Cụ thể, về kết quả kinh doanh trong năm 2022, công ty MIC ghi nhận tổng doanh thu đạt 5.638 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu bảo hiểm gốc đạt 5.204 tỷ đồng, tăng từ 3.932 tỷ đồng, tương ứng tăng 32% so với cùng kỳ, vẫn đứng top 5 về thị phần.
Tốc độ tăng trưởng của MIC được đánh giá tăng nhanh gấp 2 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của toàn ngành bảo hiểm Phi nhân thọ. Lợi nhuận trước thuế đạt 200 tỷ đồng. Kết thúc năm tài chính, tổng tài sản công ty MIC là 8.545 tỷ đồng, tăng hơn 30%.
Tính đến hết quý 1/2023, công ty MIC đã ghi nhận doanh thu bảo hiểm gốc đạt 1.217 tỷ đồng trong đó doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 937 tỷ đồng, tăng trưởng 14% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế 88,5 tỷ đồng.
Theo đó, năm 2023, công ty MIC đặt mục tiêu lọt vào Top 4 thị trường bảo hiểm phi nhân thọ với doanh thu bảo hiểm tăng trưởng khoảng 17% so với năm trước, lợi nhuận tăng trưởng 75% đạt 350 tỷ đồng. Đây là một kế hoạch tương đối thách thức khi năm 2023 được đánh giá là một năm khó khăn của nền kinh tế nói chung và ngành bảo hiểm nói riêng.
Tại đại hội, Hội đồng quản trị đã trình tới các cổ đông về phương án tìm kiếm đối tác chiến lược với tỷ lệ sở hữu từ 25% cổ phiếu có quyền biểu quyết trở lên. Theo ban lãnh đạo công ty, đây là xu hướng phát triển tất yếu trong nền kinh tế mở. Nếu có nhà đầu tư chiến lược, công ty MIC sẽ được hưởng lợi giá trị cộng hưởng, nâng cao hiệu quả nhờ quy mô hoạt động, thu hút vốn nâng cao năng lực tài chính, tăng thị phần...
Ban lãnh đạo cho biết, tiêu chuẩn lựa chuẩn nhà đầu tư được đưa ra là nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước có uy tín, đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường tài chính, có kinh nghiệm phát triển bán lẻ, kênh bán...
Thêm vào đó, nhà đầu tư phải có cam kết hợp tác với công ty ít nhất ba năm và có khả năng hỗ trợ công ty về mặt quản trị; hoạch định chiến lược, tài chính; có năng lực xây dựng triển khai sản phẩm đa dạng; hệ thống thông tin hiện đại.
Chia sẻ tại đại hội, ông Uông Đông Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị MIC cho biết vào tháng 3/2023, quỹ ngoại PYN Elite Fund, quỹ đầu tư đến từ Phần Lan, chính thức trở thành cổ đông lớn của MIC. Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty MIC là 15,09% trong đó PYN Elite Fund chiếm 6,13%.
Một nội dung đáng chú ý khác, đại hội cũng đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 1.644 tỷ đồng lên 2.014 tỷ đồng, tương đương với việc phát hành thêm gần 37 triệu cổ phiếu.
Ba phương án phát hành được MIC đưa ra là: phát hành 8,2 triệu cổ phiếu để trả cổ tức; phát hành 25,9 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 15% và phát hành 2,8 triệu cổ phiếu theo chương trình người lao động được lựa chọn - ESOP.
Đối với cổ phiếu được chào bán cho cổ đông hiện hữu, công ty MIC cho biết do tính chất ưu tiên của đối tượng phân phối, đồng thời căn cứ vào tình hình thị trường chứng khoán nhu cầu sử dụng vốn, giá trị số sách của cổ phiếu cũng như trên cơ sở phân tích mức độ pha loãng giá, giá chào bán được xác định bằng 10.000 đồng/cổ phiếu. Nếu cả 3 phương án trên thành công, công ty dự kiến thu về được số tiền là 259 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/17, giá cổ phiếu MIG ghi nhận ở mức 17.100 đồng/cổ phiếu. Theo đó, vốn hóa trên thị trường vào khoảng 2.812 tỷ đồng.