Nhằm thực hiện quy định của Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, hồi cuối năm 2022 và giữa tháng 1/2023 Bộ Công Thương đã ban hành công văn đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẩn trương xây dựng phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 theo quy định và xây dựng lộ trình, mức độ điều chỉnh phù hợp trong trường hợp cần điều chỉnh tăng giá điện.
Nhưng, theo thông tin từ Bộ Công Thương đến thời điểm này cơ quan này chưa nhận được phương án cũng như lộ trình của EVN.
Do đó, Bộ Công Thương đề nghị EVN cần tập trung nguồn lực, hoàn thành quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện 2022, báo cáo tài chính của Công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên, đồng thời làm việc với các đơn vị kiểm toán độc lập có uy tín kiểm toán báo cáo theo đúng quy định trình lên bộ.
Trên cơ sở các báo cáo quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022, báo cáo tài chính năm 2022 của Công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên đã được kiểm toán độc lập, khẩn trương báo cáo Bộ Công Thương để phối hợp Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan kiểm tra, công bố công khai kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022 theo quy định tại Điều 7 Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg.
Khẩn trương hoàn thành việc tính toán phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định tại Điều 5 Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg.
Trên cơ sở báo cáo của EVN về đề xuất điều chỉnh phương án giá bán điện, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan để kiểm tra, rà soát các đề xuất của EVN.
Báo cáo của EVN cũng là căn cứ để Bộ Công Thương hoàn thành tính toán phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023, báo cáo các cấp có thẩm quyền theo quy định.
Theo báo cáo của EVN, năm 2022 tập đoàn lỗ 31.000 tỷ đồng do chi phí đầu vào cho sản xuất điện tăng cao. Vì vật, việc điều chỉnh giá điện để EVN đảm bảo cân bằng tài chính.