Bộ TN&MT đề nghị UBND cấp tỉnh căn cứ khung giá đất để xây dựng dự thảo bảng giá đất, xử lý giá đất tại khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng quy định tại Nghị định 44/2014/NĐ-CP và trình HĐND cùng cấp thông qua trước khi ban hành.
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 96/2019/NĐ-CP quy định về khung giá đất có hiệu lực thi hành từ ngày 19/12/2019. Đây là khung giá đất được sử dụng làm căn cứ để UBND cấp tỉnh xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất tại địa phương.
UBND cấp tỉnh căn cứ vào thực tế tại địa phương được quy định mức giá đất tối đa trong bảng giá đất, bảng giá đất điều chỉnh cao hơn không quá 20% so với mức giá tối đa của cùng loại đất trong khung giá đất.
UBND cấp tỉnh căn cứ vào thực tế tại địa phương được quy định mức giá tối đa trong bảng giá đất, bảng giá đất điều chỉnh theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 11 Nghị định 44/2014/NĐ-CP so với mức giá tối đa của cùng loại đất trong khung giá đất sau khi điều chỉnh theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định 96/2019/NĐ-CP.
Mới đây, HoREA cũng đã kiến nghị nên sớm ban hành khung giá đất giai đoạn này nhằm giúp các địa phương chủ động hơn trong việc tính toán giá đất. Để tránh tác động đến thị trường, nếu giá đất cho giai đoạn mới tăng lên thì không nên vượt quá 15%.
Theo HoREA, về mức giá của “khung giá đất giai đoạn 2020-2024” cần đánh giá tác động đối với tài chính của cá nhân, hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp. Theo đó, nếu khung giá đất tăng cao sẽ kéo theo bảng giá đất tăng làm cho biên độ nghĩa vụ tài chính cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp… tăng lên.
Còn đánh giá tác động đối với thị trường bất động sản, HoREA cho rằng khung giá đất, bảng giá đất tăng sẽ tác động nhiều đến giá cả thị trường.