Bộ Xây dựng: Sẽ quy định rõ việc xây dựng, kinh doanh bất động sản du lịch, lưu trú

Sẽ quy định rõ việc xây dựng, kinh doanh bất động sản du lịch, lưu trú (căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú) để đảm bảo quyền lợi cho các bên, tránh rủi ro cho người dân.
Bộ Xây dựng: Sẽ quy định rõ việc xây dựng, kinh doanh bất động sản du lịch, lưu trú

Trong báo cáo thị trường bất động sản quý 2/2020, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bất động sản theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội và đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 76/2015/NĐ-CP.

Theo Bộ Xây dựng, mới đây, tại văn bản số 5269/VPCP-CN ngày 30/6/2020 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các loại hình bất động sản du lịch, lưu trú. 

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, theo chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, ban hành nhiều văn bản, tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với lĩnh vực này.

Ngày 20/01/2020, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 276/BXD-QLN để chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương một số nội dung liên quan đến quản lý đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản du lịch, lưu trú. 

Trong đó, yêu cầu kiểm soát chặt chẽ các dự án có hiện tượng chuyển đổi căn hộ du lịch, biệt thự du lịch sang thành nhà ở và cần xem xét thận trọng, thực hiện đúng quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư, pháp luật về quy hoạch đô thị, pháp luật về xây dựng; đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất được duyệt, quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương đồng thời phù hợp với khả năng dung nạp dân số, khả năng đáp ứng về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực; tuân thủ quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng.

Để tiếp tục hoàn thiện pháp luật, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bất động sản theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội và đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 76/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản. 

Theo đó, sẽ quy định rõ việc xây dựng, kinh doanh bất động sản du lịch, lưu trú (căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú) để đảm bảo quyền lợi cho các bên, tránh rủi ro cho người dân.

Cũng trong báo cáo thị trường bất động sản quý 2/2020, theo Bộ Xây dựng, các dự án du lịch nghỉ dưỡng được cấp phép trong quý 2 tăng so với quý đầu năm 2020. Cụ thể, đã có 92 dự án với 6.300 căn hộ du lịch (condotel), 197 biệt thự du lịch và 46 căn văn phòng kết hợp lưu trú (officetel) được cấp phép. Bên cạnh đó, hiện có 91 dự án với 19.878 căn condotel và 8.407 căn biệt thự du lịch đang được triển khai xây dựng.

Những địa phương trọng điểm về cấp mới dự án du lịch nghỉ dưỡng lớn là: Khánh Hòa cấp phép 3 dự án, Phú Yên cấp phép 2 dự án.

Có thể thấy, nguồn cung condotel vẫn tăng trong bối cảnh có nhiều cảnh báo về pháp lý ở phân khúc này. Trong khi các bộ liên quan khẳng định đã có đầy đủ pháp lý để quản lý loại hình condotel, biệt thự du lịch và officetel, Bộ Công an cho rằng loại hình bất động sản này vẫn đang có nhiều điểm thiếu chặt chẽ gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, kinh doanh, rủi ro cho người mua nhà và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh kinh tế, an ninh trật tự.

Theo Bộ Công an, hiện đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để quản lý loại hình condotel, tourist villa, officetel nhưng các văn bản pháp luật đã có chưa giải quyết được các vấn đề phát sinh. Hiện chưa xác định rõ đối tượng được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản và quy định quản lý chưa cụ thể dẫn tới phức tạp rủi ro cho người mua.

Có thể bạn quan tâm