Bị “theo dõi đặc biệt” tại dự án cao tốc Bắc - Nam, Công ty CP ĐT Xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam làm ăn thế nào?

Không những có kết quả kinh doanh “èo uột” nhiều năm, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam còn bị Bộ Giao thông đưa vào diện “theo dõi đặc biệt” vì thi công chậm tiến độ tại dự án cao tốc Bắc – Nam.

Thi công chậm tiến độ, bị đưa vào diện “theo dõi đặc biệt”

Hồi giữa năm 2021, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh xử lý nghiêm các nhà thầu thi công yếu kém tại dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn.

Được triển khai thi công từ ngày 16/9/2019 và dự kiến hoàn thành vào tháng 2/2022, nhưng đến nay giá trị sản lượng của toàn dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn mới đạt khoảng 70,2%, chậmt 8,8% so với tiến độ theo hợp đồng.

Thông tin từ Cục Quản lý xây dựng và chất lượng giao thông cho biết, ngoài nguyên nhân do ảnh hưởng của mưa lũ, đại dịch Covid-19 và công tác bàn giao mặt bằng, tiến độ dự án chậm còn xuất phát từ năng lực hạn chế của một số nhà thầu.

Do tiến độ thi công bị chậm nên kế hoạch hoàn thành 11 gói thầu xây lắp của cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã phải lùi lại. Trong đó, 7 gói thầu (XL1, XL2, XL3, XL4, XL7, XL10 và XL11) dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 30/6/2022; gói XL5 hoàn thành vào ngày 30/7/2022; gói XL6 hoàn thành vào ngày 30/8/2022; gói XL9 hoàn thành vào ngày 30/9/2022; gói XL8 hoàn thành vào ngày 31/10/2022; chậm từ 3 - 6 tháng so với kế hoạch đề ra.

Để chấn chỉnh công tác thi công, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh "theo dõi đặc biệt" đối với Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam (gói thầu XL2) trong tháng 1/2022. Trường hợp không chuyển biến tích cực, nhà thầu này sẽ phải điều chuyển khối lượng thi công cho nhà thầu khác thực hiện.

Làm ăn thua lỗ, nợ phải trả tăng cao

Theo tìm hiểu của Phóng viên Tạp chí Thương gia, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam có địa chỉ tại số 63 Trần Quang Diệu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, TP. Hà Nội, người đại diện pháp luật, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị của doanh nghiệp này là ông Nguyễn Ngọc Hòa. Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 12/2012 với số vốn điều lệ là 6 tỷ đồng. Đến tháng 7/2015, doanh nghiệp này tăng vốn lên 30 tỷ đồng và được tăng đều theo các năm. Đến năm 2020 vốn điều lệ của doanh nghiệp này là hơn 71 tỷ đông.

Theo tài liệu mà chúng tôi thu thập được cho thấy trong những năm gần đây doanh thu của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam có sự sụt giảm mạnh. Theo đó, doanh thu của đơn vị này có sự dao động qua các năm. Trong đó năm 2016 đạt 111,9 tỷ đồng, năm 2017 đạt 163,4 tỷ đồng và đạt đỉnh vào năm 2018 với 283,8 tỷ đồng, nhưng đến năm 2019 lại giảm mạnh xuống còn 191,4 tỷ đồng và chỉ đạt 104,6 tỷ đồng vào năm 2020.

Do giá vốn hàng bán quá cao nên lợi nhuận gộp còn lại của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam lần lượt giảm từ 14,9 tỷ đồng (2018), xuống còn 13 tỷ đồng (2019) và 8,6 tỷ đồng (2020). Trong khi đó, lợi nhuận gộp của năm 2016 và 2017 cũng không được cao. Điển hình như năm 2016, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này chỉ đạt hơn 9,9 tỷ đồng.

Chính bởi lý do lãi gộp không nhiều, trong khi đó chi phí cho lãi vay và nhiều loại chi phí khác nên Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam không thể tránh việc làm ăn thua lỗ. Trong 5 năm gần nhất, doanh nghiệp chỉ báo lãi vào năm 2019, với số lãi 1,2 tỷ đồng, năm 2016 lãi hơn 500 triệu đồng, năm 2017 lãi hơn 1,1 tỷ đồng. Năm 2018 doanh nghiệp này lỗ 258 triệu đồng và năm 2020 lỗ hơn 4 tỷ đồng.

Về tài sản của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam trong 5 năm gần đây được hình thành chủ yếu từ nợ khi nợ phải trả luôn chiếm hơn 70% tổng tài sản. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này trong giai đoạn 2016 - 2020 chỉ dao động từ hơn 30 tỷ đến hơn 71 tỷ đồng.

Cụ thể, tổng tài sản của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam vào năm 2018 là 243,3 tỷ đồng; năm 2019 tăng lên 291,6 tỷ đồng; rồi giảm xuống còn 277,8 tỷ đồng vào năm 2020. Trước đó, năm 2016 tổng tài sản của công ty này chỉ đạt hơn 147 tỷ đồng.

Sự biến động của tài sản hình thành từ sự biến động của số nợ phải trả. Nếu như năm 2017 số nợ của doanh nghiệp này mới chỉ ở mức hơn 110 tỷ đồng thì năm 2018 doanh nghiệp này nợ 182 tỷ đồng; năm 2019 nợ 229,4 tỷ đồng và năm 2020 nợ hơn 206,8 tỷ đồng. Trong đó chiếm phần lớn là nợ ngắn hạn như năm 2019 nợ của doanh nghiệp này là 229,4 tỷ đồng thì nợ ngắn hạn chiếm đến hơn 227,2 tỷ đồng; năm 2020 nợ ngắn hạn chiếm đến hơn 205 tỷ động trong tổng số nợ hơn 206,8 tỷ đồng.

Trong khi đó dòng tiền kinh doanh của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam cũng biến động theo chiều hướng không được tươi sáng lắm trong 4 năm qua. Nếu như năm 2017 dòng tiền này là âm hơn 7 tỷ thì năm 2018 đạt 13,5 tỷ đồng; 69,9 tỷ đồng năm 2019 và giảm xuống còn 15,1 tỷ đồng 2020.

Ngoài việc bị đưa vào diện “theo dõi đặc biệt”, làm ăn thua lỗ năm 2019 Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam cũng từng bị một nhà thầu phụ “tố” chây ì thanh toán, chiếm dụng vốn cho thấy năng lực của nhà thầu này thực sự có vấn đề. Song, trong những năm qua đơn vị này đã trúng nhiều gói thầu ở nhiều địa phương khác nhau trong cả nước, trong đó có nhiều gói thầu có giá trị tương đối lớn. Cụ thể những gói thầu đó ở địa phương nào, ảnh hưởng của những gói thầu đó ra sao sẽ được chúng tôi tiếp tục thông tin ở bài viết tiếp theo.

Có thể bạn quan tâm