Tại cuộc họp giao ban Bộ GTVT tháng 11/2018, đại diện Vụ Tài chính cho biết, việc triển khai Nghị định 149 ngày 11/11/2016 của Chính phủ (quy định chi tiết về Luật Giá) và Thông tư 35 ngày 15/11/2016 của Bộ GTVT quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng để kinh doanh (dự án BOT) đang bộc lộ bất cập, gây khó khăn cho nhà đầu tư.
Cụ thể, các tuyến đường BOT dù được xây dựng mới, song song với tuyến đã có nhưng chỉ được thu với mức giá tối đa cụ thể (theo lượt, tháng, quý) đối với phương tiện.
Cơ chế này khiến đường BOT cao tốc, hầm đường bộ không khác quốc lộ do Nhà nước đầu tư, chưa tạo thuận lợi trong đầu tư kinh doanh và khiến nhà đầu tư không chủ động được phương án thu hồi vốn.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng đường cao tốc và BOT trên quốc lộ hiện hữu có sự khác nhau về bản chất. Việc quản lý mức giá như hiện nay đối với cao tốc hay công trình hầm là không ổn, vì những công trình này có suất đầu tư lớn và người tham gia giao thông có quyền lựa chọn.
Vì vậy, cần phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ cho mức giá đường cao tốc và công trình hầm.
Đồng thời cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ GTVT hoàn thiện dự thảo sửa đổi Thông tư 35 để ban hành trong tháng 12/2018.
Về nghị định 149, Bộ GTVT chỉ đạo các Cục, Vụ liên quan khẩn trương báo cáo Chính phủ, đề nghị sửa đổi theo hướng để doanh nghiệp tự quyết định mức giá BOT đối với những dự án làm mới, có đường song song, người dân có sự lựa chọn.
Theo ý kiến của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cần sửa đổi Nghị định 149/NĐ-CP để đường cao tốc được đối xử là đường thương mại với việc không quy định giá trần, cũng như có nhiều cơ chế giá khác nhau để người sử dụng có thể dùng đường khác để đi.
Cũng theo ông Đông, việc quy định áp dụng mức giá vé chung cho quốc lộ và cao tốc từ trước đến nay là bất hợp lý, cảm tính, ấn định. Vì vậy, phải thay đổi cách tiếp cận theo hướng thị trường, phải đánh giá, thống kê đưa ra con số thuyết phục.
>> Gần 21.000 tỷ đồng đầu tư xây đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh