Giải ngân vốn đầu tư công gần đạt 17.000 tỷ đồng trong tháng 1/2024

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết, trong tháng 1/2024, số giải ngân đầu tư công thực tế đạt 16.900 tỷ đồng, tương đương đạt 2,58%, cao hơn cùng kỳ cả số tương đối và tuyệt đối (cùng kỳ đạt 1,8% với 12.800 tỷ đồng...

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung

Ngày 1/2/2024, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 1/2024. Đây là buổi họp báo thường kỳ Chính phủ cuối cùng trong năm âm lịch Quý Mão, ngay trước thềm kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn đang đến gần.

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung đã công bố những thông tin quan trọng về kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 1/2024. Đây một trong những nội dung được báo chí quan tâm và đặt nhiều câu hỏi.

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung khẳng định, đầu tư công là một trong những nội dung được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn chỉ đạo quyết liệt, sát sao. Ngay đầu nhiệm kỳ, Chính phủ xác định đầu tư công là lĩnh vực vừa hỗ trợ cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa là trụ đỡ tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn trong phát triển.

Với tinh thần đó, trước ngày 31/12/2023, Chính phủ đã giao ngay 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 là 657.000 tỷ đồng. Hiện các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã giao tổng số vốn đạt 622.000 tỷ đồng, đạt gần 97%. Tỷ lệ này là rất cao, so với đầu năm 2023 chỉ đạt hơn 78%. Nhờ số vốn giao từ đầu năm cao, kết quả giải ngân tháng 1/2024 cũng đã phản ánh kết quả đáng khích lệ.

Dẫn báo cáo của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết, trong tháng 1/2024, số giải ngân đầu tư công thực tế đạt 16.900 tỷ đồng, tương đương đạt 2,58%, cao hơn cùng kỳ cả số tương đối và tuyệt đối (cùng kỳ đạt 1,8% với 12.800 tỷ đồng.

Để đạt kết quả trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải, nhờ ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn sát sao, xác định rõ vướng mắc khó khăn trong từng ngành, lĩnh vực, từng khâu của đầu tư công… để tập trung tháo gỡ. Đặc biệt, các giải pháp tháo gỡ khó khăn về thể chế, thị trường được kỳ vọng sẽ giải quyết nhiều vướng mắc, khó khăn cho các dự án.

Thứ trưởng Trung nêu ví dụ trong năm 2023, đối với các công trình dự án lớn về giao thông đường bộ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết 106 về cơ chế chính sách và các chính sách đặc thù đối với việc thực hiện các dự án giao thông đường bộ liên quan đến các quy định pháp luật khác nhau. Chính phủ đã ban hành ngay Nghị quyết 16 để cụ thể hóa triển khai. Đây là những giải pháp cụ thể nhất cũng như là những hoạt động Chính phủ giao cho các cơ quan Trung ương, địa phương cùng các tổ công tác triển khai.

"Có thể nói, có những giải pháp chúng ta đã làm từ ngay đầu nhiệm kỳ và trong những năm 2021 – 2023 đến nay, có những giải pháp đột phá để giải quyết các vướng mắc, đặc biệt là thể chế. Bên cạnh đó, giải quyết các vướng mắc, khó khăn trên thực tế như vấn đề nguồn đất, vật liệu thay thế...", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Cũng theo ông Trung, năm 2024, về cơ bản các dự án đầu tư công, dự án quan trọng quốc gia, có tính lan toả, liên kết vùng đã hoàn thành thủ tục, là cơ sở và tạo niềm tin để năm 2024 có thể giải ngân tốt vốn đầu tư công và chắc chắn tỷ lệ giải ngân sẽ đạt kết quả cao.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Đón làn sóng đầu tư mới

Đón làn sóng đầu tư mới

Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để hưởng lợi từ sự chuyển hướng thương mại toàn cầu và những thay đổi trong chuỗi cung ứng...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: Cần làm rõ tổng mức đầu tư, không tô hồng bức tranh tài chính

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh rằng cần phải tính toán chính xác chi phí xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, không tô hồng bức tranh tài chính, đặc biệt trong giai đoạn vận hành khai thác để đảm bảo dự án đạt hiệu quả kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng cao...