Tổng giám đốc MSB: Khách hàng chân chính tham gia dịch vụ tiền gửi luôn được đảm bảo quyền lợi

Theo đại diện MSB, việc tổn thất hoặc mất tiền trong giao dịch ngân hàng là không hề đơn giản nếu hoạt động gửi tiền được thực hiện đầy đủ quy trình...

Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của ngân hàng MSB
Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của ngân hàng MSB

Sáng 23/4, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam (mã chứng khoán: MSB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.

Tại đại hội, thông tin được nhiều cổ đông quan tâm đó là sức ảnh hưởng của lùm xùm liên quan đến hoạt động gửi tiền của khách hàng thời gian vừa qua.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB khẳng định, khách hàng chân chính tham gia dịch vụ tiền gửi luôn được đảm bảo quyền lợi. Về vụ việc trên, ngân hàng đã chủ động phát hiện và đưa ra cơ quan công an để làm rõ sự việc.

"MSB luôn tôn trọng quyền phán quyết của cơ quan chức năng để đảm bảo quyền lợi khách hàng nếu là khách hàng tốt, chân chính trong hoạt động giao dịch với ngân hàng", ông Linh nói.

Cũng theo ông Linh, việc tổn thất hoặc mất tiền trong giao dịch ngân hàng là không hề đơn giản nếu hoạt động gửi tiền được thực hiện đầy đủ quy trình, đầy đủ thông tin mở tài khoản như số điện thoại, email, kích hoạt các hệ thống giám sát thông tin …

Trong quan hệ khách hàng, chưa bao giờ có những dịch vụ đặt ngoài những thông tin đã công bố công khai, minh bạch ở quầy giao dịch hay các phương tiện truyền thông. Dịch vụ lạ, bất ngờ thì không thuộc MSB. Khách hàng MSB thông minh nên sự việc xảy ra thì số dư tiền gửi vẫn ổn định không bị ảnh hưởng do sự cố truyền thông.

Đặc biệt, ông Linh cho biết, tất cả các ngân hàng, trong đó bao gồm cả MSB đều có khoản trích lập dự phòng rủi ro hàng năm. Thực tế, năm ngoái ngân hàng đã trích ra hơn 2.000 tỷ đồng. Do đó, nếu thực sự xảy ra rủi ro thì cũng không ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng.

"Khách hàng của MSB đều là khách hàng thông minh và có khả năng đánh giá thông tin. Theo thống kê sơ bộ, số dư tiền gửi của ngân hàng vào tháng 1/2024 là trên 58.000 tỷ đồng, tháng 2/2024 là 60.000 tỷ đồng và gần đây nhất là 62.000 tỷ đồng. Các số liệu cho thấy, vụ việc gần đây không ảnh hưởng đến hoạt động của MSB”, ông Linh chia sẻ.

Về kết quả kinh doanh, đại diện MSB cho hay, trong quý 1/2024, ngân hàng vẫn duy trì tăng trưởng đáng khả quan. Tổng tài sản đạt 280.000 tỷ đồng, tăng trưởng trên 4%. Tăng trưởng tín dụng trên 5%, cho vay khách hàng đạt 158.000 tỷ đồng, tăng 4,7%, tiền gửi đạt 138.000 tỷ đồng, tăng 4,1%. Lợi nhuận trước thuế ở mức 1.500 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ.

Cũng trong quý 1/2024, hoạt động ngoại hối đạt gần 600 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. CAR (tỷ lệ an toàn vốn) đảm bảo trên 12%, CIR (tỷ lệ tối ưu chi phí) giảm còn 33%.

Với bước đà như trên, MSB đặt mục tiêu năm 2024 với tổng tài sản đạt 280.000 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2023; vốn huy động tại thị trường 1 và trái phiếu huy động vốn đạt 178.900 tỷ đồng, tăng 27% so với năm trước. Tăng trưởng tín dụng được ngân hàng kỳ vọng ở mức 18%. Lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng 17% so với năm 2023, đạt 6.800 tỷ đồng. Song song với mục tiêu về tăng trưởng, MSB cũng bám sát việc kiểm soát tốt nợ xấu dưới 3%.

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, vị thế về vốn điều lệ đồng thời đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vốn ở mức tốt, MSB trình Đại hội đồng cổ đông phương án tăng vốn điều lệ lên 26.000 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 30% từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối.

Như vậy, số lượng cổ phiếu tối đa của ngân hàng phát hành thêm là 600 triệu, kế hoạch và thời gian triển khai, cụ thể sẽ xin ý kiến cổ đông giao MSB thực hiện, tùy theo diễn biến thị trường và tình hình kinh doanh của MSB.

Đại diện MSB chia sẻ thêm: “Bên cạnh nâng cao bộ đệm rủi ro, việc tăng vốn còn tạo thêm nguồn lực thúc đẩy mạnh hơn tiến trình số hóa cũng như các dự án phục vụ chiến lược phát triển bền vững trong hành trình xanh hóa ngân hàng”.

Sau khi nghe đại diện MSB giải đáp các câu hỏi liên quan đến phương hướng hoạt động kinh doanh trong năm 2024, tất cả các tờ trình của ngân hàng đều được thông qua với tỷ lệ nhất trí cao.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Những tác động tiêu cực đến tăng trưởng tín dụng và lãi suất có thể khiến tỷ lệ nợ xấu trong ngân hàng gia tăng. Các ngành hướng tới xuất khẩu và chuỗi cung ứng dự báo sẽ gặp khó khăn do sự thay đổi trong nhu cầu thị trường và áp lực tỷ giá, từ đó gây sức ép lên chất lượng tài sản của ngân hàng...

 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo, giải trình những vấn đề có liên quan được nêu tại phiên chất vấn

Tiếp tục xử lý loạt ngân hàng 0 đồng

Thời gian qua, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã đạt hiệu quả cao, tạo động lực tăng trưởng của nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng…

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

“Việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng để bình ổn thị trường vừa qua được nhân dân ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, người dân băn khoăn là tại sao chỉ bán mà không mua. Dân muốn bán thì bán ở đâu?”, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề...