Trong thời kỳ đỉnh cao những năm 2009-2010, Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC – mã: PVX) đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào khoảng 40 công ty thành viên lớn nhỏ.
Bên cạnh đó là hàng nghìn tỷ đồng nợ vay của các công ty này được PVC đứng ra bảo lãnh. Đây chính là nguồn gốc trực tiếp gây ra những khoản lỗ lên đến trên 3.300 tỷ của PVC. Từ một số trường hợp đơn lẻ lỗ từ năm 2011, như một hiệu ứng domino, các công ty thành viên của PVX đồng loạt rủ nhau lỗ lớn trong 2 năm sau đó.
Với vai trò là một “công ty holdings”, PVC đã phải trực tiếp và gián tiếp gánh chịu hậu quả từ việc thua lỗ của các công ty thành viên. Thực tế có tới 85% nguyên nhân các khoản lỗ của công ty mẹ PVC là các khoản trích lập dự phòng, bao gồm dự phòng phải thu khó đòi, dự phòng tổn thất đầu tư tài chính, dự phòng bảo lãnh thanh toán.
Một trong những công ty thành viên của PVC lỗ nhanh và nhiều nhất làCTCP Thi công cơ giới và Lắp máy Dầu khí (PVC-ME). Thành lập năm 2009 với vốn điều lệ 500 tỷ đồng, đến tháng 6/2012, PVC-ME đã lỗ tới 576 tỷ đồng.
Sau khi tiến hành điều tra, hàng loạt sai phạm tại công ty này đã được làm rõ với kết cục là nguyên Chủ tịch HĐQT Vũ Duy Thành bị khởi tố và xét xử vì tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” còn nguyên TGĐ Trịnh Văn Thảo đã nhanh chân sang Mỹ. Một đầu tàu thua lỗ khác là CTCP Xây lắp dầu khí Sài Gòn (PVC-SG), có cổ phiếu giao dịch trên Upcom với mã PSG. PVC-SG hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản.
Đến cuối năm 2015, công ty đã trải qua 5 năm lỗ liên tiếp với tổng lỗ lũy kế lên đến 664 tỷ đồng. Công ty có thể đã lỗ lớn hơn nhiều nếu như không được Vietinbank miễn cho khoản lãi vay phát sinh đến ngày 9/12/2015 là 117,7 tỷ đồng. Với vốn điều lệ chỉ 350 tỷ đồng nhưng lỗ lũy kế lên đến 664 tỷ nên PVC-SG đã âm vốn chủ hơn 311 tỷ đồng. Cổ phiếu PSG vẫn được giao dịch trên Upcom nhưng không có mấy thông tin về doanh nghiệp này được công bố. Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí hiện sở hữu gần 25% cổ phần tại PVC-SG.
Kết quả thua lỗ tại một số công ty mà PVC đầu tư. Đơn vị: Tỷ đồng
Những trường hợp lỗ lũy kế vài ba trăm tỷ khác lên tới cả chục công ty như PVC-Miền Trung (-405 tỷ); Xây lắp Dầu khí Nghệ An, PVL, PVC-Hà Nội (lỗ trên 200 tỷ); PVV Group, PVC-PT, PVC-Đông Đô, Petroland, PVC Land (lỗ trên 100 tỷ)… Không ít công ty trong số này đã lỗ liên tục từ năm 2011-2012 cho đến tận hiện nay.
Cổ phiếu PVA của Xây lắp Dầu khí nghệ An (PVNC) từng là một trong những “hàng nóng” của thị trường chứng khoán Việt Nam những năm 2009-2010 khi giá cổ phiếu lên tới gần 120.000 đồng vào tháng 5/2010. Tuy nhiên, với khoản lỗ lũy kế hơn 250 tỷ đồng, PVNC hiện giờ đã rơi vào cảnh âm vốn chủ, giá cổ phiếu chỉ còn vỏn vẹn 500 đồng.
PVA từng là cổ phiếu nóng nhất thị trường nửa đầu năm 2010