Bị phạt quá nhiều, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị về giải pháp lâu dài

Theo giải trình vấn đề xăng dầu trước Ủy ban Kinh tế Quốc hội của Bộ Công Thương, năm 2022 và đầu 2023, Quản lý thị trường đã thực hiện giám sát trên 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong cả nước và thanh tra, kiểm tra trên 2.700 vụ, xử lý trên 600 vụ với số tiền xử phạt khoảng 20 tỷ đồng...

Trên thực tế, chiếu theo những quy định của Nghị định 99/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu, đã có rất nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu bị xử phạt về các hành vi như: Hành vi vi phạm quy định về giá bán lẻ xăng dầu và quy trình điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu; Hành vi vi phạm quy định về điều kiện cửa hàng bán lẻ xăng dầu; Hành vi vi phạm quy định về biển hiệu...

Nhiều lý do bị phạt

Tại tỉnh Đắk Nông, mới đây lực lượng Quản lý thị trường của tỉnh này đã tiến hành xử phạt một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh vì hành vi: "sử dụng 1 nhân viên trực tiếp kinh doanh xăng dầu không được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định".

Cụ thể hơn, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trên là Công ty Cổ phần xăng dầu PP có địa chỉ tại huyện Đắk Mil. Hành vi trên của công ty được lực lượng Quản lý thị trường tỉnh này phát hiện thông qua kiểm tra đột xuất. Doanh nghiệp sau đó bị xử phạt 25.000.000 đồng.

Tương tự, hồi cuối tháng 1 năm nay tại tỉnh Trà Vinh lực lượng Quản lý thị trường tỉnh này tiến hành kiểm tra Công ty TNHH xăng dầu Thành Ngọc - Chi nhánh Trà Ôn. Quá trình kiểm tra, lực lượng Quản lý thị trường số phát hiện tại Chi nhánh Công ty sử dụng nhân viên trực tiếp kinh doanh tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu không được đào tạo nghiệp vụ bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật. Sau đó, Công ty TNHH xăng dầu Thành Ngọc - Chi nhánh Trà Ôn bị xử phạt hành chính về hành vi vi phạm nêu trên.

Quay trở lại thời điểm Tết nguyên đán, tại tỉnh Hà Nam lực lượng Quản lý thị trường tỉnh này đã lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt 15 triệu đồng đối với Công ty TNHH Chiến Dưỡng về hành vi giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết mà không có lý do chính đáng.

Việc xử phạt các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu chỉ là giải pháp tình thế

Điều đáng nói, nếu chiếu theo các quy định của luật pháp, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh này tiến hành kiểm tra và xử phạt là hoàn toàn chính xác, bởi doanh nghiệp này đóng cửa không bán hàng mà không có lý do chính đáng. Nhưng, hành vi vi phạm của Công ty TNHH Chiến Dưỡng chỉ diễn ra trong vòng 45 phút (tức từ 11h đến 11h45 phút), ngày 25/1 (mùng 4 Tết) khiến rất nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu khác băn khoăn và lo lắng.

Trên đây chỉ là hai ví dụ điển hình về việc xử phạt hành vi của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trong thời gian vừa qua. 

Mong được phạt... "hợp tình hợp lý"

Thời gian qua, thị trường xăng dầu trong nước chịu nhiều tác động của thị trường thế giới, nguồn cung trong một số thời điểm, tại một số địa bàn bị đứt gãy cục bộ, nhiều cây xăng treo biển hết hàng, nghỉ bán, ảnh hưởng tới đời sống người tiêu dùng và doanh nghiệp. Tình trạng này tiếp tục diễn ra trong những ngày đầu năm 2023, đặc biệt là kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, dù nguồn cung xăng dầu cho thị trường được Bộ Công Thương khẳng định là không thiếu.

Trước tình trạng này, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho rằng kinh doanh xăng dầu hiện nay rất bất ổn, doanh nghiệp bán lẻ đang ở thời kỳ cực kỳ khó khăn, càng kinh doanh càng lỗ. Dù đang trong giai đoạn khó khăn chồng khó khăn, nhưng nhiều doanh cho rằng khi họ “dính” một lỗi nhỏ, trong đó có những lỗi bất khả kháng, nhưng khi lực lượng chức năng phát hiện họ vẫn bị xử phạt.

Để bảo vệ quan điểm của mình, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho rằng, về lỗi sử dụng “nhân viên kinh doanh xăng dầu không được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định” nếu còn tiếp tục xử phạt việc kinh doanh của họ sẽ còn khó khăn dài dài. Bởi, ở nhiều vùng quê việc tuyển nhân viên bán xăng là rất nan giải, chỉ khi nào người dân hết việc hoặc thật sự rảnh rỗi họ mới xin đi làm nhân viên bán xăng. Chưa dừng lại ở đó, nhân viên bán xăng đa số là làm thời vụ, làm vài ba tháng là lại đi kiếm việc khác làm vì lương cao hơn. Vì thế, tuổi thọ của nhân viên bán xăng chỉ giao động từ 3 đến 6 tháng là hết.

Theo quy định, một nhân viên bán xăng dầu trực tiếp buộc phải có những chứng chỉ nói trên mới được đứng bán. Vì thế, để không bị phạt chủ các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu buộc phải “lo” đủ các chứng chỉ, điều kiện nói trên cho từng nhân viên. Nhưng thực tế, nhiều doanh nghiệp chia sẻ có những nhân viên khi đã có các điều kiện trên họ lại nghỉ việc, do đó họ phải lại tuyển người khác và lại phải “lo” những điều kiện trên cho nhân viên mới, rất tốn kém và mất thời gian.

Từ thực tế trên, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho rằng những quy định trên chỉ nên áp dụng đối với chỉ cần quản lý hoặc cửa hàng trưởng thôi là đủ. Trong khi đó, quy định về bảo vệ môi trường các doanh nghiệp kiến nghị nên “bỏ đi”, thay vào đó là thường xuyên tổ chức giáo dục cộng đồng để mọi người cùng có ý thức bảo vệ môi trường sẽ tốt hơn.

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu gặp khó khăn về nhân viên bán hàng

Chưa dừng lại ở đó, nhiều đơn vị lập luận, theo quy định doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu muốn nghỉ bán hàng thì phải có lý do chính đáng. Đây là một quy định có phần hơi "cứng", bởi có lúc doanh nghiệp phải đóng cửa vì lỗ, không có nhân viên bán hàng hay như dịp Tết nhân viên bán hàng về quê hết hoặc không có người bán buổi trưa và tối họ tranh thủ nghỉ một chút để ăn cơm, nghỉ ngơi, nhưng vẫn bị phạt.

Với những phân tích trên nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu nêu quan điểm, thời gian tới nếu lực lượng chức năng còn tiếp tục tìm lỗi để phạt nữa chắc họ sẽ còn gặp nhiều trở ngại trong việc kinh doanh.

Mới đây, khi góp ý về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung về kinh doanh xăng dầu, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu quan điểm, "thời gian qua, Bộ Công Thương ngăn chặn tình trạng thiếu xăng bán lẻ bằng cách xử phạt cây xăng đóng cửa. Các cây xăng có thể vì sợ bị phạt mà vẫn chấp nhận mở cửa nhưng cố tình bán nhỏ giọt cho người tiêu dùng, khiến người tiêu dùng phải xếp hàng mất nhiều thời gian. Đây chỉ là giải pháp tình thế và chỉ có tác dụng trong ngắn hạn".

Rõ ràng, quan điểm của VCCI là rất đúng, được các doanh nghiệp tán đồng. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung các Nghị định về kinh doanh xăng dầu tới đây nhà nước cần cân nhắc nới những quy định, để các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu “dễ thở” hơn.

Có thể bạn quan tâm