Hiện nay, tình trạng phải trả tiền “chênh” khi mua nhà ở xã hội đang diễn ra rất nhiều. Có những căn hộ số tiền này chỉ từ vài chục triệu đồng, đến hàng trăm triệu đồng.
GIÁ CHÊNH DO PHÍ DỊCH VỤ
Mới đây, bà Nguyễn Huyền đã phản ánh lên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ về việc người dân đủ điều kiện mua nhà ở xã hội tại thành phố Hải Phòng đều không thể mua được với giá trị thật như thông báo công khai. Theo đó, người dân đều phải mua qua các đại lý bất động sản do chủ đầu tư chỉ định và phải chi trả thêm một số tiền “chênh” 100-300 triệu đồng tùy vị trí.
Tiếp nhận thông tin, Sở Xây dựng thành phố Hải Phòng cho biết, Sở có nhận được phản ánh việc người dân khó tiếp cận mua nhà ở xã hội hoặc muốn mua được căn hộ như ý phải trả một khoản tiền “chênh” thông qua môi giới thường gọi là “cò mua bán” với mức chênh lên tới vài chục hoặc vài trăm triệu đồng.
Sau khi làm việc với UBND các quận và một số người dân phản ánh, cho thấy khoản chênh lệch này không phải là phí môi giới mà là chi phí cho các dịch vụ: Hợp đồng dịch vụ tư vấn tại các sàn giao dịch bất động sản từ 50 - 120 triệu/căn hộ, có thể còn cao hơn (tùy vị trí, diện tích); hợp đồng thi công nội thất khoảng 50 triệu đồng/căn hộ (bao gồm: tủ bếp 2 tầng, thiết bị bếp, đèn led âm trần, trần thạch cao); hợp đồng lắp ống đồng điều hòa khoảng từ 7 - 15 triệu/căn hộ (tùy theo diện tích).
Đối với thỏa thuận tư vấn dịch vụ giữa đơn vị tư vấn và người mua là thỏa thuận dân sự, cơ quan nhà nước không can thiệp đối với nội dung này. Tuy nhiên, qua quá trình kiểm tra hợp đồng tư vấn, Sở Xây dựng đánh giá, với chi phí lên đến trên 100 triệu đồng/hợp đồng, các nội dung tư vấn rất đơn giản đã có đầy đủ trong các văn bản pháp luật cũng như các hướng dẫn của Sở Xây dựng. Do vậy, sơ bộ đánh giá, có khả năng giá dịch vụ tư vấn là cao, không tương ứng với khối lượng dịch vụ tư vấn.
Đối với thỏa thuận thi công nội thất, giá trị khoảng 50 triệu đồng gồm các hạng mục tủ bếp 2 tầng, thiết bị bếp, đá bếp, đèn led âm trần, trần thạch cao căn hộ khoảng gần 70 m2. Trong hợp đồng mua bán nhà ở chưa bao gồm các hạng mục nêu trên. Nên giá trị nêu trên phù hợp với giá cả chung của thị trường.
Còn thỏa thuận thi công đường dây điều hòa giá trị khoảng từ 7 - 15 triệu đồng; trong hợp đồng mua bán nhà ở chưa bao gồm hạng mục này. Qua tìm hiểu một số trường hợp có đơn đề nghị chủ đầu tư thi công đường ống điều hòa trong quá trình thi công tường, trần để tránh phát sinh chi phí. Do vậy việc người mua đăng ký và chủ động ký các hợp đồng sửa chữa bổ sung thiết bị trước khi hoàn thiện để tránh phải đập phá, thi công lại là việc diễn ra thông thường tại hầu hết các dự án chung cư trên toàn quốc
THÀNH LẬP TỔ CÔNG TÁC
Vừa qua, Sở Xây dựng thành phố Hải Phòng đã có các văn bản gửi chủ đầu tư kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng giao dịch tại dự án. Đồng thời, thành lập tổ công tác phối hợp với UBND quận kiểm tra việc công bố giá, giao dịch, kinh doanh tại các dự án đã có giá nhà ở xã hội.
Có các văn bản gửi UBND các quận, huyện tăng cường theo dõi, giám sát có hiệu quả tình hình thị trường mua, bán nhà ở xã hội tại địa phương để kịp thời có biện pháp, giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn tình trạng tung tin đồn thổi, đầu cơ thổi giá bất động sản lên cao để trục lợi.
Cùng với đó, đơn vị này đã phối hợp với các cơ quan truyền thông để tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn bằng nhiều hình thức để người dân nắm được các thủ tục pháp lý về mua bán nhà ở xã hội hình thành trong tương lai, giá bán nhà ở xã hội, đối tượng đã đăng ký mua nhà ở xã hội được công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Sở Xây dựng.
Sở cũng ban hành Sổ tay hướng dẫn về nhà ở xã hội để người dân dễ dàng tiếp cận, nắm bắt các thông tin về trình tự, thủ tục, điều kiện mua nhà ở xã hội.
Trong thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát năng lực của các tổ chức tư vấn, môi giới bất động sản theo quy định pháp luật cũng như kiểm tra chi tiết các hoạt động tư vấn môi giới đang thực hiện.
Đối với chủ đầu tư, yêu cầu công khai, minh bạch đầy đủ các thông tin liên quan đến dự án; thực hiện các giao dịch theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Chủ động ngăn chặn các thông tin sai lệch ảnh hưởng đến dự án và thông tin kịp thời cho các cơ quan quản lý nhà nước. Thực hiện chế độ báo cáo tình hình triển khai thực hiện dự án và tình hình giao dịch tại dự án theo quy định.
Sở Xây dựng cũng đề nghị người dân mua nhà nghiên cứu, tìm hiểu thông tin dự án và liên hệ để được giới thiệu, hướng dẫn qua những kênh chính thức (thông tin từ chủ đầu tư, thông tin từ chính quyền địa phương, thông tin tại website của Sở Xây dựng); không tìm hiểu, liên hệ với các kênh thông tin không rõ nguồn gốc, nhằm hạn chế tình trạng “lôi kéo”, “cò mồi”, “đẩy giá”...
Khi đã đủ điều kiện và được chủ đầu tư thông báo việc ký Hợp đồng mua bán, cần nghiên cứu, kiểm tra nội dung trước khi ký (lưu ý các thỏa thuận: về giá cả, trang thiết bị khi bàn giao nhà...).
Nếu thấy có nội dung bất thường hoặc chi phí phát sinh phải trao đổi trực tiếp với chủ đầu tư để được giải thích hướng dẫn. Nếu chưa đồng thuận có thể dừng việc ký hợp đồng và phản ánh kịp thời các nội dung không đúng quy định pháp luật đến các cơ quan quản lý (phường, quận, Sở Xây dựng...) để được hướng dẫn, xem xét giải quyết.
NHÀ TỪ 860 TRIỆU PHẢI MUA LÊN ĐẾN 1,1 TỶ ĐỒNG
Về tình trạng bán giá chênh nhà ở xã hội tại Hải Phòng, như Thương gia đã đưa tin trước đó, tại dự án nhà ở xã hội Tổng kho 3 Lạc Viên (Harbor Residence Hải Phòng) được Sở Xây dựng phê duyệt mức giá 17,5 triệu đồng/m2. Tuỳ vào diện tích từng căn hộ sẽ có mức giá khác nhau từ 860 – 950 triệu đồng.
Song nhiều đơn vị đang rao bán các căn hộ của Harbor Residence Hải Phòng với mức “giá chênh” từ 60 – 265 triệu đồng. Nói một cách dễ hiểu, giá trị của căn hộ khi đến tay người dân bằng mức giá của Sở Xây dựng phê duyệt cộng với mức giá chênh.
Đơn cử, một căn hộ tại tầng 14 của toà CT3A có diện tích 50,64m2 gồm 2 phòng ngủ đang được môi giới rao bán với mức giá 1,110 tỷ đồng. Trong khi giá phê duyệt chỉ 860 triệu đồng, như vậy, khách hàng sẽ phải bỏ gần 250 triệu đồng nữa thì mới sở hữu được căn nhà ở xã hội này.
Người môi giới này cũng cho biết thêm, hiện nay, phần lớn các căn hộ tại CT3A và CT3B đã bán hết, chỉ còn lại số lượng ít ỏi. “Nếu khách hàng muốn mua tại các toà nhà chưa mở bán khác tại dự án, thì có thể đặt cọc số tiền 20 triệu đồng, để được giữ chỗ. Nếu sau này, chủ đầu tư ra hàng, khách hàng không muốn mua căn hộ tại dự án nữa cũng sẽ được hoàn tại 100% tiền cọc”, môi giới khẳng định.
Vị môi giới này còn tiết lộ thêm, các hợp đồng đặt cọc sẽ được làm việc trực tiếp với chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Thái Holding và có dấu đỏ của phía chủ đầu tư.
Liên hệ với một môi giới khác, họ cũng đưa ra mức giá chênh tương tự, tuy nhiên, người này cho biết, mức giá khách hàng phải bỏ thêm là chi phí dịch vụ khi mua bán căn hộ tại Harbor Residence Hải Phòng.
“Những căn hộ ở tầng trung, sẽ có chi phí dịch vụ này cao hơn, còn các căn tầng thấp và tầng cao có chi phí thấp hơn một chút. Và giá trị này còn phụ thuộc và view của căn hộ”, người môi giới chia sẻ.
Được biết, dự án nhà ở xã hội Tổng kho 3 Lạc Viên do Công ty Cổ phần Thái Holding làm chủ đầu tư, với mô 16,91 ha, tọa lạc tại phường Máy Chai và phường Cầu Tre, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng.
Trong đó, khu nhà ở xã hội được xây dựng trên diện tích 5,4 ha, cung cấp 10 block nhà chung cư cao 15 tầng ,khoảng 4.456 căn hộ; khu nhà ở thương mại (1,3 ha) quy mô khoảng 163 căn hộ, cao 7 tầng.
Dự án cũng bao gồm các hạng mục hạ tầng kỹ thuật khác như đường giao thông, cấp nước, vườn hoa cây xanh… Tổng mức đầu tư dự kiến là 4.865 tỷ đồng, trong đó 4.379 tỷ đồng là chi phí đầu tư xây dựng công trình và 485,4 tỷ đồng chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.