Bộ GTVT đề xuất thu phí cao tốc Bắc – Nam tối đa 1.500 đồng/km

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang xin ý kiến các Bộ về mức thu phí 8 đoạn dự án cao tốc Bắc- Nam từ 1.000 - 1.500 đồng/km/xe tiêu chuẩn (xe 12 chỗ ngồi).
Bộ GTVT đề xuất thu phí cao tốc Bắc – Nam tối đa 1.500 đồng/km

Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn số 8646/BGTVT-TC gửi các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Tư pháp xin ý kiến về phương án thu hồi vốn đối với các đoạn cao tốc do Nhà nước đầu tư trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo đó, trong 11 đoạn cao tốc Bắc – Nam đang triển khai thi công, có 8 đoạn đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, kiến hoàn thành từ cuối năm nay đến đầu năm 2023, gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn – QL.45, QL.45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và cầu Mỹ Thuận 2. Các dự án này có tổng vốn đầu tư ngân sách trên 65.268 tỷ đồng.

Do đó, để thu hồi vốn đầu tư, Bộ GTVT đề xuất mức thu phí từ 1.000 - 1.500 đồng/km/xe tiêu chuẩn (xe dưới 12 chỗ ngồi) tùy từng tuyến. Các trạm thu phí trên tuyến sẽ thu phí tự động không dừng.

Bộ Giao thông Vận tải đánh giá, mức thu trên tương ứng với mức phí tại các tuyến cao tốc đang khai thác, khả năng chi trả của người dân (hiện các tuyến cao tốc đang thu phí mức từ 1.000 - 2.100 đồng/km/xe tiêu chuẩn).

Với mức phí trên, sau khi trừ chi phí vận hành, bảo dưỡng, bình quân 5 năm (2025-2030) ngân sách sẽ thu được khoảng 2.130 tỷ đồng/năm từ 8 tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Số tiền này sẽ giúp phát triển thêm hệ thống đường cao tốc, vừa giảm gánh nặng ngân sách cho việc duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường.

Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị giao Tổng cục Đường bộ là đơn vị quản lý tài sản, trực tiếp tổ chức khai thác, đấu thầu chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí.

Trước đó, hồi tháng 5 vừa qua, Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thu phí cao tốc do nhà nước đầu tư. Bộ Tài chính tính toán, có thể thu phí cao tốc đầu tư công từ 1.000 - 1.500 đồng/km/xe (mức phí cụ thể tính theo vốn đầu tư từng dự án và thời gian thu phí). Với 196km cao tốc đầu tư công đang khai thác, nếu thu phí với mức 1.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn, hàng năm ngân sách có thêm khoảng 2.142 tỷ đồng.

Các đoạn cao tốc Bộ Tài chính dự kiến thu phí gồm: TP. HCM- Trung Lương, La Sơn - Túy Loan (Huế), Nội Bài - Nhật Tân (Hà Nội), và 8 đoạn cao tốc Bắc - Nam đang thi công.

Vào đầu tháng 8, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp về thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc đối với các tuyến đường cao tốc do nhà nước đầu tư.

Theo đó, ý kiến các Bộ, cơ quan đều thống nhất cần thiết phải xây dựng cơ chế thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc đối với các tuyến đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, để hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư, thu hút nguồn lực xã hội phục vụ đầu tư phát triển đường bộ cao tốc.

Để đảm bảo cơ sở pháp lý thực hiện, cả hai phương án thu theo cơ chế giá hay cơ chế phí đối với dịch vụ sử dụng đường cao tốc đều phải báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

“Phương án thu cần được xây dựng, tính toán kỹ trên cơ sở làm rõ các nguyên tắc, tiêu chí, đảm bảo tính nhất quán, công bằng, hợp lý, thống nhất và thu hút các nguồn lực đầu tư”, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Việc đề xuất thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc sẽ được xem xét trình cấp có thẩm quyền quyết định vào thời điểm thích hợp, tuy nhiên, để chủ động khi trình, đề nghị Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, sớm hoàn thiện hồ sơ.

Tính đến cuối tháng 8/2021, toàn bộ 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam do Nhà nước đầu tư 100% vốn với tổng mức đầu tư lên tới 65.268 tỷ đồng đang bám sát kế hoạch đề ra. Trong đó, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn đã hoàn thành tới 75% khối lượng.

8 dự án thành phần dự kiến lần lượt hoàn thành từ cuối tháng 12/2021 đến đầu năm 2023, gồm Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và cầu Mỹ Thuận 2.

Xem thêm

11 địa phương muốn xây dựng sân bay, Bộ GTVT nói “không”

11 địa phương muốn xây dựng sân bay, Bộ GTVT nói “không”

Bộ GTVT cho biết, qua rà soát và đối chiếu các tiêu chí quy hoạch cảng hàng không mới, đơn vị tư vấn ADPi đánh giá không cao về vị trí và nhu cầu vận chuyển hành khách không lớn để cần thiết phải xây dựng sân bay tại 11 địa phương.

Có thể bạn quan tâm