Bất chấp xu hướng giảm, người dân vẫn có cách để hưởng lãi suất huy động trên 8%/năm tại các ngân hàng này

Theo ghi nhận mới đây, mức lãi suất cao nhất trong tháng 1/2024 đang được các ngân hàng niêm yết lên tới 10%/năm. Tuy nhiên để được hưởng mức lãi suất hấp dẫn này, khách hàng cần đáp ứng một số điều kiện về kỳ hạn và hạn mức tiền gửi mà ngân hàng đưa ra…

Bất chấp xu hướng giảm, nhiều ngân hàng vẫn huy động mức lãi suất “đặc biệt” trên 8%/năm trong tháng 1/2024

Bước sang tháng đầu tiên năm 2024, khung lãi suất huy động được ghi nhận có sự thay đổi ở hầu hết các ngân hàng thương mại, chủ yếu theo xu hướng giảm lãi suất.

Tuy nhiên, một số ngân hàng thương mại vẫn duy trì mức lãi suất tiết kiệm từ 8%/năm trở lên dành cho những khách hàng có khoản tiền gửi đáp ứng được điều kiện về kỳ hạn dài cũng như số tiền gửi tối thiểu hàng trăm tỷ đồng.

Theo kết quả khảo sát, PVcomBank là ngân hàng duy nhất triển khai mức lãi suất 10%/năm trong tháng 1 này. Dù vậy, để được hưởng mức lãi suất trên, khách hàng phải đáp ứng một số điều kiện như số tiền gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng, gửi tại quầy, kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng, nhận lãi cuối kỳ.

Trong khi đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12 và 13 tháng tại quầy dành cho khách hàng có khoản tiền gửi dưới 2.000 tỷ đồng được PVcomBank triển khai lần lượt ở mức 4,8%/năm và 5%/năm.

Theo sau là ngân hàng Techcombank với mức lãi suất cao nhất là 9,5%/năm, áp dụng với khoản tiền gửi từ 999 tỷ đồng trở lên tại kỳ hạn 12 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ. Ngoài ra, ngân hàng cũng yêu cầu khách hàng cam kết không được tất toán trước hạn.

Còn các khoản tiền gửi dưới 999 tỷ đồng tại kỳ hạn 12 tháng sẽ được Techcombank huy động mức lãi suất 4,7%/năm.

Tại ngân hàng HDBank, khách hàng sở hữu các khoản tiết kiệm tối thiểu từ 300 tỷ đồng trở lên tại kỳ hạn 13 tháng sẽ được hưởng lãi loại 1 là 8,4%/năm. Tương tự, tại kỳ hạn 12 tháng, khách hàng tham gia gửi tiền tiết kiệm được HDBank áp dụng mức lãi suất loại 1 là 8%/năm, được quy định cho các khoản tiền gửi từ 300 tỷ đồng trở lên.

Đối với số tiền tiết kiệm dưới 300 tỷ đồng cùng kỳ hạn như trên, mức lãi suất mà HDBank áp dụng trong tháng này chỉ từ 5,5 - 5,7%/năm.

Thấp hơn một chút là mức lãi suất huy động 8% ghi nhận được tại ngân hàng MSB, áp dụng cho các khoản tiền gửi tại quầy từ 500 tỷ đồng trở lên, thời hạn 13 tháng. Với số tiền gửi dưới 500 tỷ đồng, mức lãi suất được ấn định chỉ là 4%/năm.

Hiện nay, mặc dù lãi suất huy động liên tục giảm về mức thấp kỷ lục nhưng điều này không làm cho dòng tiền dịch chuyển mạnh ra khỏi hệ thống ngân hàng để chảy qua các kênh đầu tư khác như bất động sản và chứng khoán.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, lượng tiền gửi vào ngân hàng của người dân và doanh nghiệp cuối năm 2023 đạt mức cao nhất từ trước tới nay với hơn 13,5 triệu tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2022.

Như vậy, trong năm 2023, tiền gửi của của cư dân và các tổ chức kinh tế đã tăng thêm 1,68 triệu tỷ đồng, mức tăng cao nhất trong hàng chục năm trở lại đây, riêng quý 4/2023 tăng trên 800.000 tỷ đồng. Nếu so với năm 2022, lượng tiền gửi tăng thêm trong năm 2023 cao gần gấp đôi.

Nhìn chung, lãi suất huy động đã về mức thấp hơn giai đoạn dịch Covid-19, nhưng theo giới chuyên môn mức thấp kỷ lục này vẫn có thể bị phá vỡ. Chia sẻ với báo chí trong dịp gần đây, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối chứng khoán của Dragon Capital nhận định: “Chúng tôi vẫn tin sẽ có 1 đợt hạ lãi suất trong vòng 4 - 5 tháng tới”.

Đồng thời, các chuyên gia phân tích Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, lãi suất thấp hiện nay phần nhiều do nhu cầu vốn của nền kinh tế còn yếu, khiến các ngân hàng không có nhiều áp lực trong huy động. Kết quả là các ngân hàng tránh được tình trạng cạnh tranh lãi suất tiền gửi, vốn thường thấy trong những giai đoạn nền kinh tế sôi động vào các năm trước.

Có thể bạn quan tâm