tiếp tục thu hẹp phạm vi, vừa đổi mới vai trò, chức năng, cơ cấu tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực của bộ máy nhà nước nói chung và từng nhánh của bộ máy nhà nước nói riêng.

Có thể nói, đổi mới lần này khó khăn hơn bội phần so với đổi mới  cách đây 30 năm, nhưng đổi mới, nhất là đổi mới thể chế có tính đột phá một cách thực chất đã trở thành mệnh lệnh, không thể không làm.

Theo Khánh An/Baodautu.vn

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...