Bộ trưởng Bộ Tài chính: Tăng cường minh bạch thị trường vốn

Thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã hình thành và đóng góp lớn cho sự phát triển của nền kinh tế và thực sự được quan tâm phát triển trong 5 năm trở lại đây...

bt-hdp-20231227142641-9.jpg
Bộ Trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Tăng cường minh bạch thông tin để thị trường chứng khoán hoạt động công bằng, hiệu quả luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Bộ Tài chính.

Tạp chí Thương Gia đã có bài phỏng vấn Bộ Trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc các vấn đề liên quan đến minh bạch thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu.

Minh bạch và hoạt động hiệu quả là từ khóa được thị trường quan tâm nhất trong năm vừa qua. Xin Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính đã triển khai những giải pháp gì để đưa thị trường chứng khoán Việt Nam đến gần hơn với mục tiêu này?

Trong năm vừa qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai các giải pháp để nâng cao tính minh bạch của thị trường chứng khoán gồm đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công bố thông tin của các doanh nghiệp niêm yết; triển khai các đợt kiểm tra, giám sát tổ chức kiểm toán và kiểm toán viên được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính.

Trong 11 tháng đầu năm 2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt 74 công ty đại chúng vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin trên thị trường chứng khoán và đình chỉ tư cách của 5 tổ chức kiểm toán, 26 kiểm toán viên được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán nhằm tăng cường tính răn đe và minh bạch thị trường.

Hiện nay, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện triển khai kết nối hệ thống công bố thông tin của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội với hệ thống công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhằm cho phép công ty đại chúng chỉ cần thực hiện công bố thông tin tại một đầu mối là Sở Giao dịch Chứng khoán nơi công ty niêm yết/đăng ký giao dịch, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình công bố/tiếp cận thông tin.

anh-man-hinh-2024-02-04-luc-163207-6422.png

Đối với các tổ chức trung gian trên thị trường chứng khoán Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục triển khai các giải pháp tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nhằm nâng cao năng lực của các công ty, tiến hành xử lý thanh lọc các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ yếu kém, hoạt động không hiệu quả. Các công ty chứng khoán, phải thực hiện áp dụng nguyên tắc quản trị công ty và công bố thông tin theo chuẩn mực cao nhất của công ty đại chúng.

Từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và tiến hành xử lý vi phạm đối với 6 công ty chứng khoán; đưa 1 công ty chứng khoán thuộc tình trạng kiểm soát, 2 công ty chứng khoán thuộc tình trạng cảnh báo. Hiện có 6 công ty chứng khoán thuộc trường hợp bị chấm dứt hoạt động và 1 công ty chứng khoán bị yêu cầu tạm ngừng hoạt động.

Ngoài ra, nhằm ổn định và phát triển thị trường chứng khoán lành mạnh, hiệu quả, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đẩy mạnh công tác thanh tra và xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán với tổng cộng 67 đoàn thanh kiểm tra, ban hành 412 quyết định xử phạt với tổng số tiền phạt thu được là 37,2 tỷ đồng, trong đó xử phạt 2 trường hợp thao túng với tổng số tiền phạt 2,05 tỷ đồng.

Bộ Tài chính có kế hoạch gì để thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh và nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi trong thời gian tới?

Nâng hạng thị trường chứng khoán là một trong những mục tiêu của Chính phủ, Bộ Tài chính nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài cho phát triển kinh tế, tài chính đất nước. Để thực hiện mục tiêu này, trong thời gian qua, chúng tôi đã tích cực phối hợp với các Bộ ngành liên quan, trực tiếp chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong việc xem xét nâng hạng thị trường chứng khoán.

Trong đó gồm tập trung tháo gỡ vướng mắc đối với yêu cầu chuyển tiền và thanh toán sau giao dịch đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Thông lệ tại đa số thị trường chứng khoán các nước trên thế giới là nhà đầu tư nước ngoài không phải ký quỹ trước giao dịch mà chỉ thực hiện thanh toán khi giao dịch đã thành công trong khi thị trường chứng khoán Việt Nam yêu cầu mọi nhà đầu tư phải đảm bảo có đủ tiền và chứng khoán trên tài khoản trước giao dịch. Để xử lý vướng mắc này, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp cùng Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) làm việc với các thành viên thị trường (các công ty chứng khoán) cùng tìm giải pháp tháo gỡ.

Về dài hạn, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành liên quan rà soát tổng thể Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản liên quan để trình các cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung theo hướng làm rõ vai trò trách nhiệm và mức độ tham gia của các ngân hàng thương mại khi trở thành thành viên bù trừ trên hệ thống bù trừ thanh toán theo mô hình Đối tác bù trừ trung tâm (CCP)- hệ thống cho phép nhà đầu tư không cần ký quỹ toàn bộ trước giao dịch, đảm bảo tính đồng bộ và phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành của Luật Các tổ chức tín dụng.

Đối với vướng mắc về khả năng tiếp cận thông tin về doanh nghiệp niêm yết, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện cập nhật thường xuyên các thông tin về thị trường chứng khoán trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính bằng song ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh) để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã tích cực và chủ động phối hợp với các Bộ ngành liên quan và kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp tháo gỡ khó khăn trong xử lý vấn đề giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài và tự do hóa tài khoản vốn, quy định về quản lý ngoại hối.

anh-man-hinh-2024-02-04-luc-163236-1062.png
Năm thứ 4 liên tiếp, Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Có thể nói, để thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng, ngoài nỗ lực của Bộ Tài chính, rất cần chỉ đạo quyết liệt từ Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và sự chung tay của nhiều Bộ, ngành, doanh nghiệp. Với vai trò đơn vị đầu mối, Bộ Tài chính đang khẩn trương và quyết liệt thực hiện các giải pháp và hy vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ sớm được nâng hạng trong thời gian tới.

Nhiều kỳ vọng các điều chỉnh về khuôn khổ pháp luật và nhận thức về trái phiếu doanh nghiệp hiện tại sẽ mở ra một chu kỳ mới cho sự phát triển của thị trường, một chu kỳ phát triển ổn định, thực chất hơn, quan điểm của Bộ trưởng như thế nào?

Thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã hình thành và đóng góp lớn cho sự phát triển của nền kinh tế và thực sự được quan tâm phát triển trong 5 năm trở lại đây, với quy mô tăng trưởng bình quân khoảng 33%/năm, đáp ứng nhu cầu huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế theo đúng chủ trương, mục tiêu của Đảng và Nhà nước là phát triển cân bằng giữa thị trường tín dụng và thị trường trái phiếu nhằm giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng.

Tính đến cuối tháng 10/2023, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp khoảng 1 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 10,5%GDP, bằng 8% tổng dư nợ tín dụng, cho thấy đây là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, so với quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp so với GDP của một số quốc gia trong khu vực hiện nay như Malaysia (45%) và Thái Lan (26%), thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa và tiềm năng để phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp để phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19 là tương đối lớn.

Trái phiếu doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 10% GDP trong khi quy mô thị trường tín dụng chiếm đến khoảng 130%GDP, phản ánh thực trạng thị trường vốn Việt Nam đang phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng.

Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có những vấn đề bất cập như tái cơ cấu chưa cân bằng giữa phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ. Một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu huy động vốn có nhiều rủi ro cao, cá biệt có một số trường hợp lợi dụng những quy định thông thoáng của Luật Doanh nghiệp khi thành lập hoạt động của doanh nghiệp vi phạm pháp luật về công bố thông tin và sử dụng trái mục đích.

Trong thời gian tới, để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển đúng với tiềm năng và vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế cần có sự “chung tay góp sức” của tất các chủ thể tham gia trên thị trường.

Đối với cơ quan quản lý Nhà nước, căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành cần thực hiện đồng bộ các giải pháp điều hành chính sách vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; tháo gỡ khó khăn, ổn định thị trường bất động sản; theo dõi thanh toán trái phiếu doanh nghiệp đến hạn và tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; tổ chức thị trường và nâng cao hiệu quả quản lý giám sát; rà soát tổng thể để hoàn thiện quy định của pháp luật tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các Luật liên quan; nghiên cứu chính sách khuyến khích xếp hạng tín nhiệm, thúc đẩy lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán, phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức; tăng cường nguồn lực, nhân sự cho các cơ quan thanh, kiểm tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước....

Doanh nghiệp còn dư nợ trái phiếu phải có trách nhiệm đến cùng đối với nghĩa vụ nợ trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố thông tin cho nhà đầu tư để đảm bảo uy tín trên thị trường.

Về phía nhà đầu tư cần có hiểu biết đầy đủ về quy định của pháp luật, tiếp cận đầy đủ thông tin về doanh nghiệp phát hành và trái phiếu, đánh giá kỹ tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành, phân biệt rõ sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp không phải là tiền gửi ngân hàng, đánh giá mức độ rủi ro tương xứng với lợi nhuận khi đầu tư trái phiếu, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình. Nhà đầu tư cũng cần lưu ý rủi ro của trái phiếu gắn trực tiếp với rủi ro của doanh nghiệp phát hành, không phải rủi ro của NHTM phân phối trái phiếu.

Đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ có trách nhiệm nâng cao chất lượng dịch vụ, tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật và thực hiện nghĩa vụ báo cáo, tư vấn và cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư mua trái phiếu, làm rõ sự khác biệt giữa trái phiếu doanh nghiệp và tiền gửi tiết kiệm ngân hàng, tuyệt đối không được mời chào nhà đầu tư không đáp ứng đủ điều kiện trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua trái phiếu.

Có nhiều dự cảm về triển vọng tích cực hơn cho nền kinh tế năm 2024, tuy nhiên khó khăn vẫn là câu chuyện cộng đồng doanh nghiệp nhắc đến, đặc biệt áp lực đáo hạn trái phiếu chắc chắn sẽ là nỗi lo lớn cho các doanh nghiệp trong năm tới. Bộ trưởng nhận định như thế nào và có điều gì gửi gắm cộng đồng doanh nghiệp?

Chúng ta đều biết tinh thần chung của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là rất bản lĩnh, luôn có tinh thần vượt khó, thích ứng nhanh với mọi tình huống. Tôi tin rằng các doanh nghiệp sẽ biết nắm bắt cơ hội từ những giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ để thúc đẩy kinh doanh. Các doanh nghiệp cần quan tâm hơn tới việc tăng cường năng lực quản trị, khả năng ứng phó với những biến động thị trường, cơ cấu các nguồn lực theo hướng bền vững hơn, đặc biệt là luôn phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật… có như vậy chúng ta mới có thể phát triển thị trường an toàn, lành mạnh, bền vững. Thị trường trái phiếu năm 2024 sẽ trở lại mạnh mẽ và phát triển cả về quy mô và chất lượng, tiếp tục khẳng định là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế.

anh-man-hinh-2024-02-04-luc-163250-4150.png

Về mặt chính sách, ngày 5/3/2023 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế để góp phần giải quyết vấn đề khó khăn trước mắt về thanh khoản, để thị trường có thời gian điều chỉnh lại, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp cân đối nguồn tiền.

Từ ngày 19/7/2023. hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội chính thức hoạt động, góp phần thúc đẩy tính thanh khoản cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và tạo điều kiện cho thị trường sơ cấp trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát triển bền vững hơn.

Bên cạnh đó, Chính phủ, các Bộ, ngành cũng ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép ngân hàng thương mại giãn thời gian trả nợ lãi và gốc của các khách hàng đang gặp khó khăn, giảm lãi suất, duy trì thanh khoản trên thị trường tiền tệ để cung ứng vốn cho nền kinh tế… Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp để ổn định thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ và Lãnh đạo Chính phủ, kể từ quý 2/2023 đến nay, thị trường đã dần ổn định trở lại.

Xem thêm

Tháng 1/2024: Sàn HOSE sở hữu 41 doanh nghiệp có vốn hóa trên 1 tỷ USD

Tháng 1/2024: HOSE có 41 doanh nghiệp vốn hóa trên 1 tỷ USD

Đến hết tháng 1/2024, trên HOSE có 41 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD, trong đó có 2 doanh nghiệp có vốn hóa trên 10 tỷ USD là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam...

Có thể bạn quan tâm