Được biết, toàn bộ dư nợ gốc và dư nợ lãi phát đến thời điểm ngày 5/2 là 518,7 tỷ đồng trong đó dư nợ gốc là 372 tỷ đồng và dư lãi vay hơn 146,7 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo là nhiều quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại TP.HCM và Hà Nội.
Cụ thể, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại 51 Hoàng Diệu, phường 10, quận Phú Nhuận, TP HCM. Diện tích đất là 188,4 m2, diện tích xây dựng 114,4 m2 và diện tích sàn là 809,0 m2.
Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại 130 Tôn Đức Thắng, Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội. Diện tích đất là 137,6 m2, diện tích xây dựng 118 m2, diện tích sàn 308 m2.
Quyền sử dụng sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại 11 ngách 34/2 đường Nguyên Hồng, Phường Láng Hạ, Quận Đống Đa, Hà Nội. Diện tích đất 84 m2, diện tích xây dựng 84 m2, diện tích sàn 252m2 với 3 tầng.
Ngoài ra, tài sản hình thành từ vốn vay của Nhà Hưng Ngân là một phần dự án Khu nhà ở cao tầng và khu phức hợp thương mại dịch vụ tại phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP.HCM (không bao gồm 971 căn hộ của 3 Block A1, A2 và B1 đã nghiệm thu, bàn giao cho người mua căn hộ).
Dự án khởi công từ năm 2012 và đã bàn giao cho khách năm 2015. Trước đó đã từng bị đình chỉ vì xây dựng không phép vào tháng 12/2013. Tại thời điểm bị xử phạt, doanh nghiệp đang thi công tầng hầm diện tích 4.033 m2 tại một phần thửa 04,03 và thửa 9,13, 21, 23, 24, 47, 48 thuộc tờ bản đồ số 66, tổ 12, phường Tân Chánh Hiệp.
Bên cạnh đó, tài sản thế chấp còn là tài sản hình thành trong tương lai là dự án Khu du lịch Bãi Cửa Cạn tại xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Ban Quản lý khu kinh tế Phú Quốc đã quyết định chấm dứt hoạt động của dự án do nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện theo tiến độ đăng ký.
Trước đó, hồi tháng 4 vừa qua BIDV cũng thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Thanh An An. Khoản nợ có tổng dư nợ tính đến 30/11/2019 là trên 107 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo là 30 quyền sử dụng đất tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM thuộc sở hữu của Công ty Thanh An An.
Đáng chú ý, đây là lần thứ 4 BIDV tổ chức đấu giá khoản nợ này của Công ty Thanh An An. Mức giá khởi điểm mà BIDV đưa ra trong lần đấu giá này là 92,37 tỷ đồng, điều này đồng nghĩa với việc BIDV chấp nhận mức giá lỗ để đẩy nhanh tài sản.
Trong nhiều tháng qua, BIDV cũng đã phải “năm lần bảy lượt” rao bán khoản nợ CTCP Đầu tư & Thương mại Dầu khí Nghệ An (mã: PXA) nhưng đều không thành công. Lần gần đây nhất ngân hàng rao bán khoản nợ là hồi tháng 3 với giá khởi điểm 40,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là mức giá đã được giảm 44 tỷ đồng so với đợt đấu giá hồi cuối tháng 11/2019.
Hay như tài sản là dự án Kenton Node được đồng thế chấp tại BIDV, MSB, PVComBank (BIDV chiếm 58% giá trị) cũng được BIDV rao bán để thu hồi hơn 4.000 tỷ đồng dư nợ mãi vẫn chưa thực hiện được.
Một khoản nợ khác được BIDV rao bán nhiều lần nhưng chưa thành công là dự án của Công ty cổ phần Thuận Thảo Nam Sài Gòn, cùng 95 khách hàng cá nhân tại BIDV chi nhánh Phú Tài (Bình Định) với tổng dư nợ hơn 2.700 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, việc các ngân hàng thu giữ tài sản đảm bảo là các căn hộ, đất nền khi bên vay mất khả năng trả nợ là điều dễ dàng. Tuy nhiên, không dễ để các ngân hàng có thể bán được các tài sản thế chấp này bởi ngân hàng thì muốn bán được giá cao trong khi nhà đầu tư còn sợ "mua hớ", muốn chờ giá hạ thêm. Ngoài ra trong thời gian dịch bệnh, sức cầu của thị trường cũng suy giảm do nhà đầu tư thận trọng về tài chính.