“Bão” tăng giá đè nặng lên cuộc sống người dân TP.HCM

Ngay sau khi giá xăng tăng lên mức kỷ lục xấp xỉ 30.000 đồng/lít từ ngày 11/5 là mức tăng cao nhất trong 8 năm trở lại đây thì giá nhiều nhóm hàng thiết yếu ở TPHCM - đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm tươi sống phải vận chuyển trong ngày đã tăng mạnh, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân.

Nhiều tiểu thương kinh doanh thủy hải sản ở những chợ lớn tại TP.HCM như chợ Bà Chiểu, chợ Phạm Văn Hai, chợ Gò Vấp, chợ Rạch Ông… cho biết giá các loại cá, tôm, mực… trung bình đều tăng ít nhất từ 10.000 - 20.000 đồng/kg. Chưa kể các loại thủy hải sản đắt tiền như cá kèo trước giá sỉ 170.000 - 180.000 đồng/kg, giờ bán lẻ 400.000 đồng/kg; Cá bớp nguyên con giá sỉ trước 190.000 - 200.000 đồng/kg, giờ giá bán lẻ nguyên con 250.000 đồng/kg; Giá cá thu 220.000 đồng/kg cắt lát, nguyên con 190.000 đồng/kg; Giá bán lẻ mực ống 260.000 đồng/kg, tôm sú từ 230.000 - 270.000 đồng/kg….

Bên cạnh đó, những tiểu thương kinh doanh rau củ quả cho biết hơn một tuần nay giá mặt hàng nào cũng tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Các loại rau phổ biến như mồng tơi, cải ngồng, cải thìa… trước đây giá bán lẻ 20.000 - 25.000 đồng/kg, giờ lên tới 30.000 - 35.000/kg. Giá khổ qua, cà chua, đậu que, bầu, bí… tăng ít hơn, khoảng 5.000 đồng/kg. Hiện, giá bán lẻ cà chua từ 40.000 - 60.000 đồng/kg, đậu que 35.000 - 40.000 đồng/kg, khổ qua 25.000 - 30.000 đồng/kg; bầu, bí 25.000 đồng/kg…

Mặt hàng tạp hóa thiết yếu cũng không ngoại lệ. Khoảng vài tháng qua, chỉ có dầu ăn, nước mắm tăng giá mạnh nhất. Tuy nhiên, hiện hầu như tất cả mặt hàng tạp hóa đều đã tăng giá. Rất nhiều tiểu thương tại chợ An Đông cho biết, các mặt hàng đều đã tăng từ 1.000 - 20.000 đồng/sản phẩm.

Cách đây khoảng một tháng chỉ có nước mắm Chinsu, Liên Thành, Nam Ngư tăng giá, giờ thì có thêm thương hiệu Hưng Thịnh, Hồng Hạnh cũng đã thông báo tăng giá thêm 2.000 - 3.000 đồng/chai. Cà phê pha phin của Trung Nguyên cũng tăng thêm 6.000 đồng/kg.

Những thương hiệu dầu ăn Simply, Cooking Oil, Neptune, Cái Lân, Happi Koki đều tăng giá chung một thời điểm. Từ đầu năm 2022 đến nay, dầu ăn đã có 3 - 4 lần điều chỉnh giá, tổng cộng mức tăng từ 15.000 - 20.000 đồng/lít. Đầu tháng Tư, giá dầu ăn Simply từ 62.000 đồng/lít tăng lên 64.000 đồng/lít, giờ là 70.000 đồng/lít; dầu Cái Lân từ 45.000 đồng/lít tăng lên 48.000 đồng/lít và nay là 50.000 đồng/lít.

Bên cạnh đó, các loại bột cũng đã bắt đầu khan hiếm và tăng giá. Như giá bột mì, bột năng tăng từ 12.000 đồng lên 14.000 đồng/gói 400g (gần 5.000 đồng/kg). Một số sản phẩm làm từ bột mì như mì sợi (làm từ bột và trứng) tăng từ 45.000 đồng/kg lên giá 60.000 đồng/kg, mì gói thông thường tăng 9.000 đồng/thùng.

Hiện giá đường tinh luyện Biên Hòa đã tăng trở lại mức giống dịp tết là 28.000 đồng/kg, đường cát trắng là 20.000 đồng/kg. Sản phẩm bột ngọt Ajinomoto, Vedan cũng mới tăng từ 28.000 đồng lên 30.000 đồng/gói 450g (tăng 4.000 đồng/kg).

Giá xăng tăng cao đã tác động đến tâm lý chung của người dân, đặc biệt là ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình. Nhiều gia đình đã phải tính đến phương án cân đối tài chính, cắt giảm chi tiêu hàng ngày dẫn đến việc nhiều tiểu thương không dám nhập hàng số lượng lớn vì kinh doanh chậm, ế ẩm.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện tài chính cho rằng việc tăng giá xăng dầu trong kỳ điều chỉnh ngày 11/5 là điều đương nhiên vì giá xăng dầu thế giới đã tăng rất mạnh trong chu kỳ 10 ngày qua. Hệ quả tất yếu là mặt bằng giá mới sẽ xuất hiện, xu hướng tăng giá của tất cả các mặt hàng sẽ đè nặng lên cuộc sống của người dân. Các biện pháp kìm chế lạm phát dù có được thực thi tốt thế nào cũng không thể tránh khỏi làn sóng tăng giá này.

Trước những ý kiến lo ngại giá xăng dầu tăng sẽ xảy ra tình trạng "té nước theo mưa" của một số loại hàng hóa, TS Thịnh cho rằng, cần thực hiện tốt một số biện pháp. Cục Quản lý thị trường của Bộ Công thương và Cục Giá của Bộ Tài chính phải theo dõi sát sao giá thành sản xuất cũng như tác động của giá xăng dầu đến giá cả các mặt hàng trong nền kinh tế quốc dân để đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Được biết, Sở Tài chính TP.HCM đã công bố giá bán các mặt hàng thiết yếu tham gia chương trình bình ổn thị trường năm 2022 và Tết Quý Mão năm 2023 trên địa bàn thành phố áp dụng từ ngày 2/4.

Đợt này, Sở Tài chính TP.HCM điều chỉnh giá một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu như thịt gia cầm, trứng. Trong đó, giá thịt gia cầm được điều chỉnh tăng từ 7-14% so với năm 2021. Cụ thể, sau khi điều chỉnh tăng giá, thịt gà ta giá là 90.000 đồng/kg, thịt gà tam hoàng giá 67.000 đồng/kg, gà công nghiệp 45.000 đồng/kg và thịt vịt giá 58.000 đồng/kg.

Trứng gia cầm được điều chỉnh tăng giá 6-7%, trứng gà với giá tăng lên là 29.500 đồng/chục, giá cũ 28.000 đồng/chục, trứng vịt 35.000 đồng/chục, giá cũ 33.000 đồng/chục. Ngoài các mặt hàng trên, hầu hết các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác như: sữa, đồ khô, văn phòng phẩm... giá vẫn giữ nguyên.

Theo Sở Tài chính TP.HCM, việc điều chỉnh giá lần này dựa trên đề xuất của doanh nghiệp do biến động giá đầu vào và tiêu chí của chương trình bình ổn thị trường. Tuy nhiên, giá bán các sản phẩm phải thấp hơn thị trường tại thời điểm đăng ký giá ít nhất từ 5-10%. Tùy từng thời điểm, Sở có thể xem xét điều chỉnh giá đảm bảo phù hợp, hài hòa lợi ích người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm