Thực hiện pháp luật là hoạt động có mục đích nhằm hiện thực hóa các quy định của pháp luật, làm cho chúng đi vào cuộc sống, trở thành những hành vi thực tế hợp pháp của các chủ thể pháp luật.
Rất nhiều điều luật sau khi ban hành đã vấp phải phản ứng gay gắt của dư luận và không thể đi vào thực tế cuộc sống như: Quy định siết các tiêu chuẩn về sức khỏe đối với người lái xe theo hướng “ngực lép” không được lái xe, ngực to được lái xe lớn của Bộ y tế và đã bị Bộ tư pháp tuýt còi hay như quy định trong nghị định Nghị định 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu, trong đó có quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi cũng không mấy khả thi.
Cụ thể, theo đơn thuốc mẫu được quy định trong phụ lục Thông tư 52 của Bộ Y tế ký ngày 29/12/2017 về kê đơn thuốc ngoại trú, đơn thuốc ngoại trú cho trẻ dưới 72 tháng tuổi được yêu cầu bao gồm các thông tin về họ tên, tuổi của trẻ; họ tên, tuổi cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ; số CMND/thẻ căn cước của cha mẹ, người giám hộ và địa chỉ gia đình, sau đó mới đến các thông tin như số thẻ bảo hiểm y tế, chẩn đoán, các thuốc được kê và lời dặn dò với gia đình.
Như vậy, kể từ 1/3/2018, bố mẹ sẽ phải trình Chứng minh thư nhân dân khi mua thuốc cho con mình.
Quy định mới của Bộ y tế: Bố mẹ phải có Chứng minh thư nhân dân khi mua thuốc cho con kể từ 1/3/2018 theo quy định tại Thông tư số 52/2017/TT-BYT ban hành ngày 29/12/2017 cũng rất có khả năng vướng phải vấn đề thực hiện pháp luật.
Thứ nhất, việc kiểm soát thực hiện quy định này như thế nào là bất khả thi. Cơ quan nào sẽ kiểm soát vấn đề này? Ai sẽ là người xử phạt khi phụ huynh vi phạm quy định này? Mức xử phạt khi không xuất trình Chứng minh thư khi mua thuốc cho con là bao nhiêu? Trong trường hợp mất hay quên chứng minh thư thì ai sẽ mua thuốc cho trẻ?
Thứ hai, nếu thực hiện tốt quy định này thì sẽ nảy sinh vấn đề rằng chỉ bố mẹ và người bảo hộ mới được mua thuốc khi trẻ ốm, từ đó quyền lợi của trẻ sẽ bị ảnh hưởng khi không có mặt những cá nhân này.
Thứ ba, việc xuất trình Chứng minh thư cũng không đủ bằng chứng pháp lý để chứng minh rằng đó là bố, mẹ hay người bảo hộ của trẻ. Như vậy có nghĩa việc xuất trình chứng minh thư cũng chỉ mang tính hình thức chứ cũng không đảm bảo quyền lợi cho trẻ em.
Quy định trên là rất tốt nếu cơ sở hạ tầng đáp ứng được bằng việc đồng bộ hóa thông tin cá nhân và kiểm soát tốt vấn đề nhân thân thì đây sẽ là quy định đầy nhân văn và không ít quốc gia đã áp dụng quy định này.
Về tư tưởng quy định trên muốn bảo vệ quyền lợi của trẻ nhưng sẽ có vấn đề rất lớn trong vấn đề thực hiện pháp luật và khó có khả năng đi vào cuộc sống gây lằng nhằng phức tạp trong một số trường hợp nhất định. Nên chăng Bộ Y tế cần xem lại quy định này và việc ban hành pháp luật tránh tình trạng gây ra những phản ứng hay quy định chỉ để cho có.