Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa gửi Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam lên Thủ tướng Chính phủ.
Trong báo cáo của Bộ GTVT, Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam có tổng chiều dài toàn tuyến 1.559km, nối Hà Nội và TP. HCM, đi qua 20 tỉnh thành, với 24 ga và 3 ga quy hoạch tiềm năng, 5 depot, 42 cơ sở bảo trì hạ tầng.
Tốc độ thiết kế toàn tuyến 350km/h, tốc độ khai thác 320km/h, chỉ chuyên chở khách. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1,33 triệu tỷ đồng (tương đương 58,71 tỷ USD).
Dự án được chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 năm 2020 – 2032, tổng mức đầu tư 516,6 nghìn tỷ đồng (24,71 tỷ USD); giai đoạn 2 năm 2032 – 2050, tổng mức 772,6 nghìn tỷ đồng (34 tỷ USD).
Có 2 phương án phân kỳ đầu tư được Bộ GTVT trình lên. Phương án 1 phân kỳ theo chiều ngang, tức giai đoạn 1 đầu tư hoàn thiện và khai thác đoạn Hà Nội – Vinh và Nha Trang – TP. HCM, giai đoạn 2 đầu tư nối 2 đoạn của giai đoạn 1 (Vinh – Nha Trang).
Phương án 2, phân kỳ theo chiều dọc (theo gợi ý của GS Lã Ngọc Khuê). Theo đó, giai đoạn 1 đầu tư hạ tầng toàn tuyến tuyến Hà Nội – TP. HCM, nhưng chưa điện khía hóa, chỉ đầu tư đoàn tàu diezel khai thác trước. Giai đoạn 2, trong quá trình khai thác đoàn tàu diezel tiếp tục hoàn thiện các công đoạn còn lại cho việc khai thác đoàn tàu điện khí hóa để thay thế.
Bộ GTVT nghiên về lựa chọn phương án 1.
Bộ GTVT đề xuất sử dụng 80% tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, số còn lại (20%) kêu gọi tư nhân đầu tư vào một số nhà ga và đầu máy toa xe để khai thác.
Với trường hợp sử dụng toàn bộ vốn đầu tư (hơn 58 tỷ USD) bằng nguồn đi vay, Bộ GTVT đánh giá, vẫn không làm nợ công vượt trần (nợ công không vượt 65% GDP).
Đồng thời, đơn vị này cũng đề xuất lựa chọn công nghệ đoàn tàu sử dụng động lực phân tán (của Nhật Bản, Đài Loan).
Khi đưa vào vận hành, đường sắt cao tốc Bắc – Nam có tốc độ chạy tàu 320km/h. Như vậy, đoạn Hà Nội – TP. HCM sẽ hết 5h20 phút (nếu không dừng ở một số ga), hết 6h55 phút nếu dừng ở tất cả các ga. Thời gian khai thác từ 6-24h mỗi ngày.
Dự kiến cần một lượng nguồn nhân lực lớn phục vụ Dự án. Cần khoảng 13.773 nhân lực với các chuyên ngành khác nhau, trong đó giai đoạn đến năm 2030 cần đào tạo 5.182 người, đến năm 2040 cần đào tạo thêm khoảng 7.569 nhân lực và đến 2050 cần thêm khoảng 932 nhân lực.
Để đáp ứng, cần có một đơn vị đào tạo đủ năng lực kết hợp với các trường đại học trong và ngoài nước, viện nghiên cứu đường sắt và chuyên gia nước ngoài hỗ trợ dự án...
Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam sẽ được đưa ra lấy ý kiến Quốc hội vào cuối năm nay.
>>Bộ GTVT hủy 2 văn bản chỉ đạo bán Cảng Quy Nhơn