Bệnh viện Phúc An Khang bỏ hoang được chuyển thành chung cư cao cấp

Từ công trình chung cư được chuyển đổi công năng thành bệnh viện. Tuy nhiên, sau vài năm thua lỗ, bệnh viện Phúc An Khang lại đang "rục rịch" chuyển đổi lại thành chung cư hàng hiệu. Hiện, giới đầu tư bất động sản bày tỏ nhiều nghi ngại về dự án này.

Theo tìm hiểu, dự án Bệnh viện Quốc tế Phúc An Khang toạ lạc tại số 800 đường Đồng Văn Cống, P.Thạnh Mỹ Lợi, TP.Thủ Đức, TP.HCM, hơn 4 năm qua vẫn chỉ là những toà nhà nằm trơ trọi cùng gió sương. Đây được xem là bệnh viện đầu tiên ở Việt Nam được chuyển đổi công năng từ công trình căn hộ chung cư. 

Bệnh viện Quốc tế Phúc An Khang trước đây là chung cư Thái Bình Plaza do Công ty TNHH Đá Xây dựng Bình Dương làm chủ đầu tư. Vốn là dự án chung cư cao cấp, diện tích 14.000 m2, bao gồm 5 block chung cư. Mỗi block cao 20 tầng gồm 360 căn hộ có diện tích từ 120 – 180m2.

Mặc dù đã xây dựng hoàn thiện nhưng do kinh doanh không khả quan, cuối năm 2012 chủ đầu tư đã xin chuyển đổi công năng chung cư thành bệnh viện quốc tế quy mô 500 giường. 

Quy mô 500 giường bệnh theo tiêu chuẩn quốc tế với tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng. Trong số này, 2.000 tỷ là vốn xây 5 block chung cư, 300 tỷ đồng là chi phí chuyển đổi công năng và 200 tỷ đồng là chi phí đầu tư bệnh viện.

Trải qua nhiều thủ tục từ chuyển đổi công năng, từ điều chỉnh quy hoạch đến trình phương án cải tạo, đến giữa năm 2013 UBND TP.HCM đã chấp thuận cho Công ty TNHH Đá Xây dựng Bình Dương chuyển đổi công năng chung cư Thái Bình Plaza thành bệnh viện. 

Đầu năm 2015, Bệnh viện Quốc tế Phúc An Khang chính thức đi vào hoạt động. Thế nhưng, chỉ hơn 2 năm sau đó bệnh viên này đã phải đóng cửa vì hoạt động không hiệu quả. 

Bệnh viện Phúc An Khang lại chuyển đổi công năng thành chung cư hạng sang. (Ảnh: Int)
Bệnh viện Phúc An Khang lại chuyển đổi công năng thành chung cư hạng sang. (Ảnh: Int)

Theo ông Diệp Văn Phát, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Phúc An Khang khi đó, sau hơn 2 năm hoạt động bệnh viện đã lỗ luỹ kế hơn 60 tỷ đồng, chưa bao gồm lãi suất cho vay ban đầu và không còn đủ tài chính để duy trì hoạt động. 

Kể cả sau khi đã đóng cửa, các năm 2018 và 2019, công ty này vẫn báo lỗ vài tỉ đồng. Tính đến ngày 31/12/2019, quy mô vốn chủ sở hữu của Phúc An Khang ở mức âm 85,3 tỉ đồng.

Chính thức đóng cửa từ 28/4/2017, Bệnh viện Quốc tế Phúc An Khang đã hoàn tất các thủ tục và chi trả đầy đủ bảo hiểm cho người lao động theo quy định. Hơn 4.000 người đăng ký thẻ bảo hiểm y tế tại bệnh viện này cũng được chuyển sang các bệnh viện cùng tuyến quận huyện để khám chữa bệnh. 

Bỏ hoang từ năm 2017, trong hơn 4 năm qua, Bệnh viện Quốc tế Phúc An Khang vẫn chỉ là các toà nhà cao tầng trống hơ trống hoác. Dù không còn động thái hoạt động nào nhưng chủ công trình vẫn bố trí bảo vệ để trông coi nơi đây.

Khoảng một tháng trở lại đây, Bệnh Viện Quốc tế Phúc An Khang trở nên nhộn nhịp trở lại khi xuất hiện nhiều công nhân làm việc với nhiều máy móc, thiết bị. Cổng công trình mới cũng được dựng lên với nhiều thông tin bất ngờ.

Theo tìm hiểu, các toà nhà của Bệnh viện Quốc tế Phúc An Khang sẽ được chuyển đổi công năng thành chung cư hạng sang mang tên Swiss Belresidences Upper East Saigon (tên gọi khác là 360 Upper East Saigon Swiss Belresidences). Dự án được giới thiệu do Công ty CP Tập đoàn Hasco (Hasco Group) phát triển. 

Hasco Group được biết đến là doanh nghiệp kinh doanh và đầu tư bất động sản, trụ sở nằm trên đường Liễu Giai, P.Ngọc Khánh, Q.Ba Đình, TP.Hà Nội. Ngoài bất động sản, doanh nghiệp này còn hoạt động trong lĩnh vực đầu tư tài chính, sáp nhập và mua lại doanh nghiệp, xuất nhập khẩu – thương mại.

Theo thông tin sơ bộ, Swiss Belresidences Upper East Saigon được định hình ở phân khúc bất động sản hàng hiệu, sẽ cung ứng ra thị trường 1.450 căn hộ. Dự án được quảng bá do Swiss Belhotel Internation, thương hiệu quản lý khách sạn nổi tiếng của Thuỵ Sĩ, vận hành. 

So sánh giá chung cư phân khúc trung bình ở đường Đồng Văn Cống, P.Thạnh Mỹ Lợi, TP.Thủ Đức hiện tại đang giao dịch khoảng từ 30-50 triệu đồng/m2, còn trong khu vực TP. Thủ Đức ở phân khúc cao cấp đang có mức giá từ 100-150 triệu đồng/m2. Hiện tại, Swiss Belresidences Upper East Saigon chưa công bố giá bán, nhưng chắc chắn rằng sẽ không có mức giá dưới 100 triệu đồng do định vị là hàng hiệu.

Trước đó, ông Diệp Văn Phát cũng đã từng nêu ý định tạm ngưng hoạt động bệnh viện để rao bán hoặc xin chuyển đổi công năng một phần công trình để bán lấy tiền trả nợ. 

Trong khi đó, theo bác sĩ Mai Tiến Dũng, Giám đốc Bệnh viện Phúc An Khang, việc chuyển công năng Thái Bình Plaza từ chung cư sang bệnh viện vào giai đoạn bất động sản đóng băng là một lẽ. Nếu có ý định chuyển ngược lại công năng từ bệnh viện sang chung cư để bán trong giai đoạn nhà đất đang sôi động trở lại, là cả một vấn đề.

"Tư nhân mà đầu tư vào lĩnh vực an sinh xã hội thì được, chứ từ lĩnh vực này mà đòi chuyển ngược lại thì rất khó. Anh đã hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước cho lĩnh vực này rồi mà giờ đòi chuyển lại nữa thì theo tôi là không thể", ông Dũng nói.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Có hiện tượng người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường, có dấu hiệu thổi giá trong đấu giá đất

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Với mức giá bất động sản hiện tại, những người có thu nhập rất khó sở hữu một căn nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản chỉ ra rằng, giải pháp không nằm ở nội đô chật chội mà ở các khu vực ven đô đang phát triển…