Trước diễn biến tình hình tiêu thụ sản phẩm thịt lợn liên tục giảm mạnh, ngày hôm nay (4/5), Bộ Tài chính đã có Công văn số 5718/BTC-QLG gửi Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Công văn số 5717/BTC-QLG gửi các doanh nghiệp thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi về tăng cường biện pháp bình ổn thị trường thịt lợn.
Theo đó, Bộ Tài chính đã đề nghị Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Sở Tài chính) phối hợp với các cơ quan có liên quan trên địa bàn triển khai thực hiện tốt việc theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, rà soát, nắm tình hình cân đối cung-cầu trên địa bàn. Từ đó, chủ động tham mưu trình UBND tỉnh có phương án kịp thời nhằm bình ổn thị trường.
Đồng thời, các đơn vị căn cứ thẩm quyền và điều kiện thực tế, khả năng tài chính của địa phương để tham mưu trình UBND tỉnh xem xét, quyết định việc thực hiện Chương trình bình ổn thị trường tại địa phương.
Theo yêu cầu của Bộ Tài chính, các Sở Tài chính địa phương thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền đến các doanh nghiệp chế biến, các hộ tiêu thụ lớn về thịt (đặc biệt các khu công nghiệp, các đơn vị lực lượng vũ trang) để đẩy mạnh tiêu thụ, sử dụng sản phẩm thịt trong nước nhằm chia sẻ bớt khó khăn với người chăn nuôi.
Ngành tài chính khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường ký kết các hợp đồng tiêu thụ lợn thịt với các trang trại chăn nuôi để tạo nguồn cung ổn định phục vụ công tác bình ổn và đảm bảo thu mua lợn thịt cho người chăn nuôi với giá cả hợp lý.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị nói trên phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác phòng, chống buôn lậu, và gian lận thương mại; kiểm soát chặt chẽ chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những đơn vị, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, đồng thời, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vi phạm.
Mặt khác, tại Công văn số 5717, Bộ Tài chính đề nghị các doanh nghiệp thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá khi xây dựng phương án giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; rà soát, tính toán và có các giải pháp công nghệ, quản lý phù hợp nhằm tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, giá bán sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; không điều chỉnh tăng giá bán thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y khi các yếu tố hình thành giá không thay đổi.
Các doanh nghiệp này cần giảm ngay giá bán các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y khi các yếu tố chi phí đầu vào giảm giá và kê khai giá theo quy định, cùng chia sẻ lợi ích với người tiêu dùng và doanh nghiệp chăn nuôi.
Trường hợp các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá sẽ bị xử lý nghiêm và thu nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền thu lợi, đồng thời công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
Trước đó, vào ngày 28/4, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản chi đạo một số giải pháp ổn định phát triển chăn nuôi nhằm tháo gỡ những khó khăn cho ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn, giúp người chăn nuôi giảm bớt khó khăn, ổn định phát triển và bình ổn thị trường./.
>> AVR kêu gọi các doanh nghiệp bán lẻ “giải cứu” giá thịt lợn