Bầu Hiển hé lộ khối tài sản “đất vàng”

Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển cho biết, ngân hàng đang xin Thủ tướng chấp thuận cho tăng chiều cao công trình xây dựng tại khu đất “vàng” Hàng Bài lên 13-15 tầng. Chưa hết, SHB có thể thu lợi từ hàng chụ
Bầu Hiển hé lộ khối tài sản “đất vàng”

Tại ĐHCĐ thường niên ngày 21/4, ban lãnh đạo Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) báo cáo cổ đông kết quả kinh doanh năm 2015, cụ thể: tổng tài sản đạt 204.764 tỷ đồng (tăng 21,1% so với đầu năm), vốn điều lệ tăng từ 8.865 tỷ đồng lên 9.485 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 131.427 tỷ đồng (tăng 26%), huy động vốn đạt 185.648 tỷ đồng (tăng 19,4%).

Lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 1.017 tỷ đồng và 795 tỷ đồng. Dù lãi lớn nhưng HĐQT xin cổ đông chấp thuận chia cổ tức 7,5% bằng cổ phiếu để có nguồn tăng vốn điều lệ, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh…

Sở hữu nhiều đất vàng

Một thông tin đáng chú ý được ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch HĐQT ngân hàng SHB tiết lộ là, nhà băng này đã sở hữu hàng chục ha đất vàng rộng lớn, giá trị đắt đỏ và khi thực hiện tái cơ cấu sẽ đem lại hiệu quả cao hơn. Nhất là khu đất “vàng” có 3 mặt tiền ở phố Lý Thường Kiệt – Hàng Bài – Vọng Đức, rộng hơn 2.200m2. Dù chưa có định giá chính xác, nhưng theo giá thị trường, một doanh nghiệp đã từng chi bồi thường lên tới 1 tỷ đồng cho mỗi m2 tại phố Hàng Bài.

Ước tính, khu đất của Bầu Hiển có giá trị hơn 2.000 tỷ đồng. Được biết, SHB có chủ trương xây dựng trụ sở mới hoàng tráng hơn tại khu đất này. Theo ông Hiển, UBND TP.Hà Nội đã trình Thủ tướng về quy hoạch của khu đất tại Lý Thường Kiệt của SHB vì quy định hiện hành chỉ cho phép xây công trình cao tối đa 9 tầng. SHB đang cố gắng xin tăng chiều cao lên 13-15 tầng để khai thác hiệu quả hơn.

“Nếu Thủ tướng Chính phủ duyệt cho xây lên 13-15 tầng thì đây sẽ làm trung tâm tài chính ngân hàng, trụ sở mới, góp phần nâng cao vị thế, thương hiệu cho SHB và là tài sản giá trị”- Ông Hiển nhấn mạnh. Chưa hết, trước lo lắng về việc SHB đầu tư vào CLB Bóng Đá SHB Đà Nẵng, ông Hiển bất ngờ tiết lộ “khoản đầu tư này thực sự đang rất hiệu quả”.

Dẫn chứng cho “hiệu quả” đầu tư là khối tài sản đất vàng hàng chục ha tại trung tâm TP Đà nẵng mà CLB bóng đá đang quản lý, khai thác. Cụ thể, hơn 5ha đất ở chân cầu Tiên Sơn, 14ha đất ở Liên Chiểu, và SHB cũng dự định xây thêm trụ sở ở đường Nguyễn Văn Linh… Đây là những tài sản giá trị, là “tiền tươi thóc thật” mà SHB có thể thu về khi đầu tư vào bóng đá.

Tỷ lệ an toàn vốn 11,4%

Tại ĐHCĐ, lãnh đạo SHB cũng giải đáp nhiều băn khoăn, chất vấn của cổ đông về kế hoạch tăng vốn, chia cổ tức bằng cổ phiếu, sáp nhập công ty tài chính Vinaconex – Viettel, tái cấu trúc công ty chứng khoán SHBS… Năm 2015, SHB sẽ chia cổ tức là 7,5% bằng cổ phiếu, tương ứng 711 tỷ đồng cùng với cuộc sáp nhận VVF, SHB sẽ tăng vốn điều lệ lên 11.197 tỷ đồng. Một số cổ đông lo lắng giá cổ phiếu SHB giảm quá thấp, nhận cổ tức bằng cổ phiếu sẽ thiệt thòi nên đề nghị năm 2016, sẽ chia bằng tiền mặt…

Chủ tịch Đỗ Quang Hiển chia sẻ, cổ đông cần nhìn dài hạn, việc nhận cổ phiếu sẽ giúp SHB có thêm nguồn lực, tạo nền tảng phát triển bền vững. Trước diễn biến giá cổ phiếu SHB giảm sâu, ông Hiển cũng lấy làm “tiếc” khi không thể mua thêm, và hi vọng cổ đông hiểu, đánh giá đúng giá trị thực của ngân hàng để gắn bó lâu dài. Vì giá cổ phiếu SHB sẽ  tăng trong các năm tới.

Câu chuyện thoái vốn khỏi chứng khoán cũng hâm “nóng” ĐHCĐ. SHB dự kiến sẽ thoái hết vốn khỏi công ty chứng khoán ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHBS) hoặc bán, sáp nhập SHBS vào công ty chứng khoán khác. Được biết, SHBS vốn thuộc sở hữu của Habubank (đã sáp nhập vào SHB năm 2012) có vốn điều lệ rất nhỏ 150 tỷ đồng. Theo lãnh đạo SHB, công ty này có vốn quá nhỏ nên khó cạnh tranh, mở rộng hoạt động kinh doanh… nên phải tái cấu trúc theo các hình thức sáp nhập, giải thể, thoái vốn…

Một phương án khác được đồn đoán là sáp nhập SHBS vào SHS – công ty chứng khoán Sài Gòn- Hà Nội. Ông Đỗ Quang Hiển cho biết “việc sáp nhập đang được HĐQT cân nhắc và lựa chọn cách tốt nhất”.

Liên quan đến việc sáp nhập với VVF, lãnh đạo SHB cho biết, đây là công ty tài chính có tình hình tài chính lành mạnh, nợ xấu còn rất thấp do đã được tái cấu trúc “dọn dẹp” trước khi về với SHB. Cuộc sáp nhập này là bước đà giúp SHB đẩy mạnh mảng kinh doanh bán lẻ - tiêu dùng. Ngay trong năm 2016, SHB chỉ đặt mục tiêu khiêm tốn là công ty tài chính này có lãi hơn 30 tỷ đồng, song các năm tới sẽ đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của SHB.

Một cổ đông chất vấn về ảnh hưởng thực thi Thông tư 36 của NHNN đến chỉ số an toàn vốn của SHB? Tỷ lệ dùng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là bao nhiêu?

Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lê cho hay, hệ số an toàn vốn CAR hiện tại của SHB là 11,4%, cao hơn mức quy định tối thiếu 9%. Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn là 32,4%, nếu điều chỉnh theo Thông tư 36 thì tỷ lệ này vẫn đảm bảo quy định. Đáng chú ý, dư nợ cho vay bất động sản đến cuối năm 2015 là 9.315 tỷ đồng, chiếm 7,1% tổng dư nợ, nên điều chỉnh Thông tư 36 không ảnh hưởng nhiều đến SHB.

Theo Thu Hằng/TBKD

Có thể bạn quan tâm